Báo chí
Hội ngộ phi công Việt – Mỹ: Khi hai cựu thù trở thành bạn
Ngày đăng: 04/11/2014 | Lượt xem: 3586
Hai phi công Việt Nam và Mỹ, từng đối đầu nhau trên bầu trời Hà Nội 42 năm trước, lại gặp nhau tại một sự kiện gây quỹ cho cơ quan chăm sóc người khuyết tật ở Vancouver, bang Washington (Mỹ) ngày 5.11 tới. Đó là phi công Nguyễn Hồng Mỹ và phi công, thiếu tướng không quân Dan Cherry, nay đã là bạn của nhau từ năm 2008.
Theo trang tin The Columbian (Vancouver, bang Washington, Mỹ), ông Cherry sẽ có bài phát biểu tại sự kiện gây quỹ nói trên, tổ chức ở khách sạn Hilton (Vancouver, bang Washington) lúc 17 giờ 30 ngày 5.11; ông Nguyễn Hồng Mỹ là khách mời đặc biệt của ông Cherry.
Trước đó, lúc 17 giờ 30 ngày 4.11 là một buổi tiếp tân thân mật hơn dành cho thiếu tướng về hưu Cherry và cựu phi công Không quân Nhân dân Việt Nam Nguyễn Hồng Mỹ tại Doanh trại pháo binh Fort Vancouver.
Hơn 40 năm trước, hai phi công này đã đối đầu nhau trong trận không chiến trên bầu trời cách Hà Nội gần 50 km về phía tây nam. Trận đó chiếc F-4 của ông Cherry, khi đó là thiếu tá, đã bắn rơi máy bay Mig-21 của trung uý Nguyễn Hồng Mỹ sau khi tốp máy bay F-4 của Cherry phóng đi tất cả 6 quả tên lửa. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất phi công Cherry bắn rơi được máy bay đối phương.
Còn Nguyễn Hồng Mỹ là phi công đầu tiên đã bắn rơi máy bay chiến đấu khét tiếng nhất thời đó của Không lực Mỹ: 1 chiếc F-4 Phantom vào tháng 1.1972 ở Nghệ An.
Hai cựu thù đã gặp lại nhau năm 2008 qua chương trình truyền hình “Như chưa hề có cuộc chia ly” trên VTV, do nhà báo Thu Uyên dẫn chương trình.
Ông Cherry sau này viết cuốn sách “My Enemy, My Friend” (Kẻ thù của tôi, bạn tôi) mô tả về cuộc gặp gỡ này.
Vào ngày 16.4.1972, thiếu tá Dan Cherry dẫn đầu biên đội 4 máy bay F-4 Phantom đụng độ 2 chiếc Mig-21 tại địa điểm cách Hà Nội 50 km về phía tây nam. Một trong các phi công F-4 báo động có thêm chiếc Mig-21 thứ ba xuất hiện (của phi công Nguyễn Hồng Mỹ) và áp sát các chiếc F-4. Sau khi rượt đuổi vòng vèo và bắn ra nhiều tên lửa không trúng đích, cuối cùng chiếc F-4 của phi công Cherry cũng bắn được quả tên lửa không đối không Sparrow trúng cánh phải chiếc Mig-21. Ông Mỹ phải nhảy dù (do hệ thống cơ khí trục trặc khiến ông bị gãy hai tay).
Sau này khi ở Mỹ, có lần xem chiếc F-4 của ông trưng bày ở viện bảo tàng có kẻ 1 ngôi sao thành tích bắn rơi 1 máy bay đối phương, bạn bè Cherry gợi ý ông tìm hiểu thông tin về người phi công Việt Nam ông đã bắn rơi.
Nhờ người bạn làm ăn ở Việt Nam liên hệ, đến ngày 5.4.2008, hai cựu thù trong trận không chiến ngày nào trên bầu trời Hà Nội năm 1972 đã gặp lại nhau trong chương trình truyền hình trên VTV1 “Như chưa hề có cuộc chia ly” đầy cảm động.
Nhiếp ảnh gia John Fleck, người chụp hầu hết các bức ảnh cho cuốn sách Kẻ thù của tôi, bạn tôi của thiếu tướng về hưu Dan Cherry đã tháp tùng ông sang Việt Nam tìm lại người phi công năm xưa. “Đó là một câu chuyện đáng kinh ngạc”, ông Fleck trả lời phỏng vấn qua điện thoại gần đây với trang tin The Columbian.
Ông Fleck đã chụp ảnh hai cựu phi công bắt tay nhau trước ống kính truyền hình tại TP.HCM. Ông cũng theo họ ra Hà Nội, đến nhà của ông Hồng Mỹ, rồi thăm địa điểm trước là nhà tù Hoả Lò, nơi giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam, từng được mệnh danh Khách sạn Hilton Hà Nội.
Trong cuốn sách của mình, ông Cherry kể lại rằng tại Hoả Lò, ông Nguyễn Hồng Mỹ hỏi ông: “Anh có người bạn nào ở đây không?”, ông Cherry đáp “Có”.
“Tất cả chúng tôi đều chảy nước mắt”, ông Fleck kể.
Khi họ quay ra ngoài phố, ông Hồng Mỹ khoác vai ông Cherry, và nhiếp ảnh gia Fleck đã chụp lại cảnh này.
Trong cuốn sách của mình, ông Cherry hồi tưởng lại khoảnh khắc đó: “Ngày đó, trên phố Hà Nội, kẻ thù của tôi đã thực sự trở thành bạn tôi”.
Anh Sơn
}