Báo chí
“Nhà báo giỏi phải có vị riêng”
Ngày đăng: 21/09/2010 | Lượt xem: 1555
Tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Moskva; về nước, không làm việc trong ngành ngoại giao mà thử sức ở một số công ty, viện nghiên cứu và có lúc thất nghiệp vì… không thích những việc đã tìm được.
Năm 1990 trở thành biên tập viên (BTV), phóng viên chương trình thời sự quốc tế của Đài Truyền hình VN (ĐTHVN). Năm 2003, lấy bằng thạc sĩ báo chí và truyền thông tại Mỹ, được mời làm tư vấn truyền thông cho một tổ chức giáo dục nhưng lại quyết định về nước… “Đường dẫn” lòng vòng và ít nhiều gập ghềnh cuối cùng đã “neo” chị ở nghề báo, nổi danh như một nữ nhà báo xinh đẹp, bản lĩnh, rất thành công với những chương trình truyền hình thu hút được sự quan tâm, chia sẻ của công chúng… Đó là Thu Uyên – BTV, bình luận viên thời sự quốc tế, chủ nhiệm và người dẫn các chương trình truyền hình Tại sao không?, Như chưa hề có cuộc chia ly, Thế giới cập nhật…
Nhà báo Thu Uyên cùng Đội viên đội tìm kiếm SGBS Minh Hoàng (bên phải ngoài cùng) trong chuyến công tác về Đường 7 |
Phóng viên: Với tài năng và ngoại hình xinh đẹp, chị có thể trở thành nhà nữ ngoại giao giỏi giang, duyên dáng, vì sao chị lại đi lòng vòng để rồi “neo” lại ở nghề báo?
Nhà báo Thu Uyên: Mười bảy tuổi người ta thường khó mà chín chắn khi chọn ngành, nghề cho tương lai. Ba mẹ tôi đều là giáo sư, tiến sĩ khoa học. Trước đó tôi đã định thi vào ĐH Bách khoa, ngành vật lý chất lỏng nhưng lại quyết định học Quan hệ quốc tế vì thấy ngành ngoại giao… hay hay. Năm về nước, 1987, tôi tìm được việc làm ngay, đúng chuyên môn như xuất nhập khẩu, nhưng rồi cũng bỏ, vì lúc đó tôi rất sách vở mà thực chất công việc lại chẳng liên quan nhiều đến kiến thức đã học. Năm 1990 tôi về ĐTHVN (VTV) làm biên dịch rồi bình luận thời sự quốc tế. Tôi là người thích đủ thứ: kiến trúc, nhạc, hội họa… Nếu bây giờ quay lại năm 17 tuổi, biết đâu tôi lại chọn ngành khác (cười).
Sau hơn 10 năm gắn bó với Ban thời sự ĐTHVN, chị ra đi, làm giám đốc Trung tâm VASC Orient (tiền thân của báo điện tử Vietnamnet). Lấy bằng thạc sĩ truyền thông ở Mỹ, được mời ở lại làm việc chị lại quyết định về nước, nhận lời về báo Công An Nhân Dân bắt tay xây dựng phiên bản điện tử, để rồi sau đó quay lại ĐTHVN. Nhìn vào quá trình “nhảy việc” của chị thấy hơi… ngại.
– Tôi thấy chuyện “đường sự nghiệp” của mình cũng bình thường, không vất vả cũng chẳng truân chuyên như nhiều người nghĩ. Suy cho cùng thì các công việc trên đều xoay quanh nghề báo, chỉ khác nhau là ở các phương tiện truyền tải. ĐTH là “cái nôi” của tôi, nhưng khi thấy có những công cụ mạnh như internet chẳng hạn, tôi nhất định phải học, cũng là để làm công việc báo chí của mình tốt hơn, nhiều sức mạnh hơn.
Chương trình (CT) Tại sao không? của chị trên VTV1 thu hút sự quan tâm của công chúng ở ý tưởng, cách đặt vấn đề mới mẻ. Vì sao đang ăn khách, CT bỗng “tắt”?
– Tại sao không? được thực hiện với thông điệp: hãy nghĩ khác đi hoặc nghĩ ngược lại, đừng tư duy và hành động theo lối mòn. Làm cùng một cách, nói cùng một giọng rất tai hại. Trong công việc, cuộc sống cần có cái nhìn đa chiều. CT ra đời đã thu hút sự quan tâm của công chúng nhưng tác phẩm báo chí là sản phẩm tập thể, một mình không làm nên thành công. Đó là một CT lớn, mỗi tuần một số cũng là áp lực không nhỏ về tìm kiếm ý tưởng. Thực hiện được 26 số thì CT ngưng. Đây là vấn đề của ê kíp, nếu không tìm được nhiều người cùng nghĩ khác. Còn có vấn đề từ chính mình: lúc đó bản thân tôi cũng chưa đủ chín đến mức mỗi tuần có thể nêu ra một ý nghĩ khác. Biết đâu ngày nào đó tôi sẽ trở lại với CT, Tại sao không?
Chỉ làm những gì mình thích, luôn tìm tòi những cái mới nhưng Uyên có sợ ngày nào đó chính mình cũng cũ, có bao giờ chị mệt mỏi và nản lòng khi công việc không như ý?
– Mệt mỏi thì có nhưng nản lòng thì không. Nản lòng thì không làm được việc, lấy đâu ra sức để đi tiếp. Thực chất là tôi cũng chẳng có lúc nào tự hỏi mình cũ hay chưa, vì công việc mỗi ngày một mới mẻ, thú vị, chỉ đủ thời gian để học.
Như chưa hề có cuộc chia ly chinh phục khán giả bởi khía cạnh nhân văn của nó. Ý tưởng của CT này đã đến với chị như thế nào?
– Ngày còn học ở Moskva, tôi thường bắt gặp các cụ già ngồi cô đơn trong công viên với ảnh người thân trên tay – những người đã mất tích, thất lạc trong chiến tranh. Điều đó khiến tôi nhói lòng. Chiến tranh đã kết thúc nửa thế kỷ rồi mà người ta vẫn không nguôi quên. Việt Nam mình cũng nhiều cuộc chia ly như thế. Tôi đặt vấn đề với lãnh đạo, lên đề cương nhưng lại gặp nhiều khó khăn vì khi đó chưa có cơ chế xã hội hóa, trong khi dự án này cần nhiều người, tổ chức hỗ trợ, góp công sức. Cuối cùng năm 2006 mới thực sự khả thi. CT Như chưa hề có cuộc chia ly số đầu tiên phát sóng ngày 1/12/2007. Đến nay, sau hai năm rưỡi đã có 177 trường hợp tìm được nhau qua CT trong số gần 30.000 hồ sơ gửi tới chúng tôi yêu cầu được giúp đỡ.
Ngày đoàn tụ của cô Mỹ Ngọc và con gái Mỹ Phương sau cuộc chia ly 2/1971 |
Như chưa hề có cuộc chia ly cuốn hút vì những câu chuyện đời cảm động, những chi tiết và tình huống trùng phùng đầy bất ngờ. Cuộc đoàn tụ nào khiến chị ấn tượng nhất?
– Với tôi câu chuyện nào cũng ấn tượng. Mỗi trường hợp tìm kiếm thành công, tôi lại thở phào sung sướng nhìn ngắm cảnh đoàn tụ. Qua những câu chuyện mới thấy sự chia ly bao giờ cũng đau xót và khốc liệt. Có những đứa trẻ lạc cha mẹ trong những ngày cuối cùng của chiến tranh và được người “phía bên kia” bảo bọc, nuôi dưỡng để rồi suốt mấy chục năm sau ông vẫn không nguôi day dứt đi tìm đứa con nuôi bị thất lạc lần nữa. Có những đứa trẻ chỉ bước ra ngõ chơi mà lạc gia đình suốt 30 năm. Chia ly là bất hạnh, đau đớn và dù là ai, ở phía nào thì nỗi đau ấy cũng cần được khỏa lấp, được giúp đỡ để tìm lại người thân. Tất cả những cuộc chia ly đều liên quan đến vận mệnh đất nước, đến số phận con người. Không chỉ là những cuộc trùng phùng của những số phận, CT còn góp phần xoa dịu, hàn gắn, hòa giải đại đoàn kết dân tộc. Những câu chuyện của CT cho thấy, hãy tin vào những điều tốt đẹp, tin vào tình người và đừng bao giờ hết hy vọng!
Nghề báo được cho là nghề của áp lực, một trong những nghề nguy hiểm nhất, ngoài áp lực công việc các nhà báo còn phải đối mặt với những vấn đề tuổi thọ nghề thấp, bão hòa, cũ… nhanh, kể cả áp lực của người nổi tiếng… chị thì sao?
– Nói thật, tôi làm việc không phải để nổi tiếng và tôi cũng không quan tâm mình có nổi tiếng hay không. Mối bận tâm của tôi là làm gì cũng phải tới đích mà cụ thể ở thời điểm này là làm được gì, tìm được ai, công việc của mình có gì mới không. Tôi rất vui khi những CT mình thực hiện nhận được sự quan tâm, chia sẻ của công chúng. Vui vì những đóng góp của mình và cộng sự có ích cho xã hội. Tôi hạnh phúc vì được làm những gì mình thích. Tôi cũng không nghĩ tuổi viết của nhà báo bao nhiêu là vừa, có nhà báo chỉ viết 5 năm nhưng có nhiều bài không dễ quên, có nhà báo viết vài chục năm nhưng cũng khó thấy màu sắc.
Theo chị những phẩm chất quan trọng nhất của một nhà báo là gì? Chị có cho rằng, nhà báo nữ nhiều áp lực hơn nhà báo nam và khó thành công hơn?
– Nhà báo có một quyền lực lớn: nói cho nhiều người khác nghe. Điều đó đòi hỏi nhà báo phải có những phẩm chất: chân thành, trung thực, ham học hỏi, dám chịu trách nhiệm về những điều mình nói, luôn ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; dấn thân nhưng không thể thiếu sự quan tâm, chia sẻ. Tôi không phân biệt nhà báo nam hay nhà báo nữ, chỉ có nhà báo giỏi hay không, tài hoặc không tài, sắc sảo và có “vị” hay không mà thôi.
Chị nói gì về lớp nhà báo trẻ hôm nay?
– Hồi xưa, đọc báo tôi hay để ý đến tên tác giả vì có nhiều bài viết hay, những cây viết nổi trội hơn hẳn. Còn bây giờ ít có tên tác giả trẻ nổi trội, các bài báo đọc có cảm giác na ná nhau. Dường như nhiều nhà báo trẻ hôm nay ít có “vị” riêng. Có bạn khai thác tư liệu tốt nhưng thể hiện không ra; có bài viết ngồn ngộn chi tiết, con số nhưng dàn trải, liệt kê, không để lại ấn tượng gì. Nghề báo, nhà báo giỏi theo tôi là nghề của năng khiếu kết hợp với nỗ lực và không ngừng học hỏi; không đơn giản chỉ là nghề học trường lớp mà thành.
Người ta thường nói, phụ nữ cá tính, phụ nữ thông minh khó có hạnh phúc; cũng có thống kê truyền miệng rằng xác suất nhà báo nữ “tan vỡ” gia đình khá cao, chị nói gì về điều này?
– Tôi nghĩ nồi nào vung nấy. Vấn đề là mình nghĩ thế nào, quan niệm ra sao. Thông minh, sắc sảo mà bạn phải giả vờ… bớt thì bạn có… thông minh và hạnh phúc không? Nếu đàn ông sợ phụ nữ thông minh thì anh ấy cũng chẳng thông minh và chưa xứng đáng. Còn tỷ lệ nhà báo nữ “tan vỡ” do chưa có thống kê chính xác nên tôi không có ý kiến.
Phía sau hình ảnh nhà báo nữ xinh đẹp, thành công, luôn bận rộn với công việc, thích khám phá tìm tòi những điều mới lạ là một người vợ, người mẹ như thế nào ở gia đình?
– Tôi tự làm việc nhà: nấu ăn, đi chợ, lau dọn nhà cửa vì rất thích chăm sóc gia đình, những người mình yêu thương, đặc biệt là con gái 19 tuổi của tôi. Chỉ còn ngần ấy năng lượng dành cho gia đình. Thích những buổi sáng thức dậy pha cà phê, một ly to đùng. Thích đọc sách, ngắm sông trước nhà, nghe tiếng chuông gió và có cảm giác bình an. Đôi khi tôi “thiền” bằng cách đan áo. Từng mũi đan, lặp đi lặp lại, mình có thời gian suy nghĩ, tâm trí cũng được xoa dịu. Thỉnh thoảng tôi đi shopping nhưng không có nhu cầu hàng hiệu vì tôi thích chi tiết của phục trang chứ không chú trọng nhãn hiệu.
Sau tất cả những trải nghiệm trong công việc, cuộc sống, chị có bằng lòng với những gì đã đạt được, có bao giờ hối tiếc với những lựa chọn của mình?
– Tôi hài lòng với những gì mình có, cả được lẫn mất, không hay tự vấn hay day dứt về lựa chọn của mình, không muốn phải đắn đo quyết định nên hay không nên vì tôi luôn muốn được sống đúng là mình. Thích thì làm, theo đuổi đến cùng. Yêu ai yêu rất kỹ – theo đủ các khía cạnh, thắm thiết với người; thích tất cả những gì mình đang có!
Nhà báo Trần Bình Minh – Phó tổng giám đốc ĐTHVN |
Biết Thu Uyên từ hơn 20 năm qua, với tư cách vừa là đồng nghiệp, vừa là cấp trên trực tiếp, tôi nhận thấy: Uyên là nhà báo nữ rất cá tính, có tấm lòng, mạnh về ý tưởng, sáng tạo. Cá tính ở đây được hiểu là có chính kiến, tâm huyết, theo đuổi ý tưởng quyết liệt, đến cùng. Đó là những phẩm chất quý giá của một nhà báo chân chính, có bản lĩnh, yêu nghề. Uyên đã thực hiện một số CT, trong đó nổi bật là Như chưa hề có cuộc chia ly – một CT rất thành công ở khía cạnh nhân văn, thu hút được sự chú ý, quan tâm và chia sẻ của công chúng. Có mặt mạnh, có mặt hạn chế nhưng đáng quý nhất ở Uyên là tâm huyết và giàu ý tưởng trong công việc, một người như thế không thành công ở CT này sẽ thành công ở CT khác. Tôi mong muốn ngày càng có nhiều nhà báo như thế. Đừng quanh quẩn tìm vị trí, bon chen, hãy là những nhà báo tâm huyết, yêu nghề, chọn con đường nhất quán từ đầu đến cuối.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn
Tôi có dịp gặp Thu Uyên khi Như chưa hề có cuộc chia ly còn trong dự kiến và nghĩ, giữa lúc các ĐTH lẫn thị hiếu khán giả đang thiên về xu hướng giải trí thì đây là CT khó thực hiện, khó thành công. Nhưng khi CT ra mắt, tôi hết sức xúc động và bất ngờ… CT của Thu Uyên đã đáp ứng đúng khoảng trống và điểm nhạy cảm của mỗi cuộc chia ly mà chiến tranh và đau khổ kéo dài đã bình thường hóa, tưởng chừng chai sạn. Như chưa hề có cuộc chia ly không chỉ tâm huyết, có ý tưởng táo bạo mà còn thể hiện năng lực tổ chức tuyệt vời, đảm bảo sức hấp dẫn cả bề rộng lẫn bề sâu. CT kéo dài đến bây giờ mà vẫn đảm bảo sự cuốn hút, xúc động… Xin chúc mừng Thu Uyên và ĐTHVN đã tin cậy ủng hộ CT này.
Hâm mộ Nhà báo Thu Uyên vì chị là nhà báo có tâm, tầm, tài