Báo chí
Nhà báo Thu Uyên trả lời VTV Web
Ngày đăng: 02/04/2008 | Lượt xem: 1441
Nhà báo Thu Uyên trong Chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…" |
– Việc gì tôi cũng thích, vì phải thích mới chọn làm và mới làm được. Khi chưa có công việc yêu thích, tôi cũng đã từng chịu thất nghiệp hơn 1 năm sau khi học Ngoại giao ở Nga về đấy thôi. Riêng nghề “người dẫn chương trình” không có trong ý định của tôi, và tôi không cho đó là một nghề mình đã làm.
Tôi là một biên tập viên dẫn chương trình, bắt đầu từ công việc bình luận quốc tế. Việc “dẫn” chỉ là một công việc của biên tập viên Thời sự chúng tôi lúc đó. Nay, dẫn chương trình cũng là một phần công việc của tôi, cũng như viết kịch bản và chịu trách nhiệm chung để bộ máy của Dự án “Như chưa hề có cuộc chia ly…” hoạt động có hiệu quả nhất.
“Như chưa hề có cuộc chia ly…” đang thực sự được quan tâm. Sự mới mẻ mà chương trình này đem lại cho chị là gì?
– “Như chưa hề có cuộc chia ly…” là điều thiết thực nhất mà tôi được làm trong nghề. Đồng thời, tôi được làm việc với rất nhiều người mang tinh thần tình nguyện, một tinh thần mà tôi cho là hết sức cao cả; chúng tôi cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong quá trình lọc hồ sơ, khai thác thông tin, tìm kiếm, cho đến khai thác truyền hình.
Mặt khác, “Như chưa hề có cuộc chia ly…” cũng cho tôi có điều kiện được làm con em, chị em trong nhà với những người bình dị chân thật, đã hoặc đang chịu cảnh thất lạc người thân.
Về khía cạnh nghề nghiệp, đây là chương trình cho phép tôi được tự nhiên nhất khi làm nội dung, và cho phép tôi được làm việc với một tập thể truyền hình đáng quý mến nhất, anh Lê Nguyên Long, đạo diễn Thế Anh, Ngọc Phú, Xuân Phong, Minh Cúc, Hữu Thiện,… của Trung tâm THVN tại Tp.HCM.
Bên cạnh đó là các đối tác mà không có họ, chương trình không thể thực hiện, như anh em Đội tương tác và Tổng đài của VinaGame, anh em quay phim Hãng phim Thanh Niên, phóng viên báo Thanh Niên và Nhà tài trợ Viettel, những người luôn song hành trong từng ý tưởng với chúng tôi.
Điều gì chị thấy khó khăn nhất khi thực hiện “Như chưa hề có cuộc chia ly…”?
– Thời gian và sức lực. Chương trình trực tiếp “Như chưa hề có cuộc chia ly…” lên sóng vào tối thứ Bảy đầu tiên của tháng, nghĩa là 4 hoặc 5 tuần mới diễn ra một lần. Nhưng con gái tôi thường hay đùa là mẹ trượt từ ngày này sang ngày khác với những hồ sơ của mẹ.
Áp lực rất nặng nề, mà ngày thì ngắn thế thôi, trong khi hàng ngày tôi vẫn được giao phụ trách các bản tin Thế giới cập nhật của VTV9.
Các đồng nghiệp thương đều bảo làm việc vừa thôi, nhưng công việc là như vậy, được lãnh đạo tín nhiệm thì phải cố gắng, dần dần sẽ đâu vào đấy. Tôi nghĩ, tính cả nể và không chuyên trong công việc thường làm cả đội ngũ mất sức rất nhiều, vì vậy chúng tôi đang cùng nhau thiết lập quy trình làm việc khoa học, chính xác trong các bộ phận của Dự án xã hội này. Nhất là, khi làm việc trong lĩnh vực của số phận con người như thế này, phải hết sức khoa học và biết kìm nén cảm xúc mới hiệu quả.
Con gái chị dường như rất “thân” và hiểu mẹ. Điều gì chị thấy tự hào về con gái nhất?
– Tư duy phóng khoáng, rất “Tại sao không?”, đồng thời lại là 1 cô gái dịu dàng.
Gia đình và công việc luôn là những điều khó cân bằng, chị nghĩ sao nếu chị tạo ảnh hưởng cho con gái chị?
– Thời gian càng ít thì chất lượng những phút ở bên nhau càng quan trọng. Tôi đang may mắn có được một gia đình hạnh phúc. Mỗi người chúng tôi đều bận, nhưng những giờ ít ỏi bên nhau đều tràn ngập tiếng cười vì chúng tôi đều thích và có chút khiếu hài hước. Đến nỗi không chỉ một lần, các tài xế taxi bảo “Gia đình anh chị vui quá” khi cả nhà có dịp cùng nhau đi làm, đi học.
Không phải tự kiêu, nhưng tôi cho rằng con gái tôi sau này mà biết thu xếp nhà cửa và nấu ăn như tôi là… đạt rồi.
Chị đang cảm nhận được sự may mắn trong cuộc sống gia đình, còn công việc thì sao? Chị có đang may mắn với những cuộc tìm kiếm của Như chưa hề có cuộc chia ly…?
– Mỗi cuộc tìm kiếm được đều có yếu tố may mắn trong đó. Chúng tôi đã tìm được vài trường hợp chia ly hơn 50 năm nay, nay thế hệ thứ 2 thứ 3 đi tìm, đại gia đình đã tiến hành tìm kiếm mọi cách mà chưa ra. Trong ngần ấy năm, cùng với những thăng trầm trong lịch sử đất nước, cuộc đời của những người trong cuộc cũng xô dịch nhiều lắm. Quan trọng nhất vẫn là sự suy luận logic khi xử lý thông tin. Và những may mắn nho nhỏ trong khi lần tìm đã giúp Chương trình hoàn thành nhanh từng trường hợp.
Chương trình là sự giúp đỡ tìm kiếm các cuộc chia ly của bạn xem truyền hình. Có ý kiến cho rằng ê-kíp làm việc như một đội thám tử tình nguyện, chị nghĩ sao về điều này?
– Thám tử – theo tôi hình dung, là những người có cách làm việc và những nhiệm vụ khác, không đơn thuần là giúp tìm kiếm những người thân thất lạc nhau mà cả hai bên đều có nguyện vọng gặp lại nhau.
Chúng tôi làm việc như những người tình nguyện thật sự, không nề hà xa xôi, vất vả. Các anh chị em làm việc cho Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” đều rất tự hào xưng danh mình là người của Chương trình, nhờ tới sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và bà con nhân dân, để tìm hiểu thông tin, nhằm giúp lần ra dấu vết.
Ban đầu, cũng khó khăn lắm, nhưng tôi có những cộng sự rất giỏi thuyết phục, chia sẻ. Dần dần, khi “Như chưa hề có cuộc chia ly…” được biết đến rộng hơn, thì hầu hết mọi người chúng tôi tiếp cận đều hết sức hỗ trợ việc làm nhân đạo của chúng tôi.
Vừa với vai trò tìm kiếm, vừa với vai trò kêu gọi sự giúp sức của mọi người. Trong 28 người đã tìm thấy, có bao nhiêu trường hợp công chúng cung cấp thông tin để tìm được người cần tìm?
– Đây là 1 dự án xã hội mang tính nhân đạo, mà Chương trình truyền hình trực tiếp “Như chưa hề có cuộc chia ly…” trên VTV1 là một thành phần. Công tác hồ sơ, lưu trữ, biên tập cũng như công tác tìm kiếm, làm truyền hình, tổng đài, website, Câu lạc bộ Tình nguyện của chúng tôi – việc nào cũng quan trọng và tất cả liên kết rất chặt chẽ và thống nhất.
Khi có khán giả cung cấp thông tin, cả bộ máy lập tức hoạt động, và thông tin được xác minh ngay lập tức. Càng ngày những thông tin gửi đến chúng tôi càng nhiều hơn, trong đó có 4 trường hợp đã giúp chúng tôi lần tìm ra người thất lạc.
Khán giả Việt Nam cũng thật nhân ái. Khi thấy 1 trường hợp quen, họ lập tức tìm cách thông báo cho chúng tôi ngay, dù có phải gọi hàng chục cú điện thoại, hoặc nhờ con cháu vào website hoặc gửi email cho Chương trình.
Nói chung, chúng tôi cố gắng bằng mọi cách để Chương trình trở thành nhịp cầu đưa những người thân ly tán về đoàn tụ. Ngay một đoạn trailer giới thiệu chương trình, chúng tôi đưa một dãy hình ảnh được đăng ký tìm kiếm, vậy mà 1 gia đình đã nhận ra là người thân lưu lạc 50 năm nay đang tìm mình.
Xin cảm ơn chị rất nhiều và chúc chị nhiều may mắn hơn nữa!
if (document.currentScript) {