Báo chí

Có tìm sẽ có thấy!

Ngày đăng: 03/02/2010 | Lượt xem: 1120

Ngày 6-2-2010, chương trình gala kỷ niệm hai năm ra mắt của chương trình truyền hình Như chưa hề có cuộc chia ly sẽ được tổ chức.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hà đoàn tụ trong đêm gala năm 2009

Cuối năm 2007, khán giả cả nước lần đầu tiên biết đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL). Điểm đặc biệt của chương trình này là: đến một thời khắc nào đó, hầu hết những người có mặt trong trường quay đều…khóc, và hàng triệu khán giả xem truyền hình cũng không cầm được nước mắt khi chứng kiến những cuộc đoàn tụ kỳ diệu.

Nhà báo Thu Uyên – biên tập và dẫn chương trình – đã có một cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ sau hai năm gắn bó với chương trình.

Có những trường hợp đặc biệt đau xót…

Suốt hai năm đi qua những cuộc chia ly, có lẽ không thể so sánh cuộc chia ly này đau khổ hơn cuộc chia ly kia, nhưng tự trong lòng chị hoặc êkip thực hiện chương trình, có trường hợp nào được thiên vị không?

– Có thiên vị đấy! Đó là trường hợp tìm em Nguyễn Bảo Chinh bị thất lạc lúc 4-5 tuổi vào thời gian chạy loạn chiến tranh. Đó là hồ sơ được gửi về từ những ngày đầu của chương trình, và là hồ sơ thứ hai mà chúng tôi xử lý.

Gia đình của em hiện sống tại Đức Phổ (Quảng Ngãi) và chúng tôi đã xem như một biểu tượng chung của những gia đình bị thất lạc con. Gần như họ sống chỉ để đi tìm. Suốt bao nhiêu năm qua, cứ dư được đồng nào là họ lại lên đường tìm con, lặn lội khắp nơi, đi bộ, đi xe đạp, ngủ vạ vật ở góc chợ hay khu miếu hoang, vật dụng mang theo là chiếc đèn pin, chiếc túi nhỏ và một cuốn sổ ghi chép chi chít địa điểm, tên người…

Nước mắt và niềm vui của ngày đoàn tụ

Điều đặc biệt là trong cuốn sổ nhỏ đó họ ghi lại rất cụ thể những lần tìm được… con của người khác, gần 10 em. Tôi đọc cuốn sổ và bỗng nghĩ nhất định mình cũng phải tìm được cha mẹ cho những em này.

Bên cạnh loạt hồ sơ thất lạc trẻ em, NCHCCCL sau hai năm còn có thêm nhiều tập hồ sơ khác?

– Vâng, hiện nay chúng tôi đã tập hợp được các trường hợp giống nhau về hoàn cảnh thất lạc, bối cảnh lịch sử trong những tập hồ sơ đường 7, hồ sơ nạn đói 1945, hồ sơ Babylift… Như hồ sơ đường 7, bắt đầu bằng câu chuyện của vị đại tá thuộc sư đoàn 320A đăng ký tìm con nuôi của một tàn quân chế độ cũ bị thất lạc dọc đường. Tôi nhận thấy đây là một câu chuyện hi hữu: một người bố đi tìm một đứa con nuôi vốn là ruột thịt của người ở bên kia chiến tuyến.

Tôi đọc thêm sách, tìm hiểu thêm về quá khứ và chợt vỡ ra nhiều điều về cả một thời kỳ loạn lạc với hàng trăm phận người bị xoay vần trong đó. Đó là một hồ sơ đặc biệt đau xót bởi bi kịch xảy ra khi chiến tranh đã sát ngày kết thúc, tàn quân chế độ cũ đột ngột rút quân khỏi Tây nguyên và những đứa trẻ đã lạc gia đình trong hoàn cảnh hỗn loạn cùng cực như vậy. Hoặc chỉ trong hai cây số ngắn ngủi ở Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa mà đã có biết bao nhiêu cuộc ly tán, thất lạc xảy ra.

Những giấc ngủ ngon và cái tết sum vầy

Có khi nào mọi người thấy nản lòng trên hành trình tìm kiếm?

– Có những trường hợp chúng tôi tin 100% là đã tìm ra được, nhưng đến khi chứng minh vẫn chưa có được chứng cứ cuối cùng nên buộc phải gác lại và tiếp tục tìm kiếm. Có những trường hợp chúng tôi thấy bất lực, càng lao vào càng không ra, càng muốn tìm càng không thấy. Có cả trăm trường hợp mình tin đã quanh đâu đây rồi, khoanh vùng được rồi mà tìm các kiểu vẫn chưa ra, thấy ức lắm.

Nhà báo Thu Uyên (phải) và bà Sánh khi được thấy mặt con trai lần đầu là cậu bé câm điếc tên Tuấn mà bà đã đi tìm 11 năm nay

Như trường hợp của em Bảo Chinh mà tôi đã nói, chúng tôi tìm suốt hai năm mà vẫn chưa ra, tôi càng thấm thía thế nào là những nỗi đau được tích tụ và cô đặc qua bao nhiêu năm tháng. Nhưng chúng tôi luôn có niềm tin có tìm thì có thấy, có lên tiếng sẽ có lời đáp lại, dù ly tán có xuyên biên giới cũng vậy. Vụ việc nào chưa tìm ra thì còn khả quan. Chỉ khi nào con người không còn sống mới hết cơ hội.

Sau hai năm, NCHCCCL đã tìm được 161 trường hợp, góp phần làm nên những cuộc đoàn tụ kỳ diệu. Khi chứng kiến giây phút đó, chị thấy ý nghĩa của hai chữ “đoàn tụ” thế nào?

– Quả thật chỉ hai chữ thôi, trong từ điển cũng giải thích rất ngắn gọn, vậy mà con người ta có khi phải mất cả đời người để có được nó. Trong cuộc sống này có những thứ có thể lành lại được nhưng nỗi đau chia ly thì gần như không thể. Ruột thịt khi đã cắt ra rồi thì không gì có thể lắp vào thay thế được. Có thể họ sống chông chênh thế nào đấy mà vượt qua được 20 năm, 30 năm, nhưng chỉ đến khi gặp được nhau họ mới thật sự sống.

Như trường hợp một gia đình đi chơi biển rồi lạc mất đứa con trai bé bỏng, người cha sau đó cứ đeo tấm bảng trước ngực đi khắp nơi mà tìm con. Cậu bé sau này được một gia đình tốt nhận nuôi, lớn lên học nghề mộc rồi lấy vợ, sống rất tử tế. Sau khi chương trình giúp cậu đoàn tụ với gia đình, cậu vẫn ở với mẹ nuôi và vẫn làm mộc, nhưng một điều thay đổi lớn nhất đã đến với cậu: đó là những giấc ngủ ngon, không mộng mị.

Số năm lạc nhau trung bình trong các hồ sơ mà chúng tôi thống kê được là 38 năm, đủ để thành một cuộc đời khác rồi. Bởi vậy có những trường hợp đoàn tụ rồi vẫn không có gì thay đổi: người trong cuộc vẫn lam lũ đi làm, vẫn không về được với nhau do khoảng cách địa lý, do hoàn cảnh sống khác nhau trong nhiều chục năm. Nhưng cứ thử nghĩ xem, nếu tính riêng trong năm vừa qua chúng tôi tìm được gần 100 trường hợp, vậy thì tết Canh Dần này sẽ có khoảng 100 gia đình được đón cái tết sum vầy đầu tiên.

Tính đến ngày 29-1 đã có 20.360 hồ sơ được đăng ký về NCHCCCL thông qua website www.haylentieng.vn, tổng đài 62647777, email, thư tay, văn phòng Sài Gòn Buổi Sáng…, trong đó có 1.562 hồ sơ đang được xử lý. Đã có 2.627 người đăng ký tình nguyện giúp tìm kiếm, 3.070 phản hồi cung cấp thông tin của khán giả khắp nơi qua website và tổng đài. Và 161 trường hợp đã được tìm thấy.

Cô Võ Thị Kim Lũy tìm được các anh chị sau gần 40 năm lưu lạc

NCHCCCL cũng là chương trình truyền thông tương tác đầu tiên có bản quyền VN được chuyển giao công nghệ ra nước ngoài. Hiện ở Campuchia cũng đã có chương trình Không phải giấc mơ! (It’s not a dream!) giúp đoàn tụ người thân tại đây. Nhà báo Thu Uyên phụ trách cố vấn nội dung cho chương trình này.

Câu chuyện tử tế

Khi báo chí đưa tin VTV1 sẽ thực hiện chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly do nhà báo Thu Uyên phụ trách, tôi khấp khởi vui lẫn lo. Vui, vì công việc mà các anh chị quyết tâm chuẩn bị và sắp cho ra mắt hàng triệu khán giả truyền hình là quá cần thiết đối với một đất nước như nước mình.

Chiến tranh trên diện rộng và kéo dài đã làm nhu cầu tìm lại người thân bị thất lạc không những rất lớn mà còn cần đến sự hiệp lực của nhiều người, nhiều địa phương, thậm chí nhiều nước nữa mới có thể đáp ứng. Đưa chương trình lên truyền hình là cách tổ chức hiệu quả sự hiệp lực ấy.

Lo, là bởi vì cuộc chiến tranh nào cũng có những “phe” khác nhau. Thế nhưng nỗi đau thất lạc người thân lại không có phe nào cả. Liệu những người làm chương trình, trong khi thực hiện sứ mạng hết sức nhân văn này, có lỡ để lọt chi tiết nào có thể làm thương tổn những người trong cuộc? Nhưng rồi khi dõi theo Như chưa hề có cuộc chia ly, tôi thấy chương trình đã đưa cả người trong cuộc lẫn những người chỉ thuần dõi theo câu chuyện hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, hết ly kỳ này đến ly kỳ khác.

Câu chuyện tìm và gặp được người thân nào cũng thấm đẫm sự tử tế của con người. Dù ở rừng núi cao nguyên hay đồng bằng Nam bộ, Bắc bộ. Dù ở Việt Nam hay những xứ sở xa xôi. Không có dấu vết “phe” nào trong những ly kỳ, bất ngờ ấy. Thu Uyên và những đồng nghiệp của chị đâu thể tạo dựng ra sự ly kỳ, dẫu rằng có sự ly kỳ vượt xa tầm tưởng tượng của người làm công việc sáng tác kịch bản phim truyện.

Chính là cuộc đời đã sắp đặt các số phận con người, đã bắt con người nếm trải nỗi đau dằng dặc của sự chia ly và rồi cũng đã trả lại cho con người niềm vui vô hạn của sự đoàn tụ. Và thành công lớn nhất của Như không hề có cuộc chia ly có lẽ là ở chỗ thông qua từng câu chuyện có thật mà khẳng định một thông điệp: chỉ có tình yêu thương đích thực của con người với con người mới vỗ về và giữ được cho con người sự bình an trong tâm hồn, khi họ bị số phận bỡn cợt, xô đẩy, va đập một cách cay nghiệt.

 

Một số hình ảnh đoàn tụ trong năm 2009
Trong gala kỷ niệm sắp tới sẽ có gì đặc biệt, thưa chị?

– Chương trình NCHCCCL số 27 cũng là đêm gala sẽ có thời lượng 2 giờ (gấp đôi bình thường), được truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV9 vào 20g ngày 6-2 (nhằm 23 tết) và phát lại trên VTV4 vào tối 13-2 (30 tết).

Gala sẽ tập trung chủ đề đất nước bị chia cắt rồi thống nhất với hàng ngàn người tập kết, di cư, đi phu… mà lạc nhau, lịch sử những năm 1930 cũng dần hiện lên. Những bài hát được các nhạc sĩ sáng tác riêng cho

NCHCCCL cũng sẽ được các ca sĩ Mỹ Linh, Thanh Lam, Hiền Thục… trình bày trong gala. Và đặc biệt sẽ có khá nhiều cuộc đoàn tụ diễn ra.

Theo Hoàng Oanh (báo Tuổi Trẻ)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *