Báo chí
“Như chưa hề có cuộc chia ly…” số 2: Những bi kịch trẻ thơ
Ngày đăng: 06/01/2008 | Lượt xem: 1159
Tâm điểm của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 2 được truyền hình trực tiếp tối qua 5.1 trên VTV1 là hai cuộc đoàn tụ cảm động mà nếu không có chương trình thì không biết đến bao giờ họ mới có thể tìm được nhau…
Đó là em Giang 13 tuổi lạc gia đình, được cưu mang ở chùa Diệu Giác (TP.HCM) và em Thảo theo dòng đời hành khất của cha phiêu dạt từ Nghệ An vào đến đất Sài Gòn.
Quê Giang ở Cà Mau, nhà có tất cả 10 anh em nhưng mất 3 người nên chỉ còn lại 7. Một người anh của Giang mất vì tai nạn giao thông, để lại cho cha mẹ Giang một số tiền bồi thường tai nạn đủ để mua được một mảnh đất nhỏ làm rẫy ở Đồng Nai và đưa cả nhà lên lập nghiệp. Ở đó không có điện, thường ngày ngoài việc đi bắt bò cạp bán lấy tiền phụ giúp mẹ và cho các em, Giang còn được giao công việc đi sạc bình ắc-quy về dùng thay điện. Nhưng Giang bỏ nhà ra đi rồi lạc luôn đến Sài Gòn là do sợ đòn roi của người cha và các anh lớn trong gia đình.
Tại trường quay, nhìn nụ cười hồn nhiên và nghe những lời kể của mẹ Giang mà ai cũng xót. “Bị đòn là chuyên gia, vì nó mê chơi, lại chậm chạp nên nhiều khi sai làm việc gì cứ lơ mơ thì bị đánh”, mẹ Giang kể. Khi được hỏi có lúc nào gia đình đi tìm con trai thất lạc không, bà nói chủ yếu chỉ tìm trong nhóm những đứa thiếu niên “móc bọc” ở quê. “Thấy mấy đứa nhỏ đi lượm bọc ni-lông thì chạy đến kêu nó, ê nhìn lên coi, biết không phải con mình thì thôi”, bà nói. Theo bà, chuyện bắt bò cạp, mặc dù bán có tiền Giang đều đưa mẹ nhưng đôi lúc vẫn phải chịu đòn vì “cứ dắt em theo rồi làm nó té đau”. Có lúc đi sạc bình ắc-quy, Giang xin thêm 2.000 đồng để tấp vào tiệm chơi điện tử và hậu quả là bị ba đánh đòn. Ám ảnh đòn roi của cha đã khiến cậu bé 13 tuổi này, khi được các chú công an “nhặt” được và gửi vào chùa nuôi dưỡng cũng không dám nói tên thật của mình. Rồi ở chùa hơn 1 năm, với cái tên mới là Đông nhưng chẳng ai hỏi được quê quán, tên thật của Giang. Giang sợ đến mức khi đã tìm được gia đình cho em rồi, những người làm chương trình phải đề nghị ba mẹ của Giang hứa là không đánh đòn con nữa, rồi mới cho Giang gặp. Và kết cục của cuộc đoàn tụ này không ai ngờ rằng người không kìm được nước mắt lại chính là cậu bé 13 tuổi chứ không phải là bố mẹ của em.
Giang đã trở về với gia đình – Ảnh: Đ.N.T |
Bi thương hơn trường hợp của Giang, câu chuyện ly tán gia đình của cô bé Thảo 17 tuổi khiến người ta đau nhói. Thảo được ba đưa từ quê vào Sài Gòn xin ăn và bị lực lượng chức năng của thành phố “thu gom” đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội. Ở đó một thời gian thì ba Thảo trốn đi, để con gái lại cho Nhà nước nuôi dưỡng. Lúc đó Thảo khoảng 5 tuổi. Khi lớn lên, Thảo khát khao tìm về gia đình nhưng tuổi thơ lang thang dường như đã xóa hết mọi ký ức nên em chẳng còn nhớ được thông tin gì. Đội tìm kiếm của chương trình, với quyết tâm của mình đã tìm ra quê quán và người mẹ ruột của Thảo ở tận Nghệ An để đưa vào trường quay. Người dẫn chương trình, bằng kinh nghiệm tuổi thơ của mình đã dẫn dắt cô bé hồn nhiên này vào trò chơi “nhắm mắt và cố nhớ lại”. Một lần không đạt. Hai lần không đạt. Đến lần thứ ba, khi ánh mắt hồn nhiên của cô bé thật sự khép lại bằng một quyết tâm thành thật, người mẹ ruột của em đã xuất hiện trước mắt em! Và trường quay chỉ còn là nước mắt của hai mẹ con Thảo. Thảo đã tìm được mẹ, nhưng người cha vẫn còn thất lạc.
Thảo lại được mẹ ôm vào lòng sau 12 năm xa cách – Ảnh: T.H |
Khán giả còn theo dõi rất nhiều những câu chuyện, những mảnh đời thương tâm chưa có hồi kết. Đó là những đứa trẻ bơ vơ không biết cha mẹ nơi đâu.
Đó là một thanh niên đi gõ cửa tìm cha cho mình, tìm chồng về cho mẹ. Cha anh là bộ đội tập kết ra Bắc, đóng quân ở Thanh Hóa rồi gặp mẹ anh. Khi mẹ anh mang thai thì ông lên đường vào Nam chiến đấu. Vài năm sau, trên đường công tác ra Bắc ông ghé thăm vợ con thì lúc đó mẹ anh đi làm vắng, không gặp được. Rồi chiến tranh loạn lạc, mẹ đưa anh sang xã khác ở, từ đó bặt luôn tin tức của cha anh. Đã hơn 40 năm rồi, anh và mẹ mong mỏi tin cha và giờ đây muốn “nhờ chương trình biến ước mơ thành hiện thực”.
Đó là một cô Mùi đằng đẵng chạy tìm người mẹ kế xa cách suốt năm chục năm, với tâm nguyện “phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già”. Bà mẹ kế đó đã để lại cho người con chồng những tình cảm và kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Thật khác thường và cảm động, ngược lại với câu “mấy đời bánh đúc có xương”…
Và chỉ mới qua 20 phút truyền hình trực tiếp, đã có 160 thông tin phản hồi qua tổng đài điện thoại gọi đến trường quay, trong đó có hơn 100 yêu cầu tìm kiếm…
Chương trình sẽ được phát lại trên kênh VTV1 vào lúc 14 giờ 55 phút ngày thứ sáu, 11.1.2008.