Báo chí

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Ngày đăng: 15/03/2009 | Lượt xem: 1472

Có một chương trình của Đài Truyền hình mà lần phát sóng nào cũng tạo được những giọt nước mắt cho khán giả và cả người trong cuộc, đó là chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” . Ngay trong trường quay S8, một khách mời chậm nước mắt vừa nhận định: “Đây không phải là những giọt nước mắt sầu thảm mà là những giọt nước mắt hạnh phúc”.

Là một chương trình truyền hình trực tiếp nên cái khó nhất và cũng hấp dẫn nhất, đó là sự bất ngờ: bất ngờ cho người trong cuộc, cho khán giả và cho cả người thực hiện chương trình. Đã có lúc Thu Uyên – Chủ nhiệm chương trình kiêm MC – phải chậm nước mắt, nghẹn lời… Thu Uyên được đề cử giải Mai vàng về chương trình truyền hình năm 2008 không phải ở sắc đẹp, ở tài MC mà chính ở chỗ đã tạo được: Những giọt nước mắt mang tinh thần nhân văn trong lòng mọi người.

Ngọc Duệ lớn lên nhờ sự cưu mang của các ni sư từ khi xa lìa đến ngày gặp lại mẹ
Hiện nay chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) sau hơn một năm phát sóng đã nhận được trên 10 ngàn người cần tìm người thân và hơn 80 người được đoàn tụ, trong đó có nhiều vị là tu sĩ Phật giáo. Thầy Thiện Tài lạc gia đình lúc mới 4 tuổi, gặp thiện duyên, thầy nương vào chùa Phước Lộc Thọ ở Bình Dương, ngày đêm niệm Phật với ước nguyện được gặp lại cha mẹ và trong lần phát sóng NCHCCCL thứ 13, ước nguyện đó đã được thành tựu. Ông Nguyễn Văn Tấn, cha của thầy Thiện Tài xúc động cho biết: “Thầy là đứa con tôi cưng nhất trong nhà nên khi thầy thất lạc tôi tìm kiếm khắp nơi, kể cả nhờ đến Đài phát thanh. Hơn 20 năm, tưởng rằng không còn dịp gặp lại thế mà trong chương trình NCHCCCL đã kết nối được gia đình tôi, thật là hy hữu. Có những lúc gia đình tôi nghĩ đến đứa con thất lạc của mình có thể đang hành nghề đánh giày, hoặc mua bán gì đó nhưng chúng tôi thật bất ngờ và xúc động khi đứa con thân yêu của chúng tôi lại là một tu sĩ”. Cô Mỹ Phương (Ngọc Duệ) bị bắt từ nhỏ nhưng nhờ sự sáng trí và đùm bọc của Chư Ni TX.Ngọc Bảo và TX.Ngọc Phương để rồi qua chương trình NCHCCCL đã đoàn tụ cùng gia đình hơn 30 năm.

ĐĐ.Thích Hạnh Bảo trầm ngâm theo dõi Chương trình NCHCCCL
ĐĐ.Thích Hạnh Bảo, UV BCH Hội đồng Tăng già Thế giới, trụ trì chùa Vạn Hạnh ở Vương Quốc Đan Mạch và chùa Viên Ý ở Ý Đại Lợi trong dịp về dự Lễ Vesak đã đến trường quay VTV để mong tìm được mẹ ruột của mình sau thời gian thất lạc gần 20 năm. ĐĐ.Thích Hạnh Bảo ghi lại “… không thể nói hết những tâm tư của mình, tôi chỉ mong qua chương trình này, quý cô bác, quý anh chị, quý vị nghe thêm một câu chuyện như thế này, thấy rõ đời sống của người tu, ngoài việc phụng sự chúng sanh, người tu cũng có những nỗi niềm riêng tư, và được bộc bạch một cách chân tình không hoa mỹ che giấu. Thì mong rằng quý anh chị, quý cô bác, quý Phật tử hiểu và nếu có cơ hội, xin giúp đỡ chương trình, để có thông tin. Xin tri ân tất cả! Chúng tôi thành tâm cầu nguyện cho quý vị và cầu cho tất cả được bình an. A Di Đà Phật!”.

Trò chuyện với một phóng viên, chị Thu Uyên tâm sự: “Mỗi tháng chỉ có 30 ngày. Từ live này đến live kế tiếp khi thì 4 tuần, khi thì 5. Quay qua quay lại đã thấy hết thời gian chuẩn bị. Mà trong 4 hoặc 5 tuần đó, phải nghĩ, phải ngẫm, phải sống, phải quan sát và mô tả lại hơn một chục thân phận; phải tìm, phải đến, phải đi, phải cân nhắc từng li từng tí. Khó nhất là không cho phép mình vội vã trong điều kiện công việc xoay vòng như chong chóng…. Cuộc sống vốn dĩ đa dạng, những chuyện đời mà chúng tôi thu hoạch được thật vô cùng sống động. khi tìm kiếm chúng tôi tuân thủ những nguyên tắc xác minh thông tin kỹ lưỡng và đến cùng. Khi làm người kể chuyện, chúng tôi cố gắng để nhìn rừng trước khi nhìn cây. Mỗi câu chuyện chia ly hay đoàn tụ trong NCHCCCL hẳn không thể làm rung động khán giả đến như thế, nếu chúng chỉ là chuyện của vài người, của một gia đình. Vì vậy, tôi vừa làm vừa học rất nhiều: ôn lại lịch sử, tìm “nhân vật lịch sử” để hỏi han, tra cứu tài liệu tham khảo về tâm lý, đọc thêm sách, tra tranh ảnh của địa điểm và thời kỳ liên quan…. Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là hàn gắn chia ly, mà còn qua đó, “nhìn cây mà thấy rừng”, vì có biết bao nhiêu là nhân tình và luân lý trong những câu chuyện chia ly – đoàn tụ đó. Nhưng nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng tôi luôn tuân thủ là bảo đảm chân thực. Không “giả vờ” khi xử lý thông tin, không dàn dựng khi đi quay phóng sự, và sự bất ngờ ở trường quay phải là chân thật nhất…. Sự ưu tiên của chúng tôi là dành cho những trường hợp mà cuộc gặp lại mang một ý nghĩa lớn lao cho người trong cuộc. Mẹ mong gặp con, con đi tìm cha mẹ, người thất lạc gia đình, người tìm lại ân nhân, và những trường hợp mà thời gian không cho phép chờ đợi lâu hơn nữa…. Chúng tôi cũng chọn để kể trước những trường hợp đã tìm ra, mà câu chuyện có mang ý nghĩa với cộng đồng nói chung”.

Ni sư Liên Ánh người cũng được các ni sư lớn cưu mang từ bé, nay cô rất muốn đi tìm lại bà con họ hàng của mình.

Để có được từng buổi phát sóng hấp dẫn như vậy, chương trình NCHCCCL không chỉ ghi nhận chi tiết từng thông tin mà đội tìm kiếm cũng phải biết ứng biến và cật lực vượt đồi, vượt núi, kể cả vượt biên giới. Với khả năng hiện nay, chương trình NCHCCCL có thể đảm nhận tìm ra và xử lý thông tin cho 2 số 1 tháng. Nghĩa là mỗi tháng sẽ có 5-6 gia đình được đoàn viên, khoảng 30 người được lên tiếng gọi người thân trong chương trình trực tiếp. Muốn như vậy chương trình NCHCCCL rất cần có nguồn tài trợ để thực hiện và có kinh phí phát sóng.

Qua chương trình mang tính nhân văn như vậy, chắc hẳn các doanh nghiệp, các mạnh thường quân sẽ chung tay để chương trình mang lại nhiều “giọt nước mắt hạnh phúc” hơn nữa.

Tâm Vương (Báo Giác Ngộ)