Báo chí

Nhà báo Thu Uyên: Dám mưu cầu một hạnh phúc tìm lại

Ngày đăng: 27/05/2008 | Lượt xem: 1391

Nếu như lần trở lại với truyền hình sau rất nhiều năm vắng bóng trong chương trình talkshow "Tại sao không?" không thật ấn tượng thì trong chương trình talkshow "Như chưa hề có cuộc chia ly", sự trở lại của BTV Thu Uyên thật sự là một cuộc "tái xuất" gây bùng nổ.

Bùng nổ ở cả gương mặt búp bê xinh đẹp không tuổi tác, ở phong cách tự tin, đầy thuyết phục như ngày nào và quan trọng nhất là nội dung của "Như chưa hề có cuộc chia ly" thật sự mang đến cho người xem truyền hình cả nước một bất ngờ lớn. Có lẽ trong một thời gian khá dài, nhà đài mới lại xuất hiện một chương trình talkshow phát trực tiếp xúc động và ấn tượng đến như thế.

Trò chuyện với BTV xinh đẹp Thu Uyên, cảm giác con người chị thuộc về công việc và bận rộn một cách khủng khiếp. Búp bê xinh đẹp đã qua tuổi tứ tuần nhưng mỗi lần xuất hiện là một lần gây ngạc nhiên và sự thán phục cho bất kỳ ai đã từng xem các chương trình của chị.

Chị vẫn luôn như vậy, là búp bê xinh đẹp, thông minh và vô cùng bận rộn. Dấu ấn thời gian, sự thăng trầm của đời sống riêng tư hầu như lặn vào đâu đó, rất sâu trong con người chị, để mỗi lần chị xuất hiện, lại tươi mới, quyến rũ và đầy sức thuyết phục.

Chương trình talkshow "Như chưa hề có cuộc chia ly" của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng số đầu tiên trên VTV1 từ 20h-21h ngày 1/12/2007 và liên tục duy trì vào thứ bảy đầu tiên của tháng. Nhà báo Thu Uyên làm chủ nhiệm kiêm dẫn chương trình trực tiếp.

Chị kể rằng, từ ngày xưa, khi còn là sinh viên học ở Nga, chị đã cảm thấy người Nga giống người Việt Nam lắm. Có lẽ giống nhất là cùng có một nỗi đau chiến tranh. Hồi chị đi học là những năm 1980, tức là gần 50 năm sau Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít.

Ngày 9/5 của người Nga rất kỳ lạ, giống như câu chuyện trong bộ phim "Bao giờ cho đến tháng 10", có điều tươi sáng hơn. Dịp đó đang bắt đầu là mùa xuân ở Nga, hoa táo, hoa lê trắng cây, thảm cỏ xanh đầy hoa vàng. Các cụ già người Nga, ôi trông họ rất béo và "xấu" (lời của nhà báo Thu Uyên), họ đến ngồi ở các công viên, tay ôm ảnh chồng, con trai, anh chị em, cha mẹ và con cái thất lạc.

Họ ngồi ôm ảnh và kiên nhẫn chờ đợi một phép nhiệm màu ở những người đi qua lại. Mọi người đi qua công viên đều gặp cảnh tượng xúc động này, họ đi qua những cụ già tay ôm ảnh, như đi qua một giấc mơ quá khứ.

Từ ngày đó, Thu Uyên kể rằng chị đã có những cảm xúc kỳ lạ, chị đến công viên văn hóa Gorki ở thủ đô Moskva, đi qua những cụ già ấy, cảm giác mình cần phải làm một cái gì đó không thì mắc nợ với cuộc sống, với chính mình, mặc dù trong hoàn cảnh đó làm sao có thể làm nổi.

Về nước làm việc rồi, mọi ý nghĩ cứ trở qua trở lại, thỉnh thoảng lại thức giấc trong cuộc sống của mình, nhắc mình nhói đau trước một cảnh đời éo le, một câu chuyện buồn. Ngay cả báo chí hằng ngày, mục nhắn tìm đồng đội, nhắn tìm người thân cũng gieo vào trong vô thức của mình những ý nghĩ len lỏi phải làm một cái gì đó.

Những câu chuyện trong đời cho thấy nhiều khi con người ta chia lìa nhau vì ty tỷ những lý do, mà có khi chẳng vì cái gì cả, cứ trôi xa dần và mất hẳn dấu tích. Đó là câu chuyện của em Bình bị mẹ đẻ để lại ở hàng phở, chuyện chị Hạ bị bán sang Trung Quốc, và những câu chuyện đau lòng ở các trại trẻ mồ côi, các trung tâm bảo trợ xã hội cho thấy những người dễ rơi vào cảnh chia ly nhất lại là những người gần như vô phương tìm lại được nhau.

Và cái chương trình chị ấn tượng nhất là chương trình "Zhdi Menia" (Hãy đợi tôi) của Nga. Trong gần 10 năm tồn tại, chương trình đã hợp tác được với 20 ngàn người, và sự thành công của họ càng thôi thúc trong nhà báo Thu Uyên những khát vọng và những ý tưởng.

Tuy nhiên, chỉ đến khi liên kết được với những đơn vị cùng tâm huyết, tìm được những người cùng ý tưởng, cùng khát vọng thì chương trình mới có thể hình thành, mọi ý tưởng bấy lâu mới có cơ hội để thành hiện thực.

Slogan của chương trình là "Hãy lên tiếng". Ngay cái tên này cũng xuất phát từ những gì mà chị và đồng nghiệp đã bắt gặp trong khi đi làm phóng sự. Chị nhận ra rằng, người Việt Nam mình thường câm lặng chịu đựng nỗi đau, một mình chịu những mất mát. Không ai nói về nỗi đau của cá nhân mình cả, ít người dám mưu cầu một hạnh phúc tìm lại được.

Bao trùm lên tính cách và thói quen của người Việt mình là nhẫn nhịn và chịu đựng. Làm sao để cho họ, những người chịu mất mát, đau khổ, chia lìa lên tiếng, làm sao để buộc họ phải thốt lên ước nguyện được tìm lại cái đã mất, cái thất lạc, tìm lại hạnh phúc của cá nhân mình.

"Hãy lên tiếng" bắt nguồn từ thông điệp của những người làm chương trình gửi đến cộng đồng. Và thật tuyệt vời hơn cả mong đợi sau khi chương trình đầu tiên phát sóng có vô số những nỗi đau giấu kín được kêu lên.

Có vô số những ước nguyện được thốt ra, và những con người im lặng nhẫn nhịn và chịu đựng ấy đã bật lên một khát vọng thôi thúc dám mưu cầu một hạnh phúc tìm lại được. Và điều đó đã mang đến rất nhiều hạnh phúc, cho tất cả những người có hoàn cảnh ấy, và cả những người làm chương trình. Niềm hạnh phúc ấy thật lộng lẫy.

Chương trình talkshow "Như chưa hề có cuộc chia ly" lấy từ ý thơ của nhà thơ liệt sỹ Nguyễn Mỹ. Với nhà báo Thu Uyên, câu thơ ám ảnh bởi cái đẹp không thể tả. Chia ly là điều không một ai muốn, nếu có thể nói một điều tích cực về chia ly, thì đó là chia ly mới hy vọng sẽ gặp lại.

Với chương trình này, toàn xã hội có thể góp tay mang lại niềm hạnh phúc đoàn tụ, là sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn đối với nhiều người. Đây cũng là một thành phần của Dự án xã hội liên truyền thông (đài – báo – website – hotline – cộng đồng).

Phần tương tác của chương trình do ZING hỗ trợ. Ngoài tổng đài và website chính thức của chương trình còn có nhiều đơn vị truyền thông và nhiều cá nhân tình nguyện chia sẻ việc làm nhân đạo này cùng VTV và SGBS.

Tóm lại, chương trình do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và Công ty Truyền thông Sài Gòn buổi sáng tổ chức sản xuất, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel tài trợ. Hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình là VinaGame và Hãng phim Thanh niên.

Là chương trình phát sóng trực tiếp nên mỗi lần phát sóng có khoảng 50 người ở trường quay. Ngoài ra, để lo nội dung có các bộ phận trực tiếp như: Đội tìm kiếm 5 người, bộ phận thông tin 4 người, đội tương tác 4 người, và nhà báo Thu Uyên là Chủ nhiệm chương trình kiêm dẫn trực tiếp.


Nhà báo Thu Uyên – chủ nhiệm chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly…

Sau khi chương trình đầu tiên phát sóng, hiện nay đã có trên 800 tình nguyện viên của chương trình. Ông Larry bailey là Ủy viên Hội đồng địa phương bang Kentucky của Mỹ, ông ấy trước làm giám đốc một đài truyền hình thuộc mạng lưới ABC danh tiếng của Mỹ. Khi ông ấy đến sang tham dự chương trình, ông ấy đã kêu lên một cách kinh ngạc vì chương trình truyền hình trực tiếp.

Sau khi về nước ông mail cho nhà báo Thu Uyên: "Mày biết trên thế giới người ta chỉ làm Live-on-tape thôi, còn đây là mày làm live thật. Mày giỏi quá, không một ai dám lên sóng ngay như mày đâu".

Sự thành công nhiều hơn mong đợi là vậy, nhưng khi nói về công việc, nhà báo Thu Uyên vẫn khắt khe cho rằng, mọi thứ chưa được như ý chị mong muốn. Tuy nhiên, hạnh phúc lớn nhất của những người làm chương trình là không chỉ mang lại hạnh phúc cho những người trong cuộc mà niềm hạnh phúc đó còn được nhân lên rất nhiều khi mang đến cho tất cả người xem chương trình những cảm xúc rung động và những bất ngờ vô cùng đẹp đẽ, đó là món quà tuyệt vời nhất về tình yêu thương, tấm lòng nhân đạo, sự hàn gắn những vết thương do hoàn cảnh lịch sử để lại cùng những trớ trêu của cuộc sống.

Khán giả, những người xem chương trình gần như vỡ òa với từng số phận, từng mảnh đời. Câu chuyện của người phụ nữ mù, chị Hoàng Thị Mỹ và các con. Hành trình Bảo Tâm đi tìm mẹ và các em là một hành trình đầy nước mắt.

Rồi câu chuyện của bé Giang ở Cà Mau là bài học cho những bậc làm cha làm mẹ đã dùng đòn roi đối với con khiến cho con trẻ phải bỏ nhà ra đi lang thang rồi thất lạc. Hay câu chuyện ly tán đau lòng của bé Thảo quê ở Nghệ An, 4-5 tuổi đã theo ba lang thang vô Sài Gòn xin ăn.

Khi được lực lượng chức năng thu gom vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, ba Thảo đã trốn đi để lại bé Thảo mới tròn 5 tuổi. Từ đó là những tháng ngày ly tán không tìm được đường về, không tìm được cuộc đời thật của mình.

Hay câu chuyện của người đàn ông 42 tuổi tên Phước và hành trình đi tìm kiếm gia đình thất lạc từ ngày còn bé cho đến khi mái tóc đã bạc, nhờ chương trình anh mới tìm lại được gia đình của mình cho dù cả mẹ và cha anh đã mất. Hay câu chuyện của chị Lạc, chị Lời thất lạc nhau bao nhiêu năm giờ tìm lại được nhau và tìm được người mẹ kế để phụng dưỡng tuổi già.

Nhà báo Thu Uyên nói rằng, tất cả những gì mà chị cùng với các đồng nghiệp hiện nay đang làm và hướng tới cộng đồng đó cũng là cho chính mình. Mang hạnh phúc đến cho ai đó thì mình là người được nhận nhiều hạnh phúc nhất.

Đã qua tuổi tứ tuần, cuộc sống và công việc của một người phụ nữ như chị thông thường đã mệt. Thế nhưng, ở nhà báo Thu Uyên, sức sống là thứ chảy mạnh nhất trên gương mặt chị, đôi mắt chị và nụ cười của chị. Như chưa hề vất vả, đau khổ, và mất mát, hạnh phúc luôn ngập trong ánh mắt của chị.

Với Thu Uyên, tôi hiểu, chỉ cần làm được một việc nhỏ cho người khác là chị đã nhận được niềm vui, hạnh phúc. Và cuộc sống mà chị đang sống hiện nay, những yêu thương, dồn góp, cả cái công việc chị đang làm nữa cũng dành một phần lớn hướng về con gái của chị. Con gái đã 17 tuổi, đã là thiếu nữ, là người bạn lớn bên cạnh mẹ và sẻ chia với mẹ tất cả.

Mấy ngày hôm nay, Thu Uyên nói chị nhớ Hà Nội lắm. Nhớ và thèm được trở về Hà Nội để ăn trái sấu chua trái mùa, để chan bát canh me chua mẹ nấu. Mấy hôm nay ba mẹ gọi điện cho chị nhắc phần bánh trôi cho chị, chị lại cồn cào ruột gan.

Mùa này Sài Gòn nắng ngập trời nhưng Hà Nội vẫn đang rùng mình trong cái rét nàng Bân nhẹ thoảng. Chị cồn cào ruột gan khi nhớ một chút se lạnh của Hà Nội trong tiết nàng Bân cuối mùa. Nhưng cuộc sống thì bận rộn, công việc bận rộn, cả hạnh phúc cũng đong chật đầy bận rộn trong trái tim người đàn bà nhỏ bé.

Mới đây, trên một tờ báo, Thu Uyên bộc bạch chị đang rất hạnh phúc vì mỗi sáng cả gia đình chị lại ở trên một chiếc taxi và lao ra đường để đi làm. Gia đình đang là điểm tựa bình yên cho chị tiếp tục những niềm đam mê không bao giờ cạn của mình

Như Bình (Theo CAND)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *