Báo chí

Cầu nối đoàn tụ quy mô lớn bắt đầu hoạt động

Ngày đăng: 16/11/2007 | Lượt xem: 1191

Đại diện nhà sản xuất, tài trợ và các đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình tại buổi họp báo

Lần đầu tiên, thông qua chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…", việc tìm kiếm người thân được tổ chức bằng nhiều phương tiện kết hợp: truyền hình trực tiếp – báo chí – đội tìm kiếm – hotline – website – cộng đồng.

Chương trình tìm kiếm người thân mang tên "Như chưa hề có cuộc chia ly…"  đã chính thức khởi động. Cuộc họp báo giới thiệu chương trình được tổ chức ngày hôm qua 15.11. Nhà báo Trần Bình Minh, Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; nhà báo Lâm Tư và nhà báo Lê Nguyên Long,  Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Tp.HCM; nhà báo Nguyễn Quang Thông, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên – cơ quan phối hợp thông tin cho chương trình; nhà báo Thu Uyên, chủ nhiệm chương trình; cùng đại diện nhà tài trợ – Viettel; nhà sản xuất chương trình – Công ty Truyền thông Sài Gòn Buổi Sáng, cùng chủ trì họp báo.

Trường quay S8 nơi diễn ra cuộc họp báo trở nên sinh động  với những thông tin thú vị, những đoạn phim ghi lại hình ảnh hoạt động tìm kiếm và những cuộc gặp gỡ đầy xúc động.

Sau bước khởi động đầu tiên trên Báo Thanh Niên (xem Cầu nối đến đoàn tụ , TN 15.5.2007), đã có hàng ngàn người gửi thư đến chương trình, thông qua 2 địa chỉ e-mail: timnguoithan@thanhnien.vn và timnguoithan@saigonmornings.com, trong đó có hơn 100 yêu cầu tìm kiếm. Nhà báo Thu Uyên nói: "Nhờ sự hỗ trợ của Báo Thanh Niên mà chương trình đã hiện hữu từ khi chưa lên sóng. Từ đây, chúng tôi đã nhận được hơn 100 yêu cầu gửi về nhờ tìm kiếm: tìm cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng nguồn cội, tìm bạn cùng lớp, cùng quê, tìm ân nhân và tìm cả… người yêu cũ nữa. Một gia đình gửi con cho người khác bế trên đường, rồi thất lạc suốt hơn 30 năm. Một cô giáo nhờ tìm mẹ cho một bé gái 3 tuổi vì mẹ cháu đã gửi bé tại chùa rồi đi đâu mất. Con trai người liệt sĩ duy nhất trong đường dây chuyển tiền bí mật vào chiến trường thời chống Mỹ nhờ tìm thủ trưởng cũ của cha mình để hỏi về sự hy sinh của thân phụ. Một tướng không quân Mỹ viết thư nhờ tìm gặp người phi công Việt Nam anh dũng (brave pilot) từng đụng độ với mình trên vùng trời miền Bắc năm xưa. Một cụ già, được sự ủng hộ của vợ, đến văn phòng tìm kiếm nhờ tìm người yêu của nửa thế kỷ trước…

Trong số những hồ sơ gửi đến có hơn 7% là trường hợp trẻ em lạc nhà đi và không tìm được đường về. Có người rẽ đường đi mua kẹo, rồi lạc một mạch… 40 năm, nay nhờ chương trình tìm cha mẹ… Đó là một số trong khoảng 300 trường hợp mà đội tìm kiếm của chương trình đang xử lý. Cho đến nay, chúng tôi đã tìm được 11 trường hợp, rất đa dạng và bất ngờ".

Khi chia sẻ niềm vui với cô bé Bình được giải thoát sau 13 năm bị hành hạ dã man đã được trở về với người thân, chúng ta hiểu rằng đó là công sức của người hàng xóm tốt bụng, cũng là công sức của truyền thông đã làm cầu nối để mọi thông tin đến được nhanh hơn. Chắc chắn trên đất nước ta còn nhiều thân phận, cảnh đời đang sống trong sự ly tán, chúng tôi ý thức rằng, chương trình truyền hình "Như chưa hề có cuộc chia ly…" không chỉ là truyền thông mà còn là một dự án nhân đạo, cần nhiều thời gian, cần sự quan tâm giúp sức của nhiều người, nhiều đơn vị, tổ chức và toàn xã hội. Viettel rất vui mừng được góp phần nhỏ bé của mình xây dựng nên chiếc cầu hạnh phúc ấy, giúp cho những người đang ly tán có cơ hội được gặp lại nhau. Đồng thời hy vọng đây sẽ là một cơ hội để toàn xã hội cùng chia sẻ với nhau làm cho cộng đồng ấm áp và nhân ái hơn –
Ông Nguyễn Huy Chương  (đại diện nhà tài trợ Viettel)

Chương trình sẽ được phát sóng trực tiếp trên VTV1 từ 20 giờ đến 21 giờ vào ngày thứ Bảy đầu tiên hằng tháng, bắt đầu từ  ngày 1.12.2007 (riêng chương trình đầu tiên, sẽ được quay trước 1-2 ngày để bảo đảm kỹ thuật thông suốt, sau đó sẽ phát trực tiếp). Những gì diễn ra trên truyền hình sẽ là kết quả và những hoạt động đang diễn ra của đội tìm kiếm gồm những người có tâm huyết và chuyên nghiệp. Khán giả sẽ chứng kiến những giọt nước mắt đoàn tụ, những câu chuyện xúc động, những tình huống bất ngờ, những lời nhắn gọi người thân và những nỗ lực tuyệt vọng cần được cộng đồng chỉ mách.

Chương trình có sự tương tác rất cao với khán giả: Khi chương trình đang phát sóng, khán giả có thể gọi điện trực tiếp đến trường quay thông qua hotline của chương trình, số (08) 264 7777 hoặc ghi thông tin vào website www.haylentieng.vn để "lên tiếng" nếu khán giả là người được tìm hoặc biết thông tin về trường hợp đang tìm. Ngoài giờ phát sóng, Tổng đài (08) 264 7777 còn hoạt động liên tục trong giờ hành chính để nhận thông tin. Website www.haylentieng.vn, "không chỉ là phương tiện để quảng bá chương trình, mà thực sự là một công cụ quan trọng để đoàn tụ thân nhân. Mọi người có thể vào đây để đăng ký tìm kiếm, hoặc tìm xem có ai tìm mình không, hoặc xem mình có biết ai trong số những người đang cần tìm không". Người đăng ký tìm kiếm không phải trả bất cứ khoản phí nào và sẵn sàng tham gia chương trình để yêu cầu tìm kiếm được thông báo rộng rãi, và để… đoàn tụ với người thân! Trung tâm Đài Truyền hình Việt Nam tại Tp.HCM phối hợp với Công ty Truyền thông Sài Gòn Buổi Sáng sản xuất chương trình. Nhà tài trợ chính: Viettel. Hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình là Vinagame và Hãng phim Thanh Niên. Đơn vị phối hợp bảo trợ thông tin: Báo Thanh Niên.

Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ôngTrần Bình Minh xúc động với những kết quả  rất có ý nghĩa mà những người làm chương trình đã làm được sau một thời gian chuẩn bị không dài, mặc dù đây là chương trình mà lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam rất tâm đắc, đã chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện để phát sóng sớm nhất. Với sự hưởng ứng, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị và của cộng đồng, ông mong muốn chương trình sẽ ngày càng mang đến cho xã hội những giá trị nhân văn to lớn và sẽ tăng tần suất phát sóng trên truyền hình.


Nhà báo Thu Uyên, chủ nhiệm chương trình – ảnh: Vinh Nguyễn

Một chương trình với ý nghĩa xã hội to lớn này sẽ không thành công nếu thiếu sự góp sức của nhiều phương tiện truyền thông khác nhau như truyền hình, phát thanh, báo chí và các website. Vì vậy, chương trình thực sự mong sự góp tay của nhiều báo, nhiều đài. Diện phủ càng rộng, thì khả năng "lên tiếng" và được nghe thấy càng lớn.

Chúng tôi dự định sẽ có 10 điểm offline trên toàn quốc, mỗi tháng hoạt động tại 3 nơi. Sẽ thông báo trước một tháng trên các phương tiện truyền thông để một ngày, giờ cố định trong tháng, những ai có nhu cầu tìm kiếm đến 3 điểm đó để đăng ký với chương trình. Trong mỗi một số phát sóng sẽ có 2 đến 3 cuộc đoàn tụ và sẽ là sự đoàn tụ hoàn toàn bất ngờ, có 5 đến 6 phóng sự ghi lại hình ảnh tìm kiếm, thân phận người được tìm kiếm, đưa trực tiếp lên sóng nhiều trường hợp cần tìm kiếm khác khi đã thẩm tra độ tin cậy của thông tin. 

Đội tìm kiếm của chúng tôi luôn luôn tìm kiếm, có trường hợp mất vài ngày, có trường hợp mất nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí rất có thể là nhiều năm. Rất nhiều cuộc gặp gỡ xúc động, nhưng cũng có trường hợp tìm được thì người được tìm không muốn gặp, mặc dù rất mất công tìm kiếm nhưng chúng tôi biết công việc này đôi khi có thể chạm vào nỗi đau của người khác, nên chúng tôi tôn trọng và chấp nhận. Nhiều khi, chỉ một thông tin là người kia còn sống, khỏe mạnh, hoặc rằng đứa con đã nên người,… cũng đã đủ giúp một người đang bị chia ly bước tiếp…

Chương trình sẽ làm hết khả năng của mình mang lại những cuộc đoàn tụ, dù khả năng này không phải vô biên.

Nhà báo Thu Uyên  (trả lời báo chí)

Cát Khuê – Vinh Nguyễn (TNO)

}

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *