Báo chí

Người đụng độ Tướng không quân Mỹ

Ngày đăng: 24/05/2008 | Lượt xem: 1296

Không dễ để quên quãng đời ấy, khi tuổi thanh xuân của anh gắn bó với bầu trời, với một quá khứ hào hùng nhất của cả dân tộc, bảo vệ và chiến thắng kẻ thù trong những ngày đêm giữ bầu trời miền Bắc… Để hôm nay, một buổi sáng yên bình ở mảnh đất phương nam xa xôi, nhắc lại những chuyện xưa, bao đồng đội đã hi sinh, những cay đắng không chỉ của cá nhân mình, anh vẫn nghẹn lời.

Phi công Nguyễn Hồng Mỹ của thời trai trẻ


Chuyến bay định mệnh ấy, chuyến bay mà câu chuyện về nó bây giờ không còn là của riêng anh vì đã được The History Channel phát sóng trong câu chuyện kể về viên tướng phi công Mỹ Daniel Edwards Cherry- đã làm Nguyễn Hồng Mỹ gãy cả hai tay. Anh bị mổ rồi gắn lúc đầu khúc xương gãy đó bằng một chiếc nẹp sắt, nhưng khi bay trở lại, chỉ cần bẻ lái chiếc MIG quen thuộc là chiếc nẹp lại gãy làm đôi.

Lần mổ thứ hai, các bác sĩ phải dùng một mảnh xương hông để gắn nối 2 đoạn xương lại. Nhưng Nguyễn Hồng Mỹ cũng phải chia tay giấc mơ bay với bầu trời từ đó. Một giấc mơ bay không kéo dài, chỉ chừng mấy trăm giờ bay cộng với 3 năm huấn luyện mà trước đó là một câu chuyện khác, giống như được vén lên bức màn bí mật của một thời, khi chiến tranh chưa đi qua.

Trở thành phi công chiến đấu từ chiều cao 1m50

Nhỏ xíu, sinh năm 1946, đang học khoa Kỹ sư kinh tế của Đại học Nông nghiệp, cao 1m50 và nặng chừng hơn 40 kg, Nguyễn Hồng Mỹ đã trúng tuyển trong số hơn 100 thanh niên trẻ hồi đó để sang Nga học. Tập trung sau hơn 1 tháng là sang Nga ngay, để rồi 3 năm học tập và thực hành ở bờ biển Hắc Hải, tất cả những lá thư các anh viết về nhà đều được ghi từ Hà Nội, gia đình hoàn toàn không biết các anh ở đâu.

Bí mật quân sự, thế nên có một anh nhìn thấy tuyết lần đầu tiên thích quá đã gửi thư về kể cho gia đình nghe và bị kỷ luật vì lộ bí mật. Những chàng trai VN ngày ấy, không bay qua máy bay cánh quạt, học nhảy dù ngay từ máy bay phản lực, những chàng trai thậm chí chưa bao giờ biết đến động cơ của một chiếc xe máy đã phải học cách làm chủ một chiếc máy bay. Và là máy bay chiến đấu.

Tập thể lực đối với một phi công là một thực hành bắt buộc, đu quay, đu vòng, chịu được áp lực không khí, áp suất và những biến cố bất thần có thể xảy ra khi bay. Từ một cậu trai nhút nhát, bé nhỏ, được bồi dưỡng và tập luyện trong 3 năm (từ năm 1965-1968), Nguyễn Hồng Mỹ đã trở thành một chàng trai cao hơn 1m70 có lúc nặng đến 80 kg.

Chiếc máy bay huấn luyện nhỏ hơn máy bay chiến đấu thật, vũ khí không hiện đại bằng, thời gian huấn luyện gấp rút nên khi tốt nghiệp, bắn đạn thử với mục tiêu là máy bay không người lái, nhóm phi công chiến đấu của Việt Nam chỉ có duy nhất 1 người bắn trúng mục tiêu! Có 19 người tốt nghiệp MIG 21, hơn 30 người tốt nghiệp MIG 17. MIG 21 tốc độ giới hạn là 2175 km/h nhưng các phi công thường bay quá tốc độ (2200- 2300 km/h) này do lực đẩy của máy bay đã quá tốc độ quy định rồi.

Những bài tập bay huấn luyện không có chuyến nào bay quá 1h, chỉ chừng mấy chục phút. Máy bay khi đó là L29, rồi MIG 21 nhưng tổng số giờ bay của cả hai loại máy bay đó chỉ khoảng hơn 200 giờ. Quan trọng nhất là kỹ thuật bay, còn sức khỏe thì thường xuyên được kiểm tra, cặp nhiệt độ, đo huyết áp. Nhiệt độ mà quá 37 độ là không được bay. Để sau này, trở về VN chiến đấu, mỗi khi phải thực hiện việc cặp nhiệt độ trước khi lên máy bay, anh Mỹ và các đồng đội thường “ăn gian” bằng cách nếu người hơi nóng, sẽ đẩy chiếc cặp nhiệt độ chếch ra ngoài, cho đến 37 độ là rút ra đưa cho bác sĩ. Anh Mỹ thú nhận, tinh thần chiến đấu là chính, chứ kỹ thuật bay mình không bằng phi công Mỹ. 

Khi mỗi một quả tên lửa giá trị bằng 1 chiếc xe Volga

Về nước, chỉ hơn 1 tháng sau, anh Mỹ cùng đồng đội của mình đã ngồi vào vị trí trực ban chiến đấu. Đội máy bay chiến đấu của ta hồi đó có 19 người tốt nghiệp MIG 21 về từ Nga, một số phi công của đoàn anh Trần Hanh trước bay MIG 17, sang MIG 21, tổng số vài chục người. Máy bay chiến đấu có thể cất cánh từ bất cứ đâu, sân bay Nội Bài, Vinh, Thanh Hóa, Kiến An- Hải Phòng… trực ban chiến đấu ở sân bay nào thì cất cánh ở sân bay đó.

Khi trực chiến đấu, các anh phải mặc quần áo phi công sẵn sàng, đặt mũ bên cạnh nếu có báo động cấp 3 là phải ra máy bay. Lúc đó các phương án chiến thuật chiến đấu là do mình tự huấn luyện. Chỉ có một số phi công Triều Tiên có tham gia cùng chúng ta để học tập trong chiến đấu. Hơn 10 người sang ta khi đó cũng hi sinh mấy người, họ rất dũng cảm. Anh Mỹ nói vậy. Ngay phi công ta, những bữa ăn 4 người mà hôm nào xuất kích, một người hi sinh, ngồi lại ăn thiếu 1 người, ai cũng suy nghĩ. Không hiểu bao giờ đến lượt mình. Nhưng đã lên trời rồi thì không ai còn nghĩ đến chuyện sống và chết nữa.

Ngày 17 tháng 1 năm 1972 là ngày đầu tiên trong đời phi công chiến đấu của Nguyễn Hồng Mỹ, anh gặp máy bay địch. Gặp trong trạng thái đối mặt chứ không phải truy đuổi và chúng bỏ chạy như những lần khác. Nguyễn Hồng Mỹ và Lê Khương đã bắn đến 8 quả tên lửa và… không trúng một quả nào. Nếu biết rằng, mỗi một quả tên lửa khi đó giá trị bằng 1 chiếc xe Volga thì mới thông cảm được sự tiếc nuối cũng như những dằn vặt dù không phải lỗi cố ý gây ra của anh Mỹ.

Ngày 19 tháng 1, anh Mỹ cùng đồng đội lại xuất kích. “Tôi nói thật là khi đó tôi còn hơi cay cú vì chuyện bắn trượt hôm trước. Hôm nay chúng tôi chạm trán với 1 tốp RF101. Tôi bay cùng thượng úy Nguyễn Minh Dương. Phát hiện mục tiêu, tôi theo sát để không kích ở độ cao 4000m tại Hòa Bình, khi đến Thanh Hóa, chỉ huy sở yêu cầu báo cáo nhiên liệu, chỉ còn chừng 800 lít, lệnh cho tôi quay về. Tôi im lặng, không trả lời, đến Nghệ An, khi cự ly chỉ còn 1500m, tôi bắn. Cả 2 quả tên lửa chui tọt vào trong máy bay nổ, chiếc máy bay nổ thành 2 khúc. Tôi hét lên: Cháy rồi…”

Ngày 16 tháng 4 năm 1972 là ngày mà anh Mỹ đã trở thành một ký ức, một dòng chữ không bao giờ vắng đi trong tiểu sử của tướng không quân Mỹ Daniel Edwards Cherry, người đã lái chiếc máy bay F4 bắn trúng chiếc MIG 21 của anh Mỹ rơi xuống khu vực Hòa Bình. Anh Mỹ và Lê Khương đã bị 16 chiếc F4 quây kín, bỗng nhiên anh Mỹ phát hiện ra đã lạc mất Lê Khương, cùng lúc chiếc máy bay MIG 21 rung mạnh, mất lái và quay ngang, không sao điều khiển được. MIG 21 đã bị bắn trúng. Bảo vệ tay không làm việc nên anh Mỹ bị gãy cả hai tay ngay lập tức. Dù rơi tự do, không phát tín hiệu cấp cứu được nên anh Mỹ chỉ được tìm ra bởi lực lượng cấp cứu mặt đất huyện Đá Bắc…

Sau một vài lần bay mà cánh tay từng gãy không chịu được, anh Mỹ nghỉ, chuyển ngành, đi học ngoại ngữ và học về kinh tế rồi chuyển về làm bảo hiểm. Năm 1979, Nguyễn Hồng Mỹ lập gia đình, có 2 người con và sống độc thân từ năm 1984 đến giờ. 

Cuộc hội ngộ của “những người còn sống”

Tướng Daniel Edwards Cherry

  Hình ảnh làm người xem rưng rưng xúc động là lúc anh Mỹ dò từng ngón tay trên bức hình những phi công miền Bắc của ta chụp chung ngày đó. “Chết, chết, sống, chết, chết, chết, chết, sống…” Đã có bao nhiêu phi công của ta hi sinh sau những cuộc chiến giữ bầu trời ngày ấy ở miền Bắc trong cuộc chiến với những phi công được đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp nhất ở một quốc gia hàng đầu thế giới về vũ khí như Mỹ…

May mắn cho Cherry, may mắn cho anh Mỹ, họ là những người còn sống. Để sau 36 năm gặp lại nhau, trong cái bắt tay đầu tiên của cuộc hội ngộ kỳ lạ, anh Mỹ bảo: “Tôi thừa nhận trận đánh hôm đó tôi đã thua ông. Nhưng chúng tôi đã chiến thắng, trong cả cuộc chiến”.

Con gái của anh Mỹ (Nguyễn Hồng Giang) hiện giờ là nhân viên tiếp thị của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, cô vừa có một chuyến đi Mỹ tìm hiểu thị trường. Việt Nam cũng đã có đường bay thẳng đến nhiều thành phố của nước Mỹ.
Hai người phi công ở hai chiến tuyến năm xưa sau nhiều trớ trêu của số phận, họ vẫn sống bình an. Họ gặp nhau và có thể sẽ trở thành bạn bè. Lịch sử đã khép lại những trang cần khép. Nhiều bí ẩn của quá khứ có thể không cần lật dở hết, khi mỗi số phận đã an bài. Hướng tới một tương lai hòa hợp cùng chung sức là mong muốn của không chỉ những người như Nguyễn Hồng Mỹ, như tướng Daniel Edwards Cherry, những con người đã kinh qua chiến tranh đủ để hiểu sự thảm khốc của nó. Đủ để hiểu ranh giới mong manh giữa cái sống và cái chết mà họ không chỉ một lần bước qua.

Bao nhiêu năm sau sự kiện 16 tháng 4 ấy, ở nước Mỹ xa xôi, nhắc nhớ mãi về người phi công Bắc Việt Nam trên chiếc máy bay MIG 21 bị Cherry bắn rơi hôm đó, kể lại trên The History Channel, Cherry bảo: Với tôi, anh ấy mới là anh hùng!

Cuộc gặp mặt sau 36 năm đụng độ trên trời!

Cát Khuê (Thanh Niên tuần san số 103 – 2008)


>> Xem cuộc hội ngộ của hai người phi công sau 36 năm trong "Như chưa hề có cuộc chia ly…" số 5} else {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *