Báo chí
Ca sĩ Randy tiếp tục hành trình tìm mẹ Việt
Ngày đăng: 03/10/2012 | Lượt xem: 3446
Buổi chiều 5/9/2012, sau nhiều khấp khởi hy vọng, Randy đã nhận được một thông báo không như mong đợi: cả 3 kết quả xét nghiệm mẫu ADN đều không đúng. Điều đó có nghĩa cả bà H., người phụ nữ đã dũng cảm xuất hiện trước dư luận và 2 người mẹ muốn ẩn danh khác ở Đắk Lắk và Đà Nẵng đều không phải mẹ đẻ của anh.
Từ những thông tin mới nhất Randy bước vào hành trình mới tìm mẹ ở Bến Tre. Nhưng Chuyên đề ANTG buộc lại phải một lần nữa nói về số phận của người trong cuộc, những người mới đây, vì sự thiếu tế nhị của một thiểu số truyền thông, đã bị tổn thương…
1. Những ai lần đầu tiên tiếp xúc với ca sĩ Randy, đều đọng lại một ấn tượng tốt đẹp về nam ca sĩ mang 2 dòng máu này: chân thật, thẳng thắn, sẵn sàng trải lòng, và dường như may mắn rằng những thứ màu mè diêm dúa trong giới showbiz chưa thấm vào con người anh.
Có một điều chắc chắn rằng Randy chưa bao giờ có ý định nhờ truyền thông qua câu chuyện riêng của mình để làm bệ phóng cho sự nghiệp ca nhạc. Đối với Randy, âm nhạc là chốn nương thân của anh từ rất lâu rồi, từ những ngày đầu đặt chân đến đất Mỹ với thân phận lạc lõng của một đứa trẻ mang hai dòng máu. Một thế giới nhỏ, trong đó những nhân vật chính là những đứa trẻ lai, đã phải vật lộn để tự sinh tồn, tự khẳng định bản thân để thích nghi với một xã hội hoàn toàn mới. Trong chặng đường khắc nghiệt ấy, đã có nhiều người buông xuôi, lấy sự hằn học và quậy phá để che đậy sự bất lực của mình.
Ca sĩ Randy và bà H trong ngày lấy mẫu chuyển đi xét nghiệm ADN. |
Ca sĩ Randy và bà H. trong ngày lấy mẫu chuyển đi xét nghiệm ADN. Randy nhớ mãi hình ảnh một người bạn trong nhóm trẻ lai. Từ một người hiền lành nhất trong nhóm, đứa trẻ ấy đã nhập vào một băng nhóm giang hồ, quậy phá và đánh lộn, chìm trong rượu chè và ma túy. Randy bất lực nhìn bạn mình buông xuôi, tự chọn một cách thể hiện mình mang tính tiêu cực để khẳng định sự tồn tại trong một xã hội xa lạ. Nhiều người khác rơi vào trầm cảm, trở thành những bóng dáng vật vờ sống bằng trợ cấp xã hội. Không có sự lựa chọn nào khác, nếu không tìm được một chốn nương náu về mặt tinh thần, số phận của họ sẽ sụp đổ.
Đa phần trong số họ lớn lên trong một tuổi thơ khó khăn với thân phận những đứa con nuôi, sự học hành và tình cảm thiếu thốn, nhưng những vết hằn tinh thần vì bị trêu chọc và kỳ thị thì đầy đủ. Họ
được nhận nuôi, thậm chí bị mua đi bán lại, với những dụng ý rất rõ ràng, như một tấm giấy thông hành để người khác được đặt chân đến đất Mỹ. Với một nền tảng tinh thần và học vấn rách nát, những cú sốc tinh thần liên tục bủa vây những đứa trẻ mang hai dòng máu, thậm chí cả trong giấc mơ.
Và Randy, một trong số họ, được coi là người may mắn, vì đã có âm nhạc là chốn nương thân. Những uẩn ức, thay vì được thể hiện một cách tiêu cực, đã được âm nhạc thể hiện, hóa giải và triệt tiêu: “Sau cuộc chiến cha trở về quê cha. Bỏ lại sau lưng những đứa con lạc loài. Những đứa con mang hai dòng máu. Cho người đời xa lánh miệt khinh. Oán trách ai biết ai mà oán. Những tủi hờn khôn lớn cùng con”.
Một cách rất tự nhiên, Randy được nhiều người quý mến, trong đó có nhiều người trong giới truyền thông. Nhiều người đã âm thầm hỗ trợ anh trong quá trình đi tìm mẹ, bởi họ cảm nhận được khát vọng chân thành của Randy qua những bài hát của anh, không phải qua những lời ta thán màu mè. Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã âm thầm tìm đến những người có khả năng là mẹ anh, thực hiện những cuộc thử ADN miễn phí. Hàng ngàn bạn đọc gửi thư chia sẻ, theo dõi từng bước đi tìm mẹ của anh. Có những người xin giấu tên gọi điện cho Randy trong đêm khuya, khóc ngon lành, và chúc anh may mắn. Có những bà con lao động ở quận 2, mua một tờ ANTG, quây quần lại với nhau, cùng đọc, rồi gọi điện cho anh, chia sẻ với anh, trong nước mắt…
2. Trước những tình cảm âm thầm mà chân thành đến vậy, đối với Randy, đó là một áp lực. Thứ áp lực quý giá này đòi hỏi anh phải hết sức thận trọng trong việc phát ra thông tin, tránh để làm tổn thương đến những người phụ nữ có khả năng là người mẹ Randy đang kiếm tìm. Randy thấu hiểu những nỗi đau rứt ruột bỏ con của họ, và anh hiểu được sự dũng cảm của họ khi nhấc máy lên để gọi một cú điện thoại.
Và Randy đã thực sự nổi giận, khi vô tình hay hữu ý, hành trình tìm mẹ của mình, đã gây tổn thương đến những người phụ nữ như vậy, bằng một vài sự cẩu thả của truyền thông. Điều đó đã xảy ra với bà H., nhân vật đã rất dũng cảm xuất hiện. Cuộc gặp gỡ của bà D.T.H. với Randy, trước tiên, là cuộc gặp của những người có nỗi đau giống nhau. Sau đó, nếu có may mắn, khi kết quả thử ADN thành công, sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nhưng thông tin nhạy cảm trong một hoàn cảnh nhạy cảm không kém đó đã được xử lý một cách cẩu thả, bằng sự biên tập lại thông tin theo kiểu giật gân câu khách, bằng sự cắt xén theo ý mình mà không tham khảo người trong cuộc, hoặc bằng những cú điện thoại phỏng vấn thiếu độ tinh tế… đã làm đau lòng những người trong cuộc.
Bà H. đã khóc khi gọi điện cho chúng tôi. “Thông qua Báo ANTG, tôi gặp Randy là chuyện bình thường giữa những con người cùng cảnh với nhau. Báo ANTG quả là chiếc cầu nối tuyệt vời… Nhưng ngay sau đó mấy tờ báo khác, họ chưa một lần gặp tôi, vậy mà sao họ nỡ viết là tôi tự nhận là mẹ của Randy? Tôi nói ít sao người ta xuyên tạc nhiều dữ vậy? Chúng tôi gặp nhau, sao họ đã viết khẳng định là ca sỹ Randy đã tìm thấy mẹ?”, bà đau khổ bức xúc. Kể từ khi đó, bà H. đã khóa chặt lòng mình, từ chối bất kỳ cuộc phỏng vấn qua điện thoại nào.
Nhưng người thực sự bức xúc chính là Randy. Anh cho biết bà H. là người đầu tiên anh quyết định gặp gỡ trong vô vàn cuộc điện thoại tìm kiếm thông tin, không phải vì đây là xác suất trùng hợp thông tin cao nhất, mà là vì anh kính trọng sự dũng cảm và tấm lòng của bà. “Không phải ai cũng chịu đem đánh đổi hạnh phúc và sự yên ổn hiện tại của mình khi quyết định đứng ra thừa nhận một quá khứ như vậy. Chính vì vậy, tôi sẽ nổi giận và đã nổi giận khi thấy bà bị tổn thương”, Randy cho biết.
3. Áp lực của những thông tin không chính xác ấy hiển hiện rõ trong buổi lấy máu của bà D.T.H. để xét nghiệm ADN. So với buổi gặp gỡ đầu tiên, bà H. tiều tụy hẳn. Em gái bà cho biết mấy đêm nay bà không ngủ, hồi hộp căng thẳng. Trên chuyến xe buýt từ Trảng Bom lên Tp HCM, bà đã lịm đi, vì căng thẳng và mệt nhọc.
Hiểu được điều đó, trên đường đến văn phòng chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, Randy ra sức động viên bà. Anh liên tục kể chuyện vui để bà bớt căng thẳng, hỏi thăm quá trình làm thủ tục sang Mỹ để đoàn tụ với người con cả để bà bớt run rẩy. Khi bước vào cửa văn phòng, bà H. gần như đi không nổi, phải vịn vào em gái để bước đi. Sự dũng cảm của bà đã cạn kiệt trước áp lực quá lớn.
Quãng đường đưa bà H. tới bến xe buýt về nhà là cả một sự yên lặng dài. Trước khi chia tay, bà H. nắm chặt tay Randy, nhắc đi nhắc lại rằng khi nào có kết quả thì thông báo ngay cho bà. “Nếu đúng thì quá tốt, nhưng nếu không phải thì con vẫn có một người mẹ tinh thần là cô”, bà H. nói với Randy trước khi chia tay. Người đàn ông đã gần 40 tuổi tần ngần nhìn theo bóng dáng hai chị em bà H. khuất vào bến xe ngậm ngùi nói: Những người mẹ Việt thật tuyệt vời, dù họ có hay không phải là mẹ đẻ của mình.
Randy kể cho tôi nghe một bà mẹ khác tên là H. ở Huế mặc định nhận anh là con nuôi. Bà cứ đều đặn gửi quà cho anh, đôi khi chỉ là chút thực phẩm địa phương, anh không nhận là bà giận. Bà chăm sóc anh cứ như thể bù lại phần khuyết thiếu của một người phụ nữ đáng thương nào đó không thể chăm sóc con mình trong suốt những năm qua…
4. “Tuấn thương yêu. Cô cám ơn con đã cho cô toại nguyện. Dù cô không được làm mẹ ruột của con, nhưng đối với cô, lúc nào cô cũng xem con như con ruột của cô vậy. Những giây phút ngắn bên con cô cứ nghĩ như mình ôm con của mình vậy. Một kỷ niệm khó quên đối với cô. Tuấn thương yêu. Cô chúc con sớm tìm được mẹ ruột của mình. Hãy giữ vững niềm tin con nhé. Trên vạn nẻo đường con đừng quên lúc nào cũng có cô bên cạnh. Tạm biệt Randy. Cô bất hạnh”.
Đây là lá thư bà H. đã viết gửi Randy khi anh gọi điện thông báo kết quả thử ADN cho bà. Những hoài nghi, những chờ đợi và mong mỏi đã khép lại. Nhưng đây không phải là một kết cục buồn, khi những người trong cuộc đều bình thản đón nhận. Chúng tôi hẹn bà
H. trước khi Randy quay lại Mỹ sẽ xuống nhà bà dùng cơm, để Randy sẽ trực tiếp hát cho bà nghe, những bài hát mà bao nhiêu năm nay bà vẫn cứ bật đi bật lại: “Sau cuộc chiến cha bỏ mẹ ra đi. Mẹ thường bi quan đau khổ ngậm ngùi. Đêm trắng đêm ôm con mẹ khóc. Cha vô tình quên hết rồi sao?”.
(Nguồn: An Ninh Thế Giới)