Báo chí

Không ai bị lãng quên…

Ngày đăng: 04/08/2009 | Lượt xem: 1111

27 và 36 là 2 con số đánh dấu mốc thời gian chia ly của 2 trường hợp được tác thành đoàn tụ ở Như chưa hề có cuộc chia ly… số 21 diễn ra lúc 20 giờ 30 tối 2.8 vừa qua.
Nhà báo Thu Uyên, chủ nhiệm và là người dẫn chương trình, lần đầu tiên kể từ khi nhịp cầu đoàn tụ này ra đời đã không thể có mặt tại trường quay S8 tối hôm ấy, bởi chị phải ở Hà Nội lo tang lễ cho mẹ. Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Trương Thị Thọ đã đột ngột ra đi sau căn bệnh xuất huyết não. Nhưng trước khi biết tin dữ, tất cả công việc tiền kỳ của chương trình đã hoàn tất và biên tập viên Mộng Hoài đã thay chị dẫn chương trình.

27 năm, là khoảng thời gian cho một con người kịp sinh ra, lớn lên, trưởng thành, cũng là khoảng thời gian ông Nguyễn Ngân Dậm sống lần lượt ở 3 trung tâm điều dưỡng tại Cộng hòa Belarus. Người đàn ông Việt nói tiếng Nga này được các bác sĩ cho biết, ông có thể nhớ lại quá khứ, hồi tỉnh và biết đâu sẽ trở về cuộc sống như một người bình thường. Những trái tim Việt không nỡ thờ ơ với hoàn cảnh bất an của một người đồng bào nơi đất khách đã sát cánh cùng Như chưa hề có cuộc chia ly… để tìm cách đưa được ông Dậm về cố hương. Bà Đỗ Thị Nhị là chị dâu ông Dậm, người họ hàng thân thích quê gốc Hà Tây đã vô cùng xúc động khi biết cậu em chồng vẫn còn sống. VTV4 và Sứ quán nước ta tại Belarus sẽ xúc tiến thủ tục, anh Phạm Đình Thành, một doanh nghiệp hảo tâm ở Belarus đã dành ra 3.000 USD để giúp gia đình đưa ông Dậm về.

Không lâu nữa, ông Dậm (người ngồi hàng ghế bên trái) sẽ được về lại quê hương

36 năm cũng là khoảng thời gian đủ để thế hệ sau đã sinh ra thế hệ tiếp nối, đủ để nỗi đau chia ly tưởng như mịt mờ tuyệt vọng lại được hồi sinh khi anh Mai Bá Hạnh, người đàn ông có bàn tay phải với 6 ngón tay tìm được gia đình mình, tìm được đủ cả bố mẹ cùng các anh. Gia đình anh Hạnh chắc chắn sẽ không quên ngày 2.8 năm nay, bởi đó là ngày nhờ có Như chưa hề có cuộc chia ly… mà họ chấm dứt nỗi đau chia xa cậu con trai út đi lạc từ 36 năm trước.

Anh Hạnh vẫn còn may mắn gặp lại gia đình khi chưa quá muộn…

Không ai bị lãng quên, khi mỗi số phận chứa một phần lịch sử là trường hợp của thân nhân cụ Hoàng Văn Đoài, người đã cùng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng ra lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng vào tháng 4.1929. 80 năm tròn sau sự kiện lịch sử ấy, người Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của ngành điện Hải Phòng lại được nhắc đến trong chương trình. Công ty điện lực Hải Phòng đã gõ cửa chương trình để tìm lại thân nhân cụ Đoài với mong ước được phụng dưỡng, giúp đỡ họ như lời nhờ cậy của cụ trước khi chết trong nhà tù đế quốc. Thiện tâm của những người còn sống hôm nay ở ngành điện Hải Phòng đã được thỏa ý khi họ được hội ngộ với gia đình cụ Đoài, đặng đền ơn đáp nghĩa…

Cát Khuê (báo Thanh Niên)

}

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *