Hoạt động
Những câu chuyện Như chưa hề có cuộc chia ly… số 06
Ngày đăng: 10/11/2007 | Lượt xem: 2364
Như chưa hề có cuộc chia ly… số 06 đã diễn ra tại trường quay S8 tối ngày 3.5.2008. Chương trình cũng đã được truyền hình trực tiếp trên VTV1. Hơn 20 người đăng ký tìm kiếm người thân được mời đến chương trình. Có những người đến lần đầu, có người đây là lần thứ hai. Có bốn anh, chị cựu Thanh niên Xung phong cũng đã lên Chương trình để thông báo tìm người thân, họ nhận ra nhau sau hơn 20 năm xa cách…
Niềm vui lớn nhất của chúng tôi khi bắt đầu mỗi chương trình trực tiếp Như chưa hề có cuộc chia ly… là chương trình được đông đảo khán giả theo dõi. Vì, càng có nhiều người xem, thì càng có nhiều cơ hội người thân nhận ra người thân ngay trên sóng truyền hình.
Có khi đăng ký tìm một người thân, thì lại đựoc gặp lại nhiều người quen, bạn bè, người nhà khác nữa. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh Mai – trong số 01 chị đến với chương trình để nói lên tâm nguyện tìm lại bố mẹ của mình. Đến số thứ 04, khi chị đang xem chương trình ở nhà, chị Mai nhận ra hai người bạn thân, chị Phạm Thị Lời và anh Hoàng Minh Phúc – chồng chị Lời.
Nhà báo Thu Uyên trò chuyện cùng chị Lời, anh Phúc và chị Mai |
Trong chương trình này họ được mời đến. Họ đã tâm sự với chương trình những kỷ niệm cũ.
Anh Phúc cho biết “Tôi đi Thanh niên xung phong ở một nông trường. Rồi có đợt được cử đi đón tốp thanh niên mới đến, đó là 21 cô gái từ trại trẻ em Thủ Đức lên trong đó có Lời và Mai đây.”
Hai cô gái ấy cùng lạc người thân của mình khi còn chưa nhận thức được gì nhiều.
Chương trình đã giúp chị Lời tìm được chị Lạc, anh Những, … trong số 04. Tại thời điểm đó, chị vẫn còn cần tìm người em gái đã được mẹ cùng dẫn theo lúc đi thăm người bà con và lạc (do mẹ mất trên đường đi). Người em ấy tên Phụng.
Rồi nhà báo Thu Uyên cùng họ xem bản đồ để biết nơi họ đóng quân ngày trước, liền kề với một địa điểm diễn ra câu chuyện tiếp theo của Chương trình. Đây là câu chuyện tại buôn Tà Mô, xã Lộc Nam, Bảo Lâm, Lâm Đồng.
Người được phóng sự nhắc đến là một người phụ nữ mang cái tên Ka Hin Biêu. Chị là con dâu của một gia đình người dân tộc K’Ho có công với cách mạng.
Gia đình chị Ka Hin Biêu (chị Ka Hin áo vàng – ngoài cùng bên trái) |
Gia đình chị Ka Hin những ngày gần đây được nhiều người ghé đến hỏi thăm nhiều, họ đến để nghe chị Ka Hin kể câu chuyện của cuộc đời chị, và để chúc cho chuyến đi xa tới đây của chị được thượng lộ bình an và …
Chị Lời như hiểu được điều gì đó, khi thoáng nhìn thấy ảnh của chị Ka Hin Biêu trên màn hình tại trường quay.
Tiếng con gái lớn của chị Ka Hin kể tiếp trong phóng sự: “Lúc đó con và mẹ và hai em đang coi tivi. Con vào bếp, con đang cãi nhau với em con ấy. Con xuống bếp thì hai em con cứ la lên: Đây là chị của mẹ này, chị của mẹ này. Con coi… Mẹ con thì xỉu luôn, mẹ nằm ngay giường xếp đó. Con coi rồi con ghi số điện thoại.”
Đó là số 08.2647777.
“Lúc đó” là lúc chương trình số 4 đang phát đi câu chuyện của chị Lời, có nhắc đến cái tên Phụng.
Tại trường quay, chị Lời chưa hết ngỡ ngàng.
Chị Ka Hin kể tiếp trong phóng sự: “Lúc đầu thì nhớ về mẹ, mẹ dắt hai chị em đi lên con tàu, lúc đó nghe nói là tàu thủy. Mẹ nói, bây giờ mẹ dắt hai con đi tìm chị họ là Trần Thị Nhẫn. Lúc đó đi tìm, không có gặp chị. Mà lúc đi trên đường mẹ bị bệnh, đưa vô bệnh viện, nhà thương Hồng Bàng. Lúc đó mẹ bệnh nặng quá nên qua đời.Mấy bác sĩ trong bệnh viện đưa hai chị em vô gửi nhà trẻ mồ côi ở Thủ Đức.Mấy hôm sau có một bà và một ông vào xin con nuôi. Chị nói là thôi bây giờ để em đi, rồi cuối năm em quay lại thăm chị. Chị có dặn: thôi em đi, đừng nghịch ngợm, nghe lời người ta không bị đánh. Nhớ mãi cái câu đó”
Sau này chị được đổi tên là Ka Hin. Cuộc đời đã bù đắp cho chị khi chị gặp anh K’ Biêu, và được gia đình nhà chồng thương hơn con đẻ.
Tại trường quay, Nhà Báo Thu Uyên đã từ từ dẫn chị Phụng ra.
Chị Lời đón em mình – chị Phụng | Chị Lạc cũng bất ngờ đến trường quay |
Vậy là 27 năm, hai chị em sống ở hai huyện giáp ranh nhau, mà không biết!
Vậy là chị Lời đã tìm được tất cả người thân của mình. Còn chị Mai … |
Cõ lẽ, không chỉ trường quay S8 hôm đó có những giọt nước mắt xúc động cho tình cảm của hai chị em mà là tất cả khán giả đang theo dõi chương trình.
Chị Mai buồn, “Tôi thất lạc gia đình lúc khoảng 5 tuổi, vào năm 1974 hay 75. Mẹ tôi chở tôi và em tôi đến nhà bà và để lại đó. Vài ngày sau, tôi tự ý đi mua kẹo dừa và bị lạc, tôi đi mãi không tìm được đường về nhà, mấy chú công an quận 1 đường Yersin đã bỏ tôi lên xe chở về đồn. Đặc điểm nhận dạng là hồi bé tôi có mụt ruồi ngay trên mũi. Giờ tồi dã có gia đình hạnh phúc và hai con, tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó tìm được gia đình! Ước một lần xóa đi quá khứ mồ côi!”
Hy vọng đâu đó có ai xem chương trình và giúp được chi Mai tìm lại được gia đình: Câu chuyện Thanh Mai đi lạc từ lúc 5 tuổi, năm 1975
Những khách mời tại trường quay cũng nói lên mong muốn của họ.
Lê Thanh Tấn tìm mẹ và em gái | Mẹ Trần Thị Hồng Châu tìm con Thái Trần Hồng Lâm | Doãn Thị Thúy tìm em gái Doãn Thị Mai |
Câu chuyện tiếp, một người cũng đã đến với chương trình trong cùng số 04 với chị Lời. Đó là anh Hùng, người đi tìm bà ngoại của mình đã bỏ nhà đi khi anh không có bên bà.
Kết thúc không có hậu như câu chuyện của chị Lời, chị Phụng, nhưng anh cũng đã quyết định chia sẻ với mọi người thông qua chương trình, với hy vọng mọi người sẽ sống nhân ái với nhau hơn.
Ảnh bà Cao thị Cúc lúc còn ở gia đình | Anh Hùng cùng xem lại phóng sự về bà ngoại mình |
Bà Cúc sống cùng gia đình đã cưu mang mình | Bà Cúc chăm sóc bà cụ trong gia đình đã từng cưu mang mình |
Năm 2004, bà ngoại anh Hùng bỏ nhà đi khi đã 82 tuổi vì buồn chuyện chồng con trong gia đình, sống không quan tâm nhau. Khi bà Cúc bỏ đi không ai hay, ngay cả anh Hùng, vì trước lúc đó anh đã phải ra ngoài sống vì không chịu nổi cách sống của mẹ mình, của ông ngoại… Hàng ngày anh vẫn ghé về thăm bà ngoại, lo cho bà. Nhưng rồi bà ngoại cũng bỏ đi…
Anh Hùng đi tìm nhiều nơi không thấy, anh đến nhờ chương trình vào những ngày dương lịch cuối năm 2007. Thông tin của anh đã được chương trình phát đi. Nhiều người đã gọi điện về chương trình cung cấp thông tin về bà ngoại anh Hùng, nhưng hầu hết là không đúng.
Rồi một ngày, một thông tin được chuyển đến, không ai muốn tin là sự thật – bởi sự thật ấy quá cay nghiệt với một người hiền hậu như bà ngoại của anh Hùng, bà Cao Thị Cúc.
Bà mất trên một chiếc ghế đá ngoài công viên dưới Châu Đốc – An Giang.
Nghẹn ngào, hơi thở lùa lên cổ họng, anh đứng bên mộ bà, “Tôi muốn làm theo điều mà ngoại từng thủ thỉ – khi ngoại mất, hãy trải tro ngoại xuống sông Sài Gòn. Ngoại là người phụ nữ của gia đình, hiền lành, nhẫn nhịn, công dung ngôn hạnh. Vậy mà ngoại lại thầm chọn sự ra đi, trôi đi, tan đi…”
Câu chuyện kết thúc, để lại một lời cảnh tỉnh cho không ít người, bởi lẽ ngoài đường kia vẫn có những người già lang thang. Chả lẽ, hết thảy, họ vô gia cư không còn ai thân thiết trên đời?
Chương trình cũng đã phát đi 9 thông báo tìm kiếm khác, hy vọng nhiều người sẽ nhận ra được ai đó quen qua những tấm ảnh cũ chạy trên khung hình, qua những câu chuyện chia ly.
Hai thông báo tìm kiếm khác được kể trực tiếp ngay tại trường quay.
Gia đình bác Nguyễn Thị Điểm và bác Nguyễn Ngọc Bách lạc một người con vào tháng 3 năm 1975 tại bến tàu làng Chụt, Nha Trang khi đi sơ tán. Gia đình lúc đó có bốn người con là Lễ, Hằng, Châu và Đức. Bác Điểm đang mang thai người thứ năm. Lên tàu đi từ Đà Nẵng mất 3 ngày đêm mới cập bến. Người cô ruột đưa Châu, lúc đó 5 tuổi lên bờ, rồi quay xuống đón những người khác. Khi quay lên, Châu đã biến mất. Sau khi bình tâm trở lại, ba má đã đi tìm Châu bằng mọi cách, suốt 33 năm qua.
Ngọc Bách – đứng giữa cùng bà và các anh chị |
Như nhà báo Thu Uyên đã nói “Khi một trẻ nhỏ thất lạc thường may mắn được nhận làm con nuôi, thì cũng thường được thay tên đổi họ. Nếu chỉ nhắc đến cái tên thì có lẽ khó mà tìm được. Nhưng từ trong sâu thẳm chắc vẫn còn lưu một số mảnh ký ức”
Anh Lễ, anh trai của Châu có đọc lên một bài vè khá dài, anh nói hồi đó Châu rất thuộc bài vè này.
Sớm mai, ăn bụng cơm cho no
Em xách cái rựa lên gò
Đốn một cây trúc
Đem về phân khúc
Uốn cái cần dài
Đem thép ra mài
Đêm khuya tọ mọ
Se sợi nhợ xoăn
Cột chắc vô cần
Móc mồi thơm phức
Đem ra ngoài vực
Lựa chỗ mà ngồi
Thả câu xuống rồi
Miệng em thầm vái
…
Gia đình bác Bách đang tâm sự những kỷ niệm về anh Ngọc Châu
|
Liệu giờ đây, sau 33 năm, anh Châu có còn nhớ những câu vè này chăng?
Cũng là về trẻ em bị lạc – Một người đi tìm lại gia đình là anh Phạm Văn Hải.
Anh Hải: “Tôi bị thất lạc gia đình năm 75, nhưng không rõ mình quê quán ở đâu, chỉ nhớ là hồi đó nói tiếng Quảng. Hiện tôi sống ở quê ba má nuôi, ở huyện Tuy Hòa, tỉnh Khánh Hòa.”
Cách Trường quay chính bức tường, anh Hải ngồi kể lại những mảnh ký ức nhỏ nhoi còn sót lại sau hàng chục năm lưu lạc.
Anh Hải: “Tôi không nhớ tên ba má cũng không nhớ. Chỉ nhớ tên anh cả là Lễ nhưng không nhớ họ, chị gái là Hằng, còn một em nhỏ hơn là Đức, còn toi tên là Châu. Vì gọi tên nhau nên nhớ. Hồi đó gọi má gọi ba thôi, nên khi thất lạc không nhớ được tên ba tên má nữa. Tôi nhớ hồi nhỏ bốn anh em chơi đùa với nhau, ba mua cho một chiếc xe đạp nhựa 3 bánh, ba nói, chỉ thằng Châu thằng Đức đuợc đi thôi. Sáng Chủ nhật, má hay dẫn đi nhà thờ. Tôi còn nhớ hồi đó tôi chưa được đi học, vì mới 5 tuổi, nhưng có lần được theo chị Hằng đến lớp, tôi nhớ mãi…
Tại sân khấu chính, gia đình bác Bách đang ngờ ngợ điều gì ấy. Những cái tên anh Hải nói đó là tên của họ. Họ cũng đang lục lại trong trí nhớ của mình xem có những kỷ niệm mà anh Hải nhắc đến hay không…
Màn hình có lẽ quá nhỏ không đủ để họ nhìn rõ mặt anh Hải. MC Hồng Phúc đã dẫn anh Hải vào sân khấu chính.
Mặt đối mặt, sự ngỡ ngàng không lâu, bởi lẽ khuôn mặt anh Hải vẫn còn có nhiều nét giống bà nội, giống anh em trong nhà. Cả gia đình khóc lên trong hạnh phúc. Cuộc đoàn tụ sau 33 năm.
Cả gia đình bất ngờ khi gặp lại anh NGọc Châu – vẫn còn nhớ được nhiều kỷ niệm khi mới 5 tuổi |
Các con anh Hải giờ đây đã gặp được nội |
Anh Hải dẫn lên theo hai đứa con nhỏ và vợ mình, hai đứa cháu lần đầu tiên gặp nội, chúng được nội ôm vào lòng. Những ánh mắt trìu mến, và hạnh phúc ngỡ như sự chia ly chưa xảy ra với họ bao giờ.
Anh Hải đọc tiếp những câu vè mà anh vẫn khắc tâm suốt 33 năm qua…
…
Đọc câu nhơn câu ngãi
Câu phải câu không
Xin cho các đẳng âm hồn
Đuổi con cá đẹp
Chạy dồn ăn câu
Con cá không ăn câu
Là con cá dại
Em xách cái cần về
Em nghĩ lại con cá khôn.
Nếu như, bạn chưa chứng kiến những câu chuyện cảm động này, hãy bật tivi lên vào lúc 14h ngày thứ 7, mùng 10 tháng 5, chương trình sẽ được phát lại trên VTV1.