Báo chí
Một chút đáp đền
Ngày đăng: 09/01/2012 | Lượt xem: 1059
Đêm 7-1, khán giả truyền hình đã được xem một phóng sự xúc động ghi lại hình ảnh cuộc gặp gỡ của anh Nguyễn Văn Đôi và đồng đội mình tại Buôn Đôn.
Anh Đôi (bìa trái) và đồng đội |
Để có cuộc gặp ấm tình nghĩa đồng đội ấy, anh Nguyễn Văn Đôi và những người lính từng sát cánh bên anh từ những ngày tháng máu lửa của chiến trường Campuchia, sau thông báo tìm kiếm của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly… số 46 (phát sóng trực tiếp ngày 1-10-2011) thì đến chương trình số 47 với tên “Đồng đội ơi, ở đâu?”, các anh đã gặp nhau tại trường quay S8 của Đài truyền hình Việt Nam. Ngược thời gian, theo ký ức của anh Đôi và đồng đội thuộc trung đoàn 812 anh hùng của sư đoàn 309 anh hùng, những trang sử vừa hào hùng vừa bi tráng được mở ra…
Trung đoàn lúc ấy có cả quân cũ và quân mới. Quân cũ là những người lính vừa tham gia giải phóng miền Nam, quân mới là những người lính được động viên khi chiến trường K nổi sóng. Anh Đôi là người Cao Bằng, cùng đồng đội trực tiếp giải phóng Buôn Ma Thuột. Khi Khmer Đỏ lần đầu tấn công vào nước ta (ở Thổ Chu) thì anh Đôi cùng một số người lính được gọi là “quân cũ” lại đi tiếp nên anh chưa kịp về nhà sau giải phóng miền Nam. Cuộc tổng động viên năm 1976 có các sinh viên vừa thi vào đại học như các anh Phương (nay là cục phó Cục Kiểm soát ô nhiễm của Tổng cục Môi trường), anh Dzũ (nay là thư ký tòa soạn báo NLĐ) cùng các thanh niên trẻ trung từ Khánh Hòa, Quảng Nam – Đà Nẵng… Họ được gọi là “quân mới”.
Chiến tranh khủng khiếp, khủng khiếp theo một cách khác như cánh “quân cũ” nhận xét: chiến tranh với Mỹ thì mình đối đầu với những gì tối tân, hiện đại nhất về chiến thuật, vũ khí; còn cuộc chiến bên kia biên giới lại là cuộc chiến khủng khiếp bởi sự bạo tàn, dã man không gì có thể so sánh được của một thảm họa diệt chủng kinh khủng nhất thế kỷ 20. Đến tận bây giờ, các anh vẫn không thể nào quên những cánh rừng hành quân qua với toàn ruồi vì ngập tràn xác người bị chặt đầu, phanh thây bởi Pol Pot. Bộ đội VN lúc đó mỗi người chỉ có 7 lạng gạo tiêu chuẩn mỗi ngày, nhưng họ phải chia ra để cứu trợ nhân dân Campuchia…
Số phận của anh Đôi, người lính được đồng đội tìm kiếm ở bản tin phát trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly… số 46: “Đồng đội ở đại đội 3, tiểu đoàn 1, trung đoàn 812 anh hùng – sư đoàn 309 anh hùng tìm anh nuôi Hoàng Ngọc Đôi (hoặc Nguyễn Văn Đôi) dân tộc Nùng, Cao Bằng, từng chiến đấu tại Campuchia chống Khmer Đỏ”, gần như bị lãng quên.
Nỗi buồn ấy xảy ra khi anh giải ngũ trở về quê Cao Bằng thì nhà đã bị đốt trong chiến tranh biên giới, không còn giấy tờ gì để chứng minh. Anh Đôi cùng vợ con vào Buôn Đôn khai hoang… May nhờ có chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly… số 47, khi anh Đôi gặp các đồng đội từng chiến đấu ở Campuchia, những câu chuyện được chia sẻ, được nhắc nhớ trên sóng truyền hình hôm ấy đã “hồi sinh tư cách cựu chiến binh” cho anh.
Địa phương và bà con Buôn Đôn đều náo nức xôn xao với một anh Đôi mới – anh Đôi cựu chiến binh chứ không chỉ là anh Đôi thuộc diện hộ nghèo mà mọi người vẫn biết xưa nay. Gia đình nghèo của anh Đôi mới có thêm một tài sản lớn: chiếc máy kéo mới mua bằng tiền của đồng đội góp tặng và 15 triệu đồng do chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly… kết hợp cùng một ngân hàng hỗ trợ anh.
Câu chuyện ở Buôn Đôn rưng rưng nước mắt, những người lính mà Thủ tướng Hun Sen của Campuchia mới đây đã gọi họ là đội quân nhà Phật, là những người lính gặp lại mà 15 người thì hết 13 là thương binh nặng. Mong rằng sẽ không ai bị lãng quên như anh Đôi đã từng.
}