Báo chí
Cuộc đoàn tụ nào cũng hết sức lớn lao
Ngày đăng: 12/05/2009 | Lượt xem: 1147
Khán giả truyền hình ưu ái gọi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đang phát sóng trên VTV1 mỗi thứ bảy đầu tháng là phép màu giữa đời thường. Thành công ngoài mong đợi nhưng ít ai biết rằng cội nguồn của "Như chưa hề có cuộc chia ly" lại là bởi một nỗi ám ảnh cũ của nhà báo Thu uyên. Hồi còn học ở Nga, mỗi năm đến ngày chiến thắng phát xít 9/5, chị thường đến công viên văn hoá, và chứng kiến cảnh những cụ ông, cụ bà ngực đeo đầy huy chương run rẩy trên ghế đá mà tay vẫn ôm cứng những tấm bảng, ghi rõ ràng rành mạch: yêu cầu tìm người thân đồng đội. Nỗi ám ảnh chia ly theo chị đến tận bây giờ.
Nhà báo Thu Uyên phỏng vấn nhân vật trong chuyến công tác về Đường 7 |
Nghe nói, trong chương trình đặc biệt kỷ niệm ngày 30/4, “Như chưa hề có cuộc chia ly” sẽ công bố hồ sơ các trẻ em bị thất lạc trong ngày 30/4. Thông tin nào đã dẫn những người làm chương trình tìm kiếm được những hồ sơ này?
Chính xác là 82 hồ sơ. Chúng tôi đã được các gia đình và những người thất lạc tròn 34 năm nay nhờ tìm kiếm. Đây tạm thời là bộ hồ sơ đông đảo nhất, về những hoàn cảnh chia ly tại cùng 1 địa điểm, cùng thời gian trong 3-4 ngày. Hồ sơ Đường Bảy là đặc biệt đau xót. Khi chiến tranh đã sát ngày kết thúc, tàn quân chế độ cũ đột ngột rút chạy khỏi cao nguyên, gây hoảng loạn trong dân chúng. Những đứa trẻ đã lạc gia đình chính trong hoàn cảnh hỗn loạn cùng cực như vậy. Một số người trong số họ được bộ đội nhận nuôi, một số được đồng bào nuôi. Chúng tôi đã tìm ra họ. Nhiều gia đình đã để mất con giữa loạn lạc, nay tìm đến chúng tôi. Sứ mệnh của chúng tôi là tìm gia đình, tìm con cho họ.
Hành trình tìm kiếm chắc chắn không hề đơn giản?
Chúng tôi đã đi dọc đường Bảy lần này là lần thứ ba. Từ Gia Lai tới Tuy Hòa. Chúng tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương các xã ven đường Bảy, mà nay là đường 25. Nếu không có sự phối hợp của chính quyền, công an, cán bộ LĐ-TB-XH xã, thì riêng việc lập được danh sách những gia đình có nhận con nuôi trong năm 1975-1976 cũng là điều không thể. Mỗi bên đường, vẫn còn nhiều bí mật từ 34 năm trước chưa được khai thác cho việc tìm thân nhân.
Và thật sự, chị có kỳ vọng sẽ tạo được một cuộc đoàn tụ lớn nhất từ trước đến nay của “Như chưa hề có cuộc chia ly” không?
Đối với tôi, bất cứ 1 cuộc đoàn tụ nào cũng đều hết sức lớn lao.Nhất là khi mẹ gặp con, con gặp mẹ. Tôi không dám nói là những hồ sơ liên quan đến đường Bảy thì tâm trạng mong đợi của cha mẹ, của gia đình mạnh mẽ hơn những hồ sơ khác. Nhưng tôi đã chứng kiến gia đình bác Nguyễn Ngọc Xem, cô Đỗ Thị Đê đi tìm con,… toàn những đứa trẻ 5 tuổi vào lúc bấy giờ…Dường như họ sống, chỉ để đi tìm. Tôi không kỳ vọng mà cũng không ai ép chúng tôi kỳ vọng là mang về được tất cả những người đã mất tích cho 82 trường hợp đã nhận thông tin cho đến nay. Nhưng tôi đầy hi vọng.
Nhà báo Thu Uyên trong chuyến công tác về Đường 7 |
“Như chưa hề có cuộc chia ly” là một thành phần của Dự án xã hội liên truyền thông (đài – báo – website – hotline – cộng đồng). Vậy khán giả có giúp được nhiều trong các chương trình của chị?
Nếu không được khán giả động viên nhiều như hiện nay, anh em chúng tôi có thể cảm thấy rất mệt mỏi, căng thẳng và hiệu suất làm việc sẽ kém đi rất nhiều. Mỗi một cuộc tìm kiếm không chỉ có đi lại, xác minh, liên hệ, .. mà đều là những cuộc dụng tâm, dụng trí cho đến khi hoàn tất hồ sơ. Sự thông cảm và yêu thương của khán giả, mà trong đó có những gia đình đang có người thất lạc, là động lực. Hơn thế nữa, chính vì chương trình được đông đảo khán giả theo dõi nên chúng tôi thêm nguồn hồ sơ đầu vào, và những thông tin mách bảo quý giá.
Đến thời điểm này, chị đã tạm hài lòng về những gì mà chị và ê kíp đã thực hiện chưa?
Tôi tự hào về những việc mà chúng tôi (Viettel, VTV, Sài Gòn Buổi Sáng, báo Thanh Niên, đội tương tác VinaGame) đã làm được trong thời gian qua, vì thông qua đó, chúng tôi thực sự có ích cho cuộc đời.
Ai đó nói rằng, khuôn mặt rạng rỡ và đôi mắt biết cười của chị có thể không phù hợp để dẫn một chương trình có quá nhiều những giọt nước mắt này?
Khuôn mặt rạng rỡ thích hợp cho những giây phút đoàn tụ. Chương trình của chúng tôi không phải chương trình kể về những cuộc chia ly, mà là chương trình nơi người thân được đoàn tụ.
Xin cảm ơn chị!