Báo chí

Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 4: Trường hợp của Chinh

Ngày đăng: 29/04/2010 | Lượt xem: 1159

Tôi bảo: “35 năm, chú 70 tuổi rồi, sao không yên tâm chờ đợi ở đây mà lại cứ mãi kiếm tìm?”. Ông trả lời: “Làm sao được cô? Tôi luôn nghe thấy tiếng con tôi gọi. Nó đó, thằng bé con 5 tuổi!”. Thú thật, chính ông khiến chúng tôi cũng chịu sức ép tâm lý trong cuộc tìm kiếm này…

Ông Nguyễn Ngọc Xem, quê Đức Phổ. Má ông được nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Khi ba và chú ông đi tập kết, má ông hoạt động bí mật, bị bắt. Ông Xem lúc đó đang học đệ nhị cấp, thay má hoạt động, đến cuối năm 1962 cũng bị bắt. Hai mẹ con cùng bị giam tại nhà tù Quảng Ngãi, cuối năm 1965 cùng ra tù. Ông Xem bỏ học lên Pleiku, lấy vợ sinh con. Sau ông bị bắt lính, chấp nhận làm tạp vụ và gõ máy chữ, đeo quân hàm hạ sĩ trong quân đoàn 2 chế độ cũ.
“Tiếng con tôi vẫn gọi từ đâu đó…”

Những ngày tháng 3-1975, ông Xem vẫn đi làm như bình thường nhưng thấy xe pháo rục rịch, vợ con sĩ quan cấp cao bắt đầu di tản. Hỏi trung tá chỉ huy, người này cũng không biết gì. Hóa ra lệnh “triệt thoái cao nguyên” từ chính quyền Sài Gòn chỉ dành cho một số đơn vị, còn lại bị bỏ mặc cho khỏi chật đường. Ngày 18-3, thấy người người kéo đi, ông Xem vội vàng hối gia đình cùng đi.

Tiếc chiếc xe Vespa xanh, ông gửi vợ, hai con trai, một con gái lên một chiếc thiết giáp (mà giờ ông còn nhớ nguyên số hiệu – 47) và chạy xe theo. Ông hẹn gặp lại tại quốc lộ 1A rồi về quê Đức Phổ. Đến gần Phú Bổn thì mất dấu xe, ông chờ hai ngày ở gần phi trường không gặp đành đi tiếp. Đến một cây cầu bị sập ông để xe lại, lội qua sông, rồi đi tiếp đến Củng Sơn. Sau hai tháng ông trở về Đức Phổ mới hay tin đứa con thứ hai, Nguyễn Bảo Chinh, 5 tuổi, đã thất lạc.

Bà Phước, vợ ông, khi đó ngồi trong khối thép quân sự cùng ba con, đi đến Phú Bổn thì gặp giao tranh giữa bộ đội ta và tàn quân quân đoàn 2. Lính trên chiếc thiết giáp bỏ xe, kéo bốn mẹ con xuống kêu chạy vào rừng. Bảo Toàn 7 tuổi, Bảo Chinh lên 5, bé gái Bảo Linh mới lên 3. Có một học sinh cùng quê tên Bạch Văn Trữ bế giúp một đứa.

Bà Phước đi một đoạn thì lên cơn đau tim, đành gửi Bảo Linh cho một người lính khoảng 22 tuổi, quê Phan Rang. Rồi người lính đổi áo cho Trữ (trên ngực áo còn thêu chữ “Bạch Văn Trữ – học sinh trường…” và chuyển Bảo Linh sang cho Trữ để cõng Bảo Chinh cùng đi. Sau một ngày đêm thì bị lạc nhau giữa các lối rẽ…

Được bộ đội đưa ra khỏi rừng và dùng xe chở về quê nhà, bà Phước chỉ còn dẫn được Bảo Toàn theo mình. Cậu Trữ cõng Bảo Linh trở về sau đó, còn Bảo Chinh và người lính thì bặt vô âm tín.

Từ đó đến giờ cuộc đời ông có một mục đích duy nhất: hành trình đi tìm con. Ông bà làm đủ việc, từ kiếm củi, trồng cỏ nuôi bò… Kiếm đủ tiền để lại nhà cho con là ông lên đường với chiếc võng, đèn pin, bộ đồ và một cuốn sổ tự đóng. Ban đầu đi bộ, đi xe đò, sau mua được chiếc xe đạp.

Câu chuyện những đồng hương

Ông đạp từ Đức Phổ đi Tuy Hòa, Khánh Hòa tìm Chinh. Mỗi lần đi ông đều mang giấy giới thiệu tìm con do địa phương cấp. Ông chọn cho mình một cách “truyền thông” khá đặc biệt: nhờ chính quyền và những người lính giải phóng ngày xưa hỗ trợ mình tìm con!

Đi đến đâu, ông đều tới chính quyền địa phương nhờ dán tờ rơi, nhờ kêu loa cho đồng bào trong vùng giúp đỡ. Sáng ở xã này, tối sang xã khác, ông không còn nhớ đã đi qua bao nhiêu nơi. Có lần ngủ nhờ ủy ban, có khi mắc võng tại quán hàng ngoài chợ, có hôm ngủ ngoài miếu. Ăn thì đến đâu hay đó, bà Phước gói cho mấy cái bánh, tiện thì đổi cái khác ăn. Nghe ở đâu có nuôi con nuôi thời 1975 ông đều gắng tìm đến.

Ngày cùng chúng tôi đến huyện Ayunpa, tỉnh Gia Lai, ông Xem được hai “nhân vật lịch sử” dẫn đường. Đó là ông Vũ Xuân Mẫn, nguyên chính trị viên huyện đội H 11 Gia Lai; và ông Nay Nam, vốn thuộc lực lượng địa phương – hai ông đều từng tham gia cuộc chiến đấu anh dũng tại chân đèo Tôna, sông Bờ, cầu Bến Mộng, cầu Cây Sung… chặn ngang đường rút quân của quân đoàn 2 chế độ cũ. 35 năm trước, ông Xem đã chạy xe đến cầu Bến Mộng ngồi chờ.

Và có lẽ chiếc xe thiết giáp mà vợ con ông đã ngồi trong, cũng đã được bỏ lại trong trận giao tranh chính tại đoạn này, nơi ông Mẫn từng tham gia chỉ huy phía bộ đội địa phương Phú Yên. Tại từng cây cầu, có một cuộc dừng lại khá lâu để những người lính kể lại từng chuyện đã diễn ra, những lối rẽ, những nẻo đường… có thể có để giúp chương trình hình dung toàn cảnh nơi mà bé Bảo Chinh bị lạc. Giữa câu chuyện, ông Mẫn chợt nhìn chăm chăm ông Xem rồi thốt lên: “Ô, trông ông quen quá! Ông cùng quê với tôi mà!”.

Vậy ra ông Mẫn, ông Xem đều quê Đức Phổ, nhà không cách xa nhau, hồi nhỏ đã biết nhau. Chiến tranh đã chia rẽ đường đời của họ làm hai ngả. Những rạn vỡ trớ trêu và bất khả kháng vì chiến tranh. Những vết thương cuộc đời được hàn gắn dần, nhưng sự thất lạc, kiếm tìm nhiều khi vẫn còn phía trước… Bảo Chinh vẫn còn là hình ảnh cậu bé 5 tuổi ám ảnh ký ức người cha đau khổ.

Năm 1995, một người mách có anh Siu Chun trên Chư Sê. Ông bà làm giấy tờ cho Siu Chun mang tên Nguyễn Bảo Chinh, dù biết đó không phải con mình. Nay anh đã có vợ con, sống gần nhà ông. Người hay liên lạc với chương trình nhất là con trai út ông Xem tên Nguyễn Bảo Triệu, hiện là nghiên cứu viên Viện Dịch tễ Pasteur Nha Trang. Chuyến đi gần nhất của hai cha con là lên Sơn Hòa, tính côngtơmét xe máy mà ông Xem đi đúng 444km. Và tấm hình Bảo Chinh luôn là vật bất ly thân của họ.
THU UYÊN (Trích từ Tuổi trẻ online)

_______________
Lại có thông tin về Nguyễn Bảo Chinh từ nước ngoài. Cuộc tìm kiếm một đứa trẻ lên 5 sẽ vượt ra ngoài biên giới. Cũng như trước đây, trong cuộc chia ly, đoàn tụ này, mọi câu chuyện không hề có biên giới – từ địa lý cho tới lòng người.Chúng tôi bị thôi thúc bởi nỗi ám ảnh về thời gian: nhanh lên kẻo không còn kịp nữa!

>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 1: Câu chuyện của người chính ủy
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 2: Đứa con nuôi của đại tá
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 3: “Con chúng ta máu đỏ, da vàng…”

>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 4: Trường hợp của Chinh
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ cuối: Trẻ lạc không chiến tuyến

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *