Báo chí

Một năm và 75 cuộc đoàn tụ

Ngày đăng: 30/12/2008 | Lượt xem: 1110

Sau một năm với 75 cuộc đoàn tụ cũng là 75 gia đình, người thân, bè bạn và cả những ân nhân tìm gặp được nhau, thứ bảy đầu tiên của năm 2009, Gala Như chưa hề có cuộc chia ly… sẽ diễn ra để kỷ niệm 1 năm chương trình lên sóng.

Hiếm có dân tộc nào trong một thế kỷ trải qua nhiều biến động như dân tộc Việt. Hai cuộc chiến tranh giữ nước đã diễn ra bao cuộc phân ly, và ngay giữa cuộc sống an bình, chỉ một bước chân đi lạc, những đứa trẻ bỗng thành mồ côi để những gia đình mất đi người thân. Để rồi mấy chục năm sau, như một ánh sáng cuối đường hầm như một số nhân vật đã tâm sự, họ xem chương trình, thấy người ta đoàn tụ nhờ công sức của đội tìm kiếm, họ thấy được thắp lên hy vọng tưởng như đã lụi tàn vì thời gian.

Trong một năm qua, Như chưa hề có cuộc chia ly… của Đài truyền hình Việt Nam đã lan tỏa rộng khắp ngoài khả năng tiên liệu của những người làm chương trình. Trong số 75 cuộc đoàn tụ, có 6 cuộc đoàn tụ có yếu tố nước ngoài đã diễn ra, trong đó có những cuộc gặp bất ngờ để lại ấn tượng mạnh như cuộc gặp của tướng phi công Mỹ Daniel Edwards Cherry với người phi công trên chiếc máy bay bị chính ông bắn hơn 30 năm về trước. Chiếc dù bung ra từ chiếc máy bay cháy đã ám ảnh viên tướng Mỹ để rồi khi biết có một chương trình tìm người thân, tìm người mất tích ông đã ngay lập tức liên hệ, và đã bay sang Việt Nam ngay để hội ngộ với người từng ở bên kia chiến tuyến: anh Nguyễn Hồng Mỹ – cựu phi công Việt Nam. Sau cuộc gặp gỡ, đã có rất nhiều báo, đài từ Mỹ liên lạc trực tiếp với nhà báo Thu Uyên để được phỏng vấn chị và phỏng vấn anh Mỹ vì đối với họ, cuộc gặp này thực sự lịch sử!

 
Hai phi công Daniel Edwards Cherry và Nguyễn Hồng Mỹ trong NCHCCCL số 05

Thời gian cuối năm, chương trình dành nhiều thời lượng cho chuyên đề: Những đứa trẻ lạc nhà. Đó là những người mà nhiều năm về trước chỉ là những đứa trẻ hoặc vô tình, hoặc cố ý, họ đã bị lạc mất nhà, lạc mất bố mẹ và sống một cuộc sống tha hương. Những cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt, những cuộc đoàn tụ đau đớn vì có thể người được tìm đã không còn nữa như trường hợp của cô bé Tyffany trong chiến dịch babylift năm 1975 muốn tìm lại mẹ mình thì bà mẹ ấy đã mất từ rất lâu.

Còn nhiều nữa những hoàn cảnh thương tâm khác mà có lẽ khán giả khó lòng quên, đó là chị Tóc Rối, người phụ nữ Việt lưu lạc tận cảng Sihanouk ville ở Campuchia. Người phụ nữ cưu mang chị đã nhờ chương trình tìm kiếm, đã có đến mấy gia đình sang Campuchia, rồi lại trở về vì nhận nhầm, may mắn thay một gia đình ở đảo Phú Quý sau khi tiến hành cả việc thử AND, đã nhận ra chị. Chúng tôi đã có dịp đi theo nhóm làm phóng sự của chương trình tìm đến Phan Thiết, chị Tóc Rối đã mạnh khỏe và đẹp hơn xưa nhiều. Chị đang được chữa trị để hồi phục thần kinh và trí nhớ, chị đã chịu sống trong nhà, đã biết nằm trên phản, biết ăn cơm bằng chén và biết… tiêu tiền!

 
 Nhà báo Thu Uyên (bìa phải) và các nhân vật trong NCHCCCL số 06 – Ảnh: Đ.N.T

Gala Như chưa hề có cuộc chia ly…, trực tiếp trên sóng VTV1, VTV4, VTV9 lúc 20 giờ – 22 giờ ngày 3.1.2009 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP.HCM. Gala được sự tham gia góp sức của đạo diễn Charlie Nguyễn (cố vấn), đạo diễn Phan Đăng Di, Hãng phim Chánh Phương, Hero film… Ngoài nhà tài trợ chính Viettel, còn có sự giúp đỡ của Jetstar, Prudential, Công ty Thái Minh và Công ty Giấy Sài Gòn cho sự thành công của chương trình giàu ý nghĩa xã hội này.

Đó còn là nhóm trẻ được các ni sư nuôi nấng cưu mang, sau một đợt dịch với virus bại liệt quái ác, chưa có vắc-xin, đã bị liệt hết. Trong căn “nhà mở” ấy, Dũng đã được gia đình ở Vũng Tàu đón về, anh đã có một tiệm kinh doanh game ở ngay thành phố, mẹ và em gái chăm sóc sống ổn định trong vòng tay của gia đình. Và chương trình cũng đứng ra xin tài trợ cho các anh được 30 triệu đồng, số tiền các anh đang mơ ước để sửa chữa căn nhà chung nay đã hư hỏng rất nhiều.

Và một năm đã trôi qua, những người làm chương trình đã nhận được sự yêu mến của khán giả cả nước, thực sự là một chương trình truyền hình hay, giàu ý nghĩa cộng đồng, xã hội, ảnh hưởng rộng rãi bởi tính nhân đạo, thiện nguyện mà chương trình hướng đến. Giải vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2007, đề cử giải Mai Vàng cho chương trình truyền hình hay nhất và người dẫn chương trình xuất sắc nhất 2008 (Thu Uyên) là những ghi nhận xứng đáng.

 

Đồng hành cùng chương trình là nhà tài trợ Viettel, đội tương tác Vinagame, phối hợp thông tin là Báo Thanh Niên, Công ty Sài Gòn Buổi Sáng với đội tìm kiếm, đội tình nguyện trong 1 năm qua đã góp phần lớn cho sự thành công của chương trình. Đêm gala sẽ là cơ hội dành cho khán giả được nghe những ca khúc của các nhạc sĩ, các ca sĩ hát tặng cho riêng chương trình như nhạc sĩ Văn Ký, nhạc sĩ Dương Như Phú, ca sĩ Đức Tuấn, ca sĩ Hồng Hạnh… những phóng sự hậu đoàn tụ, những lời tri ân từ khắp nơi, những chuyện bây giờ mới kể của công tác hậu trường và tất nhiên, phần lớn thời gian dành cho các cuộc đoàn tụ mới. Những cuộc đoàn tụ mà thân nhân khi tìm đến chương trình đã nuôi hy vọng, đã chờ đợi. Để một năm mới lại đến, với hy vọng có nhiều hơn những người thân tìm lại được nhau, “Người làm cho tôi, tôi làm cho ai khác, biết đâu đáp đền” như câu hát trong bài hát của nhạc sĩ Dương Như Phú gửi tặng chương trình.

Cát Khuê

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *