Hoạt động
Khát khao một lần được gọi tiếng cha
Ngày đăng: 18/09/2008 | Lượt xem: 1291
Cuộc đoàn tụ không nhiều nước mắt của người con trai suốt 33 năm qua chỉ biết mặt cha mình qua tấm ảnh đã ố vàng mà ba mẹ anh đã chụp chung khi ba anh tham gia chiến đấu tại vùng đất Kiên Giang. Với tuổi thơ gắn liền với sự yêu thương, chăm sóc của mẹ, của dì, của những người hàng xóm nhưng luôn thiếu vắng hơi ấm của cha. Cuộc sống của người con trai luôn có một khoảng lặng, khoảng lặng chờ đợi một ngày lớn hơn sẽ đi tìm cha.
Mong tìm được nguồn cội
Năm 1975, một cậu bé chào đời khi cha vừa chuyển công tác sang địa bàn khác hoạt động, sau đó cha cậu sang Campuchia để hoạt động rồi trở về quê ở Thái Bình mà không kịp đưa vợ con đi cùng thế là mất liên lạc với nhau từ đó. 33 năm sau, một lá thư đăng ký tìm cha được anh Nguyễn Thanh Tùng gửi đến Chương trình với một chút thông tin về quê quán, đơn vị của cha ngày xưa với hy vọng biết được cội nguồn của mình.
Ông Vũ Minh Châu và bà Phan thị Tím hồi còn trẻ |
Mẹ anh Tùng cũng không kể gì cho anh về bố của mình cả. Nghe dì và hàng xóm kể lại Trước khi sinh anh Tùng, mẹ anh, cô Phan Thị Tím đã lấy chồng từ năm 20 tuổi. Không lâu sau chồng bà hy sinh để lại bà và 2 đứa con, khi đó cô Tím mới 24 tuổi nén đau thương đưa 2 con nhỏ về ở với mẹ ruột rồi xin vào may quân trang cho Cách mạng. Rồi sau đó mới quen biết với ba anh tên là Vũ Minh Châu, quê ở Thái Bình là bộ đội miền Bắc vào Nam chiến đấu. Câu chuyện về cha của anh chỉ có thế.
Cô Phan Thị Tím ở Ấp 5, Vĩnh Hưng Hòa Bắc, Huyện Gò Quao, Kiên Giang |
Những thông tin mà anh biết được là nhờ dì Tám , một người em của mẹ và một vài người quen của gia đình kể lại. Rồi đến khi anh Tùng lập gia đình thì câu chuyện về cha cũng còn là một điều gì đó quá xa xôi với anh. Anh cũng không dám hỏi nhiều vì sợ mẹ sẽ buồn. Và cứ thế 33 năm trôi qua, điều đó cứ ray rứt mãi trong anh cho đến khi xem Chương trình NCHCCCL, nhìn thấy những cuộc đoàn tụ của Chương trình anh lại khao khát một lần được như thế.
Anh Tùng và đứa con trai đầu lòng |
Thế nhưng vẫn có điều gì đó lo lắng trong anh, dù muốn tìm gặp lạ người có ơn sinh thành ra mình nhưng trong anh vẫn còn nhiều trăn trở, không biết lúc gặp lại có thực sự như mình mong đợi hay không nên lần lữa mãi anh mới gửi thư về cho Chương trình vào đầu năm 2008
Câu chuyện của một anh bộ đội mang tình yêu với cả 2 vùng đất
Chú Vũ Minh Châu sinh năm 1937, quê ở Thái Bình, từ những năm 60 đã xa nhà tham gia chiến đấu. Đến năm 1964 trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam chú Châu được về phép thăm gia đình một tháng. Trước khi lên đường chú đã xác định sẽ không có ngày trở về nên đã dặn vợ là cô Vũ Thị Tỵ không cần phải chờ đợi chú.
Năm 1972 đoàn bộ đội miền Bắc tham gia chiến đấu ở đơn vị Trung đoàn 20, thuộc Binh đoàn Cửu Long đóng quân tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc. Xa gia đình đi chiến đấu không mệt mỏi,sẵn sàng đi đến những nơi ác liệt nhất, khó khăn nhất để chiến đấu vì Tổ quốc. Cuộc chiến đấu ác liệt hằng ngày luôn phải đối mặt với bom đạn, bệnh tật, cái sống và cái chết… thế nhưng chưa một phút nào nghĩ cho bản thân mình. Thỉnh thoảng hình ảnh của người vợ nơi quê nhà cũng thoáng hiện lên trong tâm trí, nhưng cũng chẳng dám nghĩ cô ấy sẽ đợi mình trở về trong khi ngay cả bản thân cũng chẳng biết có còn được trở về quê hương nữa hay không. Đôi lần ngồi nghỉ ngơi, vuốt tay lên trán chợt thấy mái tóc của mình thưa dần, giật mình khi bản thân còn chưa kịp có một đứa con để thờ tự. Chợt thèm một đứa bé gọi mình bằng cha…
Bộ đội miền Bắc đóng quân tại đây được nhân dân rất tin yêu. Đặc biệt là chú Châu, nhắc đến chú, những người sống lâu năm tại địa phương đều nhớ cả. Hình ảnh một anh bộ đội cụ Hồ hiền lành, vui tính, rất yêu quý trẻ con lại hay giúp đỡ mọi người nên được người dân địa phương rất yêu quý. Một mối tình được nảy nở trên mảnh đất bom đạn giữ anh bộ đội hiền lành và người phụ オンライン カジノ nữ đã có hai con. Chú Châu đã đi thêm bước nữa không chỉ vì tình yêu với cô Tím mà còn với cả hai đứa con riêng của cô nữa. Và kết quả tình yêu của hai người chính là anh Tùng, niềm an ủi cuối cùng nếu như một ngày chú không trở về được nữa.
Thế nhưng chưa kịp biết đó là con trai hay con gái chú Châu lại lên đường xuống Cà Mau nhận nhiệm vụ mới. Khi đó chú Châu cũng có ý định đưa cô Tím theo nhưng má Mười, mẹ cô Tím muốn chú tập trung lo chiến đấu nên nói chú cứ đi khi nào ổn định thì quay lại đón mẹ con cô Tím cũng được. Ở Cà Mau không bao lâu chú lại lên đường sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế.
Vùng quê Thái Bình, nơi chú Châu đang sinh sống và những người bà con của chú |
Đến cuối năm 1976, chú được giải ngũ trở về. Cuộc trở về trong im lặng, không trống kèn, không người đưa đón. Lại một cuộc hành quân trở về quê nhà sau 15 năm chiến đấu. Cuộc trở về cũng lắm gian nan, phải đi nhờ những chiếc xe dọc đường để về được đến huyện rồi lại đi bộ về xã, về nhà. Trở về quê nhà với hai bàn tay trắng, đứa con trai mà chú chưa kịp biết bây giờ đã được 13 tuổi. Người đàn ông 39 tuổi lần đầu tiên được gọi tiếng cha trong sự ngỡ ngàng và hạnh phúc. Cô Tỵ vợ chú Châu suốt thời gian qua vẫn ở vậy, chăm sóc ba mẹ chồng và đứa con trai.
Mảnh đất anh hùng bị chiến tranh tàn phá dữ dội, đất đai bạc màu, nghèo khổ vây lấy những người dân trên vùng đất này. Chú Châu cùng vợ con bắt tay vào làm kinh tế. Mỗi ngày, thức giấc từ mờ sáng ra đồng làm ruộng, đứa con nhỏ cũng đã biết phụ giúp gia đình.Thời gian trôi đi, bây giờ chú Châu đã có 3 đứa con, cuộc sống gia đình cũng đỡ khó khăn hơn một chút. Người đàn ông 70 tuổi, vẫn làm những công việc hàng ngày như khi mới trở về và cũng chưa lúc nào quên cô Tím và người con chưa kịp biết mặt của mình. Cũng nhiều lần chú muốn tìm họ lắm chứ nhưng…Năm xưa, những ngày đi chiến đấu, di chuyển nơi đóng quân thường xuyên nên chú chẳng biết được nơi đó là ở đâu ngoài cái địa danh Kiên Giang. Rồi điều kiện kinh tế gia đình cũng không đủ khả năng để đi vào và tìm lại nơi đóng quân ngày xưa của mình nữa. Thương và trăn trở lắm chứ nhưng chú cũng chỉ biết hy vọng gia đình thứ hai của mình vẫn sống tốt.
Câu chuyện của 33 năm sau
Ngày chú Châu được đoàn tụ với cái gia đình thứ hai của mình là ngày mà chú đã trông đợi từ rất lâu. Đặc biệt hơn cả, đó là sự ủng hộ của cô Tỵ và 3 người con. Tất cả đều vui mừng chào đón gia đình thứ hai này. Cô Tỵ có thêm một đứa con trai, một đứa cháu nội. Gia đình lại có thêm thành viên mới, tình cảm được chia xẻ và cảm thông. Chú Châu nghẹn ngào ôm lấy người con trai không còn bé bỏng gì nữa. Anh cũng như 3 người con của chú cũng đã có một gia đình riêng và đặt biệt đứa cháu nội dù chỉ biết ông nội qua ảnh nhưng vẫn luôn yêu quý ông. Trong mắt một đứa bé 5 tuổi, ông nội là một điều gì đó thiêng liêng, một món quà ngoài sự mong đợi. Một chút gì trách giận nơi anh Tùng cũng đã tan biến đi. Không đầy nước mắt nhưng tình cha con vẫn luôn thiêng liêng như thế.
Bà Tím, ông Châu bế cháu nhỏ, anh Tùng trong ngày đoàn viên |
Người cha lại được trở về thăm lại nơi chiến đấu ngày xưa và thăm lại một vài người đồng đội, đồng hương vì yêu quý nhân dân vùng này và họ đã ở lại, chọn nơi đây là quê hương của mình. Một quê hương sinh ra và một quê hương mà họ muốn nằm lại để trả ơn cho những người dân đã cùng chiến đấu, bảo vệ họ trong thời gian chiến đấu ác liệt nhất.
Cu Tý ao ước được gặp ông nội bấy lâu, nay đã thành hiện thực |
Cuộc chiến khép lại, để lại một cuộc chia ly do chiến tranh, nhưng 33 năm sau gặp lại, những con người đã thay đổi theo thời gian nhưng tình cảm giành cho nhau luôn tràn đầy như thế. Cả gia đình 3 thế hệ đã được đoàn tụ trong sự chúc mừng của khán giả xem truyền hình và cả những người hàng xóm láng giềng của hai gia đình tại hai vùng đất.
Bà Vũ Thị Tỵ và các người con ở quê đã rất vui mừng khi nghe tin về gia đình cô Tím |