Báo chí

Một người câm lạc nhà và những người tốt bụng

Ngày đăng: 07/12/2008 | Lượt xem: 1296


Tìm kiếm thân nhân cho một người bình thường bị lạc nhà từ bé đã là chuyện nan giải, huống hồ một người câm, không nói được. Nhưng tối qua 6.12, điều kỳ diệu đã xảy ra tại trường quay của Đài truyền hình Việt Nam.

>>  Xem "Như chưa hề có cuộc chia ly…" số 13: Những đứa trẻ lạc nhà 2

Khán giả xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” số 13 truyền hình trực tiếp trên VTV1 tối qua đã không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến câu chuyện có một không hai kể từ khi nhịp cầu đoàn tụ này ra đời của chàng thanh niên Đặng Văn Thắng.

Thắng cùng mẹ và chị gái

Là con trai út của gia đình nông dân nghèo tại một xã thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, việc Thắng bị câm điếc được coi là “người chịu tội thay cả nhà, cả họ” nên ai nấy đều thương mến. Cũng không riêng gì gia đình mà hầu như lòng nhân ái của cả 15 hộ dân láng giềng trong làng đều dành cho Thắng, một kẻ thiệt thòi. Nhưng một ngày đầu tháng 4.2004, Thắng một mình đạp xe ra khỏi làng rồi nhảy xe đò vào TP.HCM tìm chị gái để thực hiện ước mơ kiếm tiền mua xe máy của mình. Không ngờ Thắng đã lạc nhà luôn suốt từ đó đến nay. Người mẹ già của Thắng ngày nào cũng khóc vì mất con. Người anh cả của Thắng, tên Sơn, sau quá trình tìm em trong tuyệt vọng đã trông cậy vào các thầy bói. Có người mách thầy ở Hải Dương xem hay lắm, lập tức Sơn bán một tạ thóc lấy tiền nhảy xe đò ra Hải Dương. Thầy phán ở Đà Nẵng, Quảng Nam…, Sơn cũng ki cóp tiền bạc khăn gói lên đường tìm em, nhưng vô vọng.

Tại TP.HCM, người chị gái của Thắng từ khi nhận được tin em thất lạc, cũng đôn đáo chạy tìm ở các bến xe và các khu nhà trọ, cũng chẳng thấy đâu. Trong khi đó, một phụ nữ đã “nhặt” Thắng ở Bến xe Miền Đông và đưa thẳng về một quán lẩu dê ở tận tỉnh Bình Phước. Ở đó, một người phụ nữ tốt bụng hằng ngày chứng kiến cảnh Thắng làm việc quần quật nhưng “bị đòn dữ lắm” nên thấy thương, bà mới tìm cách đưa Thắng lên TP.HCM và gửi ở nhà con. Đó là một quán cháo trắng ở ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh). Thắng phụ việc ở đây, được trả lương, bao ăn ngủ đàng hoàng, có lẽ cũng không có gì phải lo. Duy chỉ có điều, những tiếng kêu thầm trong lòng em thì không lúc nào dứt. Thắng “như con chim gãy cánh”, có lúc bức bối, muốn nhảy từ trên lầu xuống chết cho xong vì tuyệt vọng không biết kêu như thế nào mới tìm được gia đình.

Cô Châu (áo xanh) người đã giúp đỡ Thắng trong việc tìm lại gia đinh

Nhưng cuộc đời tiếp tục mang đến cho chàng thanh niên khuyết tật này một người tốt bụng khác. Đó là bà Châu. Như bao nhiêu thực khách khác, bà Châu đến ăn tối và bất chợt nhận ra cậu thanh niên giúp việc ở đây, giữ xe và bưng bê cháo, rất đàng hoàng chững chạc, nên có cảm tình và lân la hỏi chuyện. Lúc đó mới hay Thắng bị câm. Và dường như sau khi biết hoàn cảnh của Thắng, bà Châu cũng “ăn cháo nhiều hơn” để rồi cuối cùng đã dành luôn cho người câm điếc này một góc riêng trong gia đình của mình. Có lẽ cũng chính từ tình cảm đặc biệt ấy, bà Châu đã “giải mã” được những ngôn ngữ riêng của Thắng.  Thắng vẽ một sơ đồ đường về nhà, trên đó có chùa Liền, hè vừa rồi bà Châu đã đưa Thắng lên xe Mai Linh ra Hà Tây. Nhưng kết quả cũng không tìm được. Khóc sướt mướt trên hành trình trở về TP.HCM, hai người lại gặp một thanh niên tốt bụng tên Mạnh. Và chính Mạnh đã đưa Thắng và bà Châu đến gặp chương trình.

Thật không thể hình dung là từ những mẩu vẽ ghép nối lộn xộn, cộng với vốn “ngôn ngữ cơ thể” không rõ nghĩa của một người câm, đội tìm kiếm chỉ trong thời gian ngắn đã tìm ra gia đình và tác thành cuộc đoàn tụ cảm động  tại trường quay tối qua. Thắng lạc ra gia đình năm 18 tuổi, đến nay chưa đầy 5 năm nhưng dường như tất cả những tình cảm yêu thương dồn nén bấy lâu từ cả hai phía đã cùng bật ra, vỡ tan trong tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ, các anh chị và tiếng hú thất thanh của Thắng – một người câm.

Cũng tại trường quay tối qua, thầy Thiện Tài, một người tu hành hiện ở chùa Phước Lộc Thọ (tỉnh Bình Dương) đã may mắn được đoàn tụ với gia đình sau gần đúng 22 năm thất lạc. Thầy Thiện Tài tên ở nhà là Tý, năm lên 4 tuổi “chỉ định ra chợ tìm mẹ thôi” nhưng đã đi luôn một mạch từ đường Tô Hiến Thành (Q.10) lên tới tận ngã tư Bình Phước (Bình Dương). Dòng đời sau đó đã đưa đẩy đứa trẻ lạc ấy vào chùa để rồi phải dồn nén khát vọng đoàn tụ cho đến mãi tận hôm nay.

Chương trình phát lại lúc 14 giờ thứ bảy tuần sau (13.12) trên VTV1 và trên VTV4 vào ngày thứ hai đầu tháng.

Võ Khối