Báo chí
Kỳ 1: Trục lợi từ nỗi đau chia ly
Ngày đăng: 09/08/2010 | Lượt xem: 1655
Từ tháng 3-2010 đến nay, nhiều gia đình đang tìm kiếm người thân trong chương trình truyền hình Như chưa hề có cuộc chia ly đã bị lừa tiền bởi một Việt kiều tự xưng là phóng viên, thiếu tá tình báo tại Campuchia, có khả năng giúp tìm ra tung tích người thân của họ.
>>> Kỳ 2: Chân dung kẻ lừa tiền
Rất ngẫu nhiên, ít nhất năm gia đình đã đăng ký tìm người thân bị mất tích của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhận được thông tin về người thân từ Campuchia.
Tuy nhiên, việc những tin vui này đến cùng một nơi, từ những người có tên khác nhau nhưng lại chung một nghề nghiệp, khi là phóng viên thuộc Bộ Thông tin Campuchia, khi là thiếu tá tình báo đã đặt ra nhiều nghi vấn.
Từ nhà báo đến thiếu tá tình báo
Người đầu tiên nhận được tin tìm được người thân từ Campuchia là anh Nguyễn Minh Châu ở Tiền Giang. Anh Châu là nhân vật rất quen với cộng đồng mạng bằng câu chuyện cảm động lập website tìm con gái Trường An và bạn là Diễm My bị mất tích từ năm 1996.
Người báo tin tự xưng là Nguyễn Tiến Triển, phóng viên thời sự chính trị Ban Việt ngữ thuộc Bộ Thông tin Campuchia. Triển cho biết trong chuyến công tác tại Siem Reap đã gặp một cô gái tên Sau Nari, 20 tuổi, có khuôn mặt rất giống bé An đang bán tại tiệm vàng. Triển tìm hiểu và được biết cô bé được một người đàn bà mua về từ năm 5 tuổi với giá hai cây vàng, khi đó bé có tên là Trường An và gia đình có mướn một vú nuôi chăm sóc.
Quá vui mừng vì lai lịch của Sau Nari trùng khớp với con gái, vợ chồng anh Châu đã đi xe máy một mạch từ Tiền Giang qua An Giang ngay trong đêm theo lời hẹn của Triển. Gặp anh Châu, Triển hứa sẽ tìm lại người vú nuôi để xác minh và lên Siem Reap chụp lại hình Sau Nari gửi sang.
Tuy nhiên, Triển tỏ vẻ thật tình là do đi lại tốn kém mà bản thân không có điều kiện nên đề nghị anh Châu hỗ trợ kinh phí. Không ngại ngần, anh Châu đã rút 15 triệu đồng đưa cho Triển không chút đắn đo, đầy hi vọng đợi tin của Trường An.
Sau đó ít lâu, vào tháng 5-2010, anh Lê Khắc Giàu tại Thanh Hóa – người đang tìm con gái là Lê Thanh Trang, sinh năm 1995, bị mất tích năm 1998 – đã nhận được điện thoại từ số máy +85597607… cũng của một phóng viên Ban Việt ngữ của Bộ Thông tin Campuchia có tên Nguyễn Đại Bách Tùng báo tin về một cô bé tên Sra Na với lai lịch giống như cháu Thanh Trang.
Giống như câu chuyện về con gái anh Châu, Tùng cho biết Sra Na được một gia đình Hoa kiều ở Kompong Som mua về với giá bốn cây vàng từ một cặp vợ chồng người miền Trung VN.
Sra Na nay đã 16 tuổi, bằng tuổi Thanh Trang và lúc nhỏ cũng có vú nuôi (!). Kèm theo thông tin, Tùng gửi về cho anh Giàu ảnh của Sra Na và hai tấm ảnh của mình đang tác nghiệp. Tùng vẽ ra kế hoạch rất khoa học từ việc đi tìm người vú nuôi năm xưa xác minh, sau đó sẽ đưa Sra Na về VN gặp anh Giàu để xét nghiệm ADN. Tùng còn hứa vì là nhà báo nên thủ tục pháp lý nhận lại con anh Giàu cứ để Tùng lo liệu.
Tuy nhiên, giữa lúc anh Giàu đang nửa mừng vui nửa bối rối thì chỉ vài ngày sau đó, ngày 29-5-2010, Tùng điện thoại sang yêu cầu gửi gấp 2 triệu riel (khoảng 8 triệu VND) để lo việc tìm kiếm.
Trong khi anh Giàu chưa kịp gửi tiền thì giữa tháng 6-2010, một Việt kiều Mỹ tên Tuấn đang tìm người thân trên một website khác đã gửi thư cho chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, cho biết Nguyễn Đại Bách Tùng vừa gọi điện cho anh và cung cấp thông tin rất trùng khớp với hai đứa cháu Giang Thị Thực và Nguyễn Giang Xuân Huy bị mất tích trên biển năm 1982.
Sau hai cuộc điện thoại, Tùng yêu cầu anh Tuấn gửi 1.000 USD để làm lộ phí. Số tiền này sẽ gửi qua một người tên Mai Chí Thiện (đường Nguyễn Thị Nhỏ, Q.6, TP.HCM). Anh Tuấn đang bán tín bán nghi thì Tùng nói mình còn có tên Campuchia là Sao Sareth, anh Tuấn có thể chuyển qua Western Union tại Campuchia theo tên này và “hạ giá” còn 500 USD.
Không cam lòng thờ ơ trước thông tin về hai đứa cháu máu mủ của mình, anh Tuấn đã chặc lưỡi gửi 300 USD qua Campuchia cho Tùng.
Lộ mặt
Nhận được thông tin, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc ngay với người tên Mai Chí Thiện tại địa chỉ trên đường Nguyễn Thị Nhỏ. Tuy nhiên, đây chỉ là một đại lý vận chuyển hàng, tiền qua Phnom Penh (Campuchia) và anh Mai Chí Thiện không biết Nguyễn Đại Bách Tùng là ai.
Trong khi đó, chỉ bốn giờ sau khi anh Tuấn gửi tiền, Tùng đã báo tin đang chuẩn bị hành lý lên đường. Nhưng chỉ vài giờ sau điện thoại của Tùng đã tắt ngấm. Anh Tuấn kể: “Một ngày, hai ngày vẫn không thể liên lạc, tôi như chết đi sống lại. Ngày thứ ba, bất ngờ Tùng gọi về và kể lể nhiều sự đau khổ của hai cháu tôi, Tùng nói phải đi thêm ba ngày nữa mới về nhà và… xin thêm tiền hỗ trợ”.
Đến đây thì sự nghi ngờ đã lấn át, anh Tuấn quyết định không gửi thêm tiền và từ đó đến nay Nguyễn Đại Bách Tùng đã mất dạng.
Tương tự, sau khi yêu cầu anh Lê Khắc Giàu gửi 2 triệu riel nhưng chưa được đáp ứng, Tùng đã gửi thêm một bức ảnh của Sra Na mà Tùng cho có thể là con gái anh. Tuy nhiên, khi thấy cô gái không có nét giống con mình, anh Giàu đã tra cứu và phát hiện đây là hình một người mẫu Campuchia, Tùng lấy… trên mạng.
Bị anh Giàu chất vấn, Tùng nói quấy quá vài câu cho xong chuyện và cũng tắt máy luôn từ đó.
Riêng trường hợp của anh Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Tiến Triển sau khi nhận 15 triệu đồng cho biết đã lên đường đi tìm người vú nuôi thì con của Triển ở nhà bị tai nạn giao thông nên anh ta phải vội vã về ngay.
Đúng vào dịp này, nhà báo Thu Uyên – chủ nhiệm chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly – qua Phnom Penh công tác và liên lạc với Triển vào ngày 24-3-2010 để xin thông tin. Nhưng ngay lập tức Triển đã lộ mặt ra giá: “Nếu chương trình muốn có thông tin phải đưa cho Triển 10 triệu đồng chữa bệnh cho con gái, và lo lộ phí để đưa mẹ ruột mình từ Long Hồ (Vĩnh Long) sang Campuchia, nếu không sẽ không hợp tác”.
Triển, Tùng, Sơn là một người
Cuối tháng 6-2010, thêm một trường hợp tìm người thân của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhận được thông tin từ Campuchia. Lần này là chị Phạm Mỹ Não ngụ tại Cà Mau tìm chị gái và nhận được tin của một người tên Nguyễn Trung Sơn, cũng với chức danh tương tự như Tùng và Triển.
Tuy nhiên, nhờ cảnh giác các trường hợp trước đó nên chị Mỹ Não đã không bị lừa tiền.
Xâu chuỗi tất cả thông tin và điều tra riêng, chúng tôi phát hiện Nguyễn Đại Bách Tùng và Nguyễn Trung Sơn chỉ là một người có chung email:[email protected] để liên lạc với anh Giàu, anh Tuấn, chị Não…
Cùng lúc, một nguồn tin của Tuổi Trẻ từ Phnom Penh là ông Oung Simeng, nguyên biên dịch trang quốc tế cho tờ báo Việt ngữ có tên Bình Minh từng phát hành tại Phnom Penh, đã xác nhận: người đang tác nghiệp trong tấm ảnh mà Nguyễn Đại Bách Tùng tự nhận là mình và gửi cho anh Giàu cũng chính là Nguyễn Tiến Triển.
Ông Oung Simeng khẳng định Triển từng là phóng viên của tờ Bình Minh vào năm 1998 khi ông còn làm tại đây. Từ những thông tin trên có thể thấy Nguyễn Đại Bách Tùng, Nguyễn Trung Sơn chỉ là những danh xưng khác của Nguyễn Tiến Triển.
Lai lịch của Triển càng rõ hơn khi chiều 5-8, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với ông Hun Virek, phó cục trưởng Cục Báo chí và phát thanh truyền hình – Bộ Thông tin Campuchia, và rất bất ngờ khi ông Hun Virek cho biết tờ báo Bình Minh mà Nguyễn Tiến Triển làm việc đã bị Bộ Thông tin Campuchia đình bản ngay từ năm 1998. Đồng thời, ông Hun Virek khẳng định không có phóng viên nào tên Nguyễn Tiến Triển hay Sao Sareth tại Bộ Thông tin Campuchia.
“Bộ Thông tin Campuchia không chịu trách nhiệm về bất cứ hành vi nào của Nguyễn Tiến Triển hay Sao Sareth”, ông Hun Virek khuyến cáo.
“Sinh ra là để làm an ninh và chính trị”
Để tạo niềm tin, ngoài việc vẽ vời đủ chức danh từ nhà báo của Bộ Thông tin đến thiếu tá tình báo của công an Việt Nam, Nguyễn Tiến Triển còn tự “thêu hoa dệt gấm” công việc và suy nghĩ của mình. Trong email gửi chị Phạm Mỹ Não, Triển tự bạch: “Em là phóng viên trên lĩnh vực an ninh. Sống trong một quốc gia đa thành phần, nhiều đảng phái nên em phải làm việc như một cỗ máy, vô cùng nguy hiểm đến tính mạng…”. Trong một email khác Nguyễn Tiến Triển lại tỏ vẻ bí hiểm: “Em không có nhiều thời gian để lo việc xã hội. Con người em sinh ra là để lo việc an ninh và chính trị. Em sắp đi công tác ở Lào…”. Dưới mỗi email, Triển không quên thòng thêm một câu muốn được chia vui cùng gia đình trong ngày vui đoàn tụ và kể lể câu chuyện với giọng điệu rất thân tình hòng tạo thêm tình cảm trước khi trực tiếp gọi điện đề nghị hỗ trợ tiền bạc. |
> Bài viết liên quan: Câu chuyện của Thu Uyên, và…
NGUYỄN VIỄN SỰ – CÁT KHUÊ (còn tiếp)
[…] >>> Kỳ 1: Trục lợi từ nỗi đau chia ly […]