Báo chí
Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 2: Đứa con nuôi của đại tá
Ngày đăng: 27/04/2010 | Lượt xem: 1156
Là lính chiến nhập ngũ từ thời chống Pháp, thời gian gần vợ con chỉ tính mấy chục ngày, đại tá Đinh Hữu Tấn khi truy kích trên đường 7 đã 40 tuổi.
Trong số những đứa trẻ được đồng đội ông đưa về Cheo Reo chiều hôm đó có một cậu bé khôi ngô, một tay cầm hai phong lương khô của bộ đội cho, tay kia cầm túi nilông đựng 300 đồng bạc chế độ cũ. Chú bé rất lễ phép, xưng con, bảo tên là Phước, cha là sĩ quan quân đội Sài Gòn vừa chết do đạn pháo, còn mẹ chết do xe lấn…
Cuộc đoàn viên bất ngờ của gia đình đại tá Tấn (giữa) và người con nuôi – Võ Văn Phước (bìa phải) -Ảnh do chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly cung cấp |
“Nợ một lời hứa”
Sáng hôm sau, trung đoàn nhận lệnh hành quân truy kích tiếp. Thấy cậu bé trốn trong bụi cây, bộ đội đi là chen vào hàng leo lên xe. Ông Tấn thấy vậy bảo: “Thôi đưa nó lên ôtô đi với tôi. Lỡ đánh nhau mà con nít trên xe lính thế thì biết ra sao”. Phước theo ngay lên chiếc xe jeep là nói không ngừng. “Lương khô con ăn rồi. Túi tiền con ném xuống suối vì bộ đội bảo giải phóng rồi không cần tiền”.
Theo chân “ba Tấn”, Phước cũng kinh qua giải phóng Củng Sơn, đánh vào Tuy Hòa. Phước đã biết đọc biết viết, ông Tấn nhờ cần vụ Nguyễn Văn Niên chăm sóc và dạy học ở tuyến sau khi ông bận truy kích. Đêm nằm ngủ hai cha con ôm nhau Phước hay hỏi: “Con ra Bắc, chị Yến có đánh con không, mẹ Nhuần có thương con không?”.
Từ Tuy Hòa, sư 320A nhận lệnh trở lại Buôn Ma Thuột. Phước theo ba Tấn và các chú bộ đội trên những chiếc Z69 quay về Dầu Tiếng, đến đây mới được phổ biến: Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Đánh xong trận Đồng Dù, ông Tấn bị “xát xà phòng”. Phó chủ nhiệm chính trị sư đoàn lúc bấy giờ gọi lên: “Cậu hay nhỉ? Mất lập trường. Chính ủy mà đi nuôi con kẻ thù!”. “Nó 6-7 tuổi, con nít như con mình!”. Nhưng chiến đấu không cho phép đưa trẻ con đi khắp các chiến trường như vậy, ông Tấn được lệnh để đứa bé lại bên dân sự. Phước nói: “Con chỉ ở với bộ đội!”.
Nấn ná mãi, đến đầu năm 1976 ông Tấn nhận lệnh đi đánh Fulro ở Dục Mỹ, đành nhờ gửi Phước cho Huyện đội Củ Chi. Cần vệ cho biết Phước được một chị vợ liệt sĩ, nấu ăn trong huyện đội, nhận chăm sóc. Năm 1977 hành quân về Tây Ninh bảo vệ biên giới phía Tây Nam, ông Tấn ghé Củ Chi mong gặp Phước nhưng chỉ nghe người vợ liệt sĩ đã đưa Phước về quê. Ở Trà Cú thì phải. Đang bảo vệ biên giới phía Nam, ông nhận lệnh ra Bắc học nghị quyết IV. Ông bà nhân dịp này tranh thủ sinh thêm đứa con trai.
Ông Tấn còn đi hết mấy chiến trường nữa mới đến ngày về quê. Nhưng cậu bé khôi ngô đã quấn quít với ông trong những ngày tháng lạ lùng, ông bà không quên. Ông đã đăng tin rất nhiều kỳ trên báo Cựu Chiến Binh, báo Quân Đội Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam để tìm người vợ liệt sĩ quê ở Trà Cú đã nuôi Phước thay ông.
Trả lời câu hỏi “Vì sao lòng chú không nguôi nhớ về cậu bé Phước?”. Ông nói: “Vì một lời hứa chưa tròn. Lời hứa với một đứa bé con!”. Khi Phước biết cấp trên của “ba Tấn” có ý kiến, cậu tâm sự với chú Niên: “Phước ở với bộ đội thôi. Nếu đưa Phước cho dân là Phước bốc đất bỏ lên đầu cho bẩn. Phước bỏ cơm!”.
Ông Tấn đi về nghe vậy ôm lấy Phước: “Ba đi đánh giặc xong nhất định sẽ về đón Phước ra Bắc!”. Nhưng năm 1978, đang đánh Pol Pot từ Mimốt qua Kampong Cham, ông được gọi ra Bắc học, đến tháng 2-1979 – chiến tranh biên giới, ông được điều ở lại tăng cường cho các tỉnh miền Bắc. Cho đến khi về hưu năm 1989, ông không có dịp vào Nam nữa. Lời hứa với đứa con nuôi chưa thực hiện…
Câu chuyện của Phước
Đội tìm kiếm liên hệ với Long An và trở lại Củ Chi gặp rất nhiều cựu chiến binh, du kích và người dân, vẫn không lần đâu ra thông tin về người vợ liệt sĩ quê Trà Cú. Nhưng chúng tôi đã gặp ông Năm Thuần, nguyên huyện đội trưởng Củ Chi.
Ông kể: “Đầu tháng 3-1976, sư 320A khi đó đóng tại Đồng Dù nhận nhiệm vụ khác. Sư đoàn có một cháu bé trai tên Phước nhờ ban chỉ huy quân sự huyện chăm sóc, đồng chí Trần Văn Tần, khi đó là huyện đội trưởng, giao cho trung đội nữ nuôi cháu. Trung đội khi đó có 30 chị em, năm 1977 đã giải thể. Năm 2007, xem báo Quân Đội Nhân Dân thấy có đồng chí đại tá chính ủy sư 320A đi tìm cháu, nhưng rất tiếc chúng tôi không biết cháu hiện ở đâu”.
Đến khi gặp được bà Hai Thảo, dũng sĩ, đã biết Phước chính xác có sống ở đây. “Các anh trên Ban chỉ huy dẫn xuống, nói là của bộ đội bên Đồng Dù nhờ chăm sóc. Cháu rất dễ thương, thông minh, biết đàn hát. Lúc đó chị em phụ nữ ai nấy đều thương cháu hết, nhưng cháu ở với tôi vì tôi là trung đội phó, cần làm tròn trách nhiệm các anh bộ đội giao. Lúc đó tôi mới 19-20 tuổi, kinh nghiệm nuôi con đâu có biết.
Hôm Phước sốt cả trung đội cùng thức trắng. Mua vải theo tiêu chuẩn may cho Phước hai bộ Tô Châu, nó mặc xinh lắm”. Năm sau phần trung đội giải tán, phần lập gia đình, bà Thảo đành gửi Phước lại cho huyện đội. “Gặp lại cháu tôi sẽ nhận ra ngay. Giờ mình có tiền rồi, nó có khó khăn mình còn giúp được…“.
Lần theo những dấu vết của cậu bé Võ Văn Phước thật gian nan. Cậu được gửi vào một xí nghiệp in để cho ăn học, rồi đi làm thuê chỗ này chỗ khác, được nhận làm con nuôi. Tên của Phước đổi thành Long. Năm 1992, Phước lập gia đình với một cô gái hiền lành, chu đáo tên Trang. Khi chúng tôi tìm được đến nhà ba mẹ vợ của Phước ở Bình Dương thì chỉ có Trang và hai con ở nhà. Phước đang làm thuê ở Vũng Tàu.
Đoàn tụ
Hai vợ chồng Phước chở nhau trên chiếc xe Wave đến với chúng tôi, hồi hộp hỏi ngày nào sẽ gặp lại “ba Tấn”. Phước rất ít nói nhưng tình cảm sâu sắc, mong gặp lại ba để “nếu ông đã già yếu, hai đứa em sẵn sàng chăm sóc”. Chúng tôi dùng chữ “ba nuôi của em” nhưng Phước dường như không để ý, chỉ gọi “ba”.
Tối một ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 10-2008, Phước bước ra sân khấu khi đại tá Đinh Hữu Tấn vừa kể xong cho khán giả nghe câu chuyện đứa con nuôi của mình. Người đàn ông 40 tuổi là Phước bước ra xiêu vẹo, cất tiếng “ba” và nước mắt ướt đầm gương mặt. Đại tá Đinh Hữu Tấn vốn tự nhủ “người lính già nước mắt chảy vào tim”, cũng khóc ròng khi ôm đứa con nuôi đường 7 trong vòng tay.
Tôi hỏi: “Gặp Phước rồi, chú nghĩ gì nhiều nhất?”. Ông Tấn trả lời: “Tôi thương con không được học hành. Nếu năm 1977 cháu vẫn còn ở Củ Chi, nếu năm 1979 đất nước không lâm vào cuộc chiến phía Bắc để tôi có điều kiện trở lại đi tìm, thì nhất định tôi đã đưa con về với nhà tôi, cho học ít ra cũng phải lên đại học. Phước rất có tư chất, rất thông minh…”.
Chiến tranh đã hủy diệt những cơ hội. Chỉ có tình thương yêu mới hạn chế được mức độ tàn bạo của nó. Sau 36 năm xa nhà, ông Tấn trở về bên vợ, làm thơ. Thỉnh thoảng ông bà nhận được thư và thuốc của vợ chồng Phước gửi ra. Một câu chuyện có hậu của chiến tranh, đồng đội ông nói như vậy đó!
_____________________
Một lính văn công người Hà Nội, trong tình cờ cuộc đời, nhặt được một đứa trẻ lên 3 sắp lả đi trong đám cỏ ven đường. Đứa con nuôi ấy chính là con của một người lính nghĩa quân chế độ cũ. Mấy chục năm sau họ ngồi uống chung ly rượu trong tiệc nhận – trao con…
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 1: Câu chuyện của người chính ủy
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 2: Đứa con nuôi của đại tá
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 3: “Con chúng ta máu đỏ, da vàng…”
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 4: Trường hợp của Chinh
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ cuối: Trẻ lạc không chiến tuyến
} else {