Hoạt động

Người đẹp Hungary và hành trình 30 năm tìm người cha Việt: Kỳ 2

Ngày đăng: 11/11/2007 | Lượt xem: 2194

Kỳ 2: Hạnh phúc và nước mắt

30 năm là quãng thời gian đủ để vơi đi nỗi đau nhưng không làm nguôi đi nỗi nhớ. Quyết tâm tìm người cha Việt của Hajnál đã nhận được sự cổ vũ và giúp đỡ vô cùng lớn của Peter, chồng cô. Bằng tất cả mọi cách, vượt qua rất nhiều trở ngại, chỉ với 1 tấm ảnh 4×6 trên tay cùng cái tên của người cha vẫn không thể đánh vần chính xác nổi, cô đã lên đường tìm cha. Lời căn dặn của và mẹ “học giỏi để đi tìm cha”, lời hứa sẽ giúp vợ tìm được cha trước lúc cầu hôn, sự tận tâm và nhiệt tình của những lưu học sinh Việt Nam tại Rumania và Hungary… đã giúp Hajnál đến được cái đích cuối cùng trong cuộc hành trình bắt đầu từ năm 2001 kéo dài tới tận đầu năm 2006…

“Tất cả mọi người đều có trái tim!”

Đó là một trong vô vàn lời động viên của Peter, nhưng lại là câu nói khiến cô cảm động, được sẻ chia nhất và giúp cô lấy lại lòng tự tin nhất khi Hajnál lưỡng lự đứng trước quyết định có nên về Việt Nam tìm bố hay không. Vô vàn khả năng xảy ra khiến cô sợ hãi: sợ bị từ chối, sợ cuộc sống của bố cô sẽ bị ảnh hưởng và đảo lộn khi sự thật được công bố, sợ một kết cục không tốt đẹp sẽ xảy đến với mình khi bị hắt hủi… Ngay từ khi mới yêu nhau, Peter đã luôn động viên Hajnál phải tìm được bố, và anh hứa sẽ luôn sát cánh bên cô trong những chuyến đi. Năm 2001, họ thành hôn, và món quà Peter tặng Hajnál sau lễ cưới là đôi vé đi tuần trăng mật tại Việt Nam. Không hy vọng lắm về kết quả trong chuyến đi này, nhưng Peter mong rằng tuần trăng mật tại Việt Nam sẽ giúp Hajnál hiểu rõ hơn về đất nước, con người và phong tục nơi đây, giúp cô tìm được sự tự tin và cách ứng xử hợp lý trong những chuyến sang lần sau. Nhưng sự kiện ngày 9/11 xảy ra đã đảo lộn mọi kế hoạch. Hai vợ chồng buộc phải hoãn chuyến đi về Việt Nam. Cuối năm đó, Hajnál mang thai đứa con đầu lòng, và kế hoạch phải dời lại.

Sinh đứa con thứ 2, rồi làm nhà… những việc đại sự ấy cuốn 2 vợ chồng mất 3 năm trời, cho dù họ đã từng đặt chân tới Bắc Kinh và chuẩn bị mua vé sang Việt Nam, rồi cũng phải hoãn lại. Nhưng trong quãng thời gian ấy, Peter không bỏ phí thời gian vô ích. Thông qua công việc của mình là giám đốc chi nhánh của một công ty Hungary tại Đức, Peter đã liên hệ với một nhà báo Hungary, qua đó làm quen được với 2 người bạn Việt Nam. Những thông tin từ hai người bạn này đã giúp hai vợ chồng tự tin vào hy vọng tìm kiếm rất nhiều, và họ càng củng cố quyết tâm sớm đến Việt Nam được chừng nào hay chừng đó. Judit cũng nhiệt tình giúp con gái bằng cách liên hệ với những lưu học sinh Việt Nam tại Hungary. Và đến cuối tháng 12/2005, hai vợ chồng Peter-Hajnál đã đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Trọng tâm khoanh vùng của họ là những lưu học sinh Việt Nam đã từng học tập tại Rumania trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1976. Tất cả những gì có trong tay Hajnál chỉ là một tấm ảnh đen trắng cũ kỹ và cái tên phiên âm sai và thiếu thành Lê Việt. Một lưu học sinh thời đó nhớ mang máng là có một người tên giống như vậy quê ở Thanh Hoá. 2 vợ chồng vào Thanh Hoá, ở đó tận 10 ngày để tìm thông tin nhưng không có kết quả, không biết rằng người cần tìm chỉ cách khách sạn họ ở tròm trèm có 2km.

Hai vợ chồng Hajnál tiếp tục đi tới nhiều tỉnh thành khác theo sự chỉ dẫn hay trí nhớ mang máng của những lưu học sinh ở Rumania, mỗi nơi họ đều ở lại 3 – 4 ngày để dò hỏi. Không có manh mối, 2 vợ chồng Hajnál lại quay trở lại Hà Nội, và theo một lời chỉ dẫn khác, họ bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Hội lưu học sinh Việt Nam từng học tại Rumania giúp cô tìm gặp được ông Trần Trọng Kim, người có khả năng biết rõ nhất về lứa học sinh du học những năm từ 1970 đến 1976. Hajnál đã hoàn toàn thất vọng khi ông Kim khẳng định không có ai tên là Lê Việt cả. Chỉ đến khi cô đưa tấm ảnh 4×6 cũ kỹ ra với hy vọng cuối cùng thì ông Kim nhận ra đó chính là người bạn học thân nhất của mình tại Rumania, Lê Viết Vứn. Ngay lập tức, ông Kim điện cho một người bạn tên là Hoàng Ngọc Hoa tại Hà Nội để nhờ giúp đỡ. Họ lại không hề hay biết rằng chính ông Hoa là anh trai của vợ ông Vứn hiện nay. Cẩn trọng trước một sự việc tuy đã biết rõ trong quá khứ nhưng quá đỗi bất ngờ và nhạy cảm trong thời điểm hiện tại, ông Hoa quyết định chưa nói rõ sự thật vội, và tìm cách đả thông tư tưởng các thành viên trong gia đình của em gái mình trước. Sau khi nhận được sự chấp thuận vui vẻ của cả gia đình ông Vứn, ông Hoa đã cho Hajnál số điện thoại nhà riêng của cha mình.

Ngay sau cuộc chuyện trò ngập trong nước mắt, hai vợ chồng Hajnál và Peter tạm biệt ông Kim và đặt vé bay ngay ra Hà Nội. Biết chuyện, Chi hội Việt Nam-Rumania đã tìm mọi cách giúp đỡ cô. Biết Hajnál chỉ nói được chút ít tiếng Anh và một chút ít tiếng Rumania, những thành viên tại Hà Nội đã liên lạc với Chi hội Việt Nam – Hungaria cắt cử một người vẫn còn thạo tiếng Hung để làm phiên dịch cho cô. 150 km trên đường từ Hà Nội vào Thanh Hoá là 150km liên tục tiếng chuông điện thoại đi động réo vang của những bạn bè ông Vứn năm xưa biết chuyện động viên cô an tâm, không nên quá căng thẳng. Thậm chí có người chu đáo tới mức sợ rằng nhỡ có chuyện tế nhị không hay xảy ra, thậm chí đề phòng cả chuyện gia đình bên kia phản đối và hành hung đã nhờ hẳn một vài người bạn công an túc trực để bảo vệ. Đích thân ông Trần Minh Thăng, giám đốc Điện lực Thanh Hóa, Chi hội trưởng Chi hội Việt Nam – Hungary tại Thanh Hoá thân chinh làm phiên dịch viên ra đón hai vợ chồng Hajnál rồi đưa về khách sạn. Cảm giác sợ hãi làm phiền và tổn thương gia đình hiện nay của cha đã khiến Hajnál không đủ dũng cảm để về thẳng nhà ông Vứn. Cô quyết định chọn phương án ở khách sạn, để tránh những chuyện tế nhị có thể xảy ra, xen lẫn một cảm giác lo sợ mơ hồ khi phải đối diện với người vợ chính thức của cha mình.

Hajinál (thứ 4 từ trái sang) cùng với gia đình thứ hai của mình.


30 năm và 2 tiếng 15 phút

Hajnál và chồng cô đều không thể ngờ rằng chuyện cô hiện hữu trên cõi đời này lại là điều cả gia đình ông Vứn đều biết rõ. Cả đêm sau cuộc trò chuyện qua điện thoại, ông Vứn không ngủ được, và vợ ông cùng thức trắng đêm với ông để chuẩn bị đón cô con gái cả một cách tươm tất. 8 giờ tối, khi chuông điện thoại reo vang báo tin Hajnál đã tới Thanh Hóa, đại gia đình lên xe tới nơi cô ở. Và khi hai cha con gặp nhau, tất thảy mọi người đều bật khóc, có người vừa cười hạnh phúc mà nước mắt cứ lăn dài trên má. Có rất ít ngôn từ được thốt ra, chủ yếu vẫn là nước mắt. Những cô gái em cùng cha khác mẹ của Hajnál cũng ôm lấy chị khóc ngon lành. Và điều tuyệt vời hơn nữa, bà Lan, người vợ sau này của ông Vứn cũng ôm lấy cô mà khóc, luôn miệng gọi cô là con gái! Bên cạnh người mẹ Judit tuyệt vời của mình, Hajnál đã có thêm một người phụ nữ Việt Nam nhân hậu vị tha mà cô gọi là người mẹ thứ hai.

“Con đã rất sung sướng và hạnh phúc khi nhận thấy rằng, thật tuyệt vời là với sự giúp đỡ của rất nhiều người không quen biết, con đã tìm thấy bố. Con thật sự biết ơn về những điều con nhận được từ bố, từ mẹ Lan và các em. Điều làm con cực kỳ hạnh phúc là là bố, mẹ Lan và các em đều biết là bố có con, và cho dù còn xa lạ nhưng con đã là một phần quá khứ của bố, của gia đình. Con đã rất vui khi thấy gia đình bố mẹ sống hạnh phúc, chan hoà, vui vẻ. Con rất sung sướng và hạnh phúc khi cảm thấy mình cũng là một phần trong gia đình đó. Cuộc hội ngộ của con với gia đình bố mẹ đã làm cho con hiểu rằng vì sao con lại khác với những người quanh con, với mẹ đẻ của con và vì sao con lại như bây giờ! Con cảm ơn số phận, cảm ơn bố mẹ đã tặng cho con một gia đình mới!”. Có lẽ những dòng thư này mới diễn tả được chính xác nhất cảm xúc của Hajnál khi rốt cuộc cô đã tìm được người cha của mình, trong một cuộc hội ngộ mà dường như là sự trớ trêu cuối cùng mà tạo hóa muốn thử thách trong hành trình tìm gặp người cha mình: cô và chồng chỉ có đúng hơn 2 tiếng đồng hồ ở bên cạnh cha, vì đó cũng là ngày cuối cùng Visa của cô tại Việt Nam hết hạn.

Người đàn ông duy nhất lẳng lặng đứng bên ngoài tất thảy những sự bịn rịn gặp gỡ và chia xa lại chính là Peter. Anh đứng từ xa ngắm vợ mình hết khóc rồi lại cười, hạnh phúc khi rốt cuộc lời hứa đối với người phụ nữ của anh đã được thực thi trọn vẹn sau biết bao nỗ lực. “Cảm ơn bố đã cho con một người vợ tuyệt vời. Cô ấy là ngôi sao sáng của con! Con vui mừng vì thấy gia đình bố đầm ấm hạnh phúc. Vui mừng hơn nữa là chúng con cũng góp phần trong mái ấm này. Các em gái cũng rất xinh đẹp giống vợ con, nhất là đôi mắt Việt Nam, dịu dàng và trong sáng. Con rất cảm ở bố, chúc bố khoẻ mạnh và hạnh phúc”. Trong sự đoàn tụ sau 30 năm này, công sức của Peter là vô cùng lớn. Có thể nói nếu không có sự sẻ chia tuyệt vời của Peter, không có sự động viên không biết mệt mỏi của anh, không có sự giúp đỡ chan chứa sự thấu hiểu và đồng cảm của anh, hành trình tìm lại người cha của Hajnál không biết đến bao giờ mới thành sự thật.

Sau khi trở về Hungary, tháng 3/2006, Peter đã trở lại Việt Nam một lần nữa. Bên cạnh việc hỏi thăm gia đình, nguyện vọng lớn nhất của anh là thay mặt Hajnál được đón ông Vứn sang Hungary đoàn viên với bà Judit và thăm 2 đứa cháu ngoại. Nhưng cho đến tận tháng 6, chuyến đi đoàn tụ sang Hungary của ông Vứn đã không trở thành sự thật bởi thủ tục xuất cảnh có nhiều phức tạp. Để khắc phục chuyện đáng tiếc ấy, cuối năm nay hai vợ chồng Hajnál lại về Việt Nam để thăm ông, thắp lên một cái kết cục có hậu cho một câu chuyện tình nhiều nước mắt hơn nụ cười trong suốt dằng dặc 30 năm trời.

Việt Đông (CAND)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *