Báo chí

Kỳ 2: Chân dung kẻ lừa tiền

Ngày đăng: 10/08/2010 | Lượt xem: 1401

Nguyễn Tiến Triển chỉ làm báo trong vòng một tháng vào năm 1998, nhưng cố tình dán “mác” nhà báo từ đó đến nay để lừa gạt nhiều người.

Nguyễn Tiến Triển (phải) trong một hội chợ năm 2005 tại Campuchia - Ảnh do một nạn nhân của Triển cung cấp

Nguyễn Tiến Triển (phải) trong một hội chợ năm 2005 tại Campuchia – Ảnh do một nạn nhân của Triển cung cấp

>>> Kỳ 1: Trục lợi từ nỗi đau chia ly

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hun Virek, phó cục trưởng Cục Báo chí và phát thanh truyền hình – Bộ Thông tin Campuchia, khẳng định tờ báo Bình Minh mà Nguyễn Tiến Triển công tác đã bị đình bản từ năm 1998, và Nguyễn Tiến Triển hiện không phải là phóng viên Ban Việt ngữ Bộ Thông Tin – Campuchia như tự nhận.

Ông Virek cho biết báo Bình Minh thực tế chỉ phát hành được bốn số trong khoảng một tháng và bị ngưng trệ, sau đó bị rút giấy phép vì thiếu kinh phí hoạt động.

Chỉ làm báo được một tháng

Sự lôm côm của tờ báo này thể hiện ngay ở việc tờ báo chỉ có duy nhất một phóng viên và đó chính là Nguyễn Tiến Triển nhưng nhiệm vụ chính của Triển lúc đó, theo lời ông Oung Simeng (biên dịch của tờ Bình Minh), chủ yếu là đi lấy quảng cáo. Điều này cũng dễ hiểu bởi Nguyễn Tiến Triển vốn không hề có trình độ gì về báo chí và chỉ mới từ VN qua Campuchia trước khi tờ Bình Minh ra đời chưa đến một năm.

Anh Trần Anh Tuấn, một Việt kiều là giám đốc Công ty du lịch Việt – Cam Travel tại quận Bảy Tháng Giêng – Phnom Penh, nhớ lại: “Tờ Bình Minh lúc đó lập ra chủ yếu để lấy quảng cáo, còn thông tin chỉ toàn chép lại từ các báo khác. Vì thế dù là báo Việt ngữ nhưng bà con Việt kiều không ai đọc. Sau mấy số thì đuối luôn vì không đủ tiền in nữa”.

Cẩn trọng với việc đưa thông tin tìm kiếm người thân lên mạng

Tất cả những người có hoàn cảnh chia ly, đặc biệt là những người thất lạc con cái, thường tìm mọi cách để tìm kiếm người thân của mình.

Khi anh Nguyễn Minh Châu tìm đến chúng tôi năm 2008 và sau đó lập website đưa thông tin với số điện thoại và địa chỉ riêng, cá nhân tôi đã nghĩ đó là việc rất nguy hiểm. Bởi đây sẽ là cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng tống tiền. Và rõ ràng dự cảm của những người làm chương trình đã không sai khi kẻ xấu đã định lừa đảo, đòi tiền để cung cấp thông tin về trường hợp của anh Châu.

Chúng tôi đã viết bài cảnh báo sự việc anh Châu gặp phải để đưa lên website http://haylentieng.vn, nhưng không ngờ sau đó lại có thêm nhiều người khác bị lừa với chung một thủ đoạn. Những người này đều đưa thông tin của họ lên các trang web khác, từ đó kẻ lừa gạt mới tìm được, liên hệ. Còn nếu đến với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, mọi thông tin đều bảo mật cũng như việc tìm kiếm hoàn toàn miễn phí.

Tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ này cho báo Tuổi Trẻ vì tin tưởng sự góp sức của Tuổi Trẻ sẽ giúp các gia đình có hoàn cảnh tương tự khác cảnh giác với sự lợi dụng mất mát chia ly để trục lợi như anh Châu, anh Tuấn, anh Giàu, chị Mỹ Não… đã gặp phải.

Vất vưởng

Sau khi tờ báo Việt ngữ Bình Minh bị giải tán, Nguyễn Tiến Triển rơi vào tình trạng thất nghiệp. Triển có vợ con nhưng không có nhà cửa ổn định tại Phnom Penh. Thời gian đầu Triển lang thang tại khu Wat Phnom (Chùa Núi, trung tâm thủ đô Phnom Penh – PV), một khu vực tập trung nhiều kẻ du thủ du thực tại Phnom Penh, làm đủ nghề kiếm sống.

Cách đây khoảng ba năm, Nguyễn Tiến Triển theo phụ một người vốn là nhân viên của tờ Bình Minh, xuống Bavet (tỉnh Svay Rieng) làm thợ điện cho một số casino tại đây. Tuy nhiên, làm ăn được ít lâu thì người này hết vốn. Từ đầu năm 2010 đến nay, khi người kia chuyển lên cửa khẩu Poi Pet làm ăn thì Triển lại rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Ông Oung Simeng, nay là hướng dẫn viên du lịch, cho biết đầu năm 2010 khi dẫn khách vào tham quan casino Naga tại Phnom Penh, ông đã nhiều lần gặp Triển và vợ đứng chờ xin khách coupon (thẻ chơi bài miễn phí trị giá 5 USD) mà khách được tặng để chơi cầu may kiếm sống.

Những thông tin này có thể góp phần giải thích việc Nguyễn Tiến Triển liên tục mạo danh là nhà báo đến nhiều gia đình đang tìm người thân mất tích trong khoảng nửa đầu năm 2010, đúng lúc Triển đang rơi vào tình trạng thất nghiệp. Và có thể vì túng quẫn nên anh ta đã nghĩ ra những trò lừa đảo, trục lợi trên nỗi đau của nhiều gia đình người VN trong nước.

Ông Oung Simeng cho biết thêm khoảng ba tháng nay ông không còn thấy Triển ở casino Naga nữa. Đây cũng là thời điểm trùng khớp với lúc chân tướng về một “nhà báo”, “thiếu tá tình báo” của Nguyễn Tiến Triển bắt đầu bị lật tẩy sau khi anh ta ra giá với chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly trong vụ lừa tiền gia đình anh Nguyễn Minh Châu. Và có lẽ vì thế Triển không dám xuất hiện ở casino Naga vì sợ bị phát giác.

Vẫn tiếp tục lừa gạt

Sau những vụ lừa gạt bị phát hiện, những tưởng Nguyễn Tiến Tiển sẽ không dám giở lại chiêu cũ thì bất ngờ trong những ngày thực hiện bài viết này, phóng viên Tuổi Trẻ tiếp tục nhận được thông tin về những vụ lừa mới nhắm vào những gia đình tìm người thân mất tích với cùng thủ đoạn tương tự.

Hai trường hợp mới nhất là anh Đỗ Chí Hiếu tại Cà Mau tìm em gái bị thất lạc và chị Đồng Thị Thu Năm tìm anh trai bị mất tích khi vượt biên ra nước ngoài. Sau khi đưa thông tin lên một số website, anh Hiếu và chị Năm đều nhận được điện thoại từ số máy +855.979287… vào tối 13-7 của một người tự xưng Bình, là nhà báo tại Campuchia
.
Với chị Năm, Bình cho biết trong lần qua công tác tại Thái Lan đã gặp một người có hoàn cảnh giống y như anh trai chị Năm, vượt biên bị bắt lại và đang làm việc tại một cảng biển ở Thái Lan. Tuy nhiên, khi chị Năm yêu cầu gặp nhau tại cửa khẩu Mộc Bài thì Bình đưa ra lý do rất bận rộn “nhiều việc chính trị” nên chỉ trao đổi qua điện thoại rồi dẫn qua Thái Lan gặp luôn (?!).

Trong khi đó, anh Đỗ Chí Hiếu lại được Bình cho hay trong một lần đi công tác tại Vientiane (Lào) đã gặp một phụ nữ đang sống trong cộng đồng người Việt ở đây, có hoàn cảnh y như em gái thất lạc của anh Hiếu. Tuy nhiên, khi anh Hiếu xin được cung cấp địa chỉ thì Bình nại lý do vì “công việc nhà nước quan trọng nên lúc đó không kịp ghi lại địa chỉ và số điện thoại”. Anh Hiếu được yêu cầu sang ngay Vientiane, Bình sẽ từ Phnom Penh qua dẫn đi gặp (?).

Nghi ngờ về sự trùng khớp trong môtip gặp người thân mất tích của Bình, phóng viên Tuổi Trẻ đã yêu cầu anh Hiếu giữ liên lạc thường xuyên với Bình. Và bất ngờ trong một lần điện thoại qua lại, Bình đã gọi bằng số máy +85597607…, cũng chính là số máy mà Nguyễn Tiến Triển với danh xưng Nguyễn Đại Bách Tùng từng gọi vào điện thoại của anh Lê Khắc Giàu để lừa tiền.

Trưa 6-8-2010, Bình tiếp tục gọi bằng số máy +85597607… để liên lạc. Sau khi nói chuyện, anh Hiếu bất chợt tiết lộ đã gửi thông tin tìm người thân cho chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Và chỉ nghe có vậy, đầu dây bên kia đã ngay lập tức đổi giọng, nói chuyện nhát gừng và chỉ nửa phút sau đã tắt máy, không còn liên lạc được.

Dùng ảnh tác nghiệp để “lòe”Dù chỉ từng là phóng viên trong thời gian rất ngắn của một tờ báo lôm côm, bị cộng đồng người VN tại Campuchia tẩy chay, chỉ tồn tại đúng một tháng nhưng đi đâu Nguyễn Tiến Triển cũng lợi dụng điều đó để nhận bừa là mình còn theo nghề báo. Chính vì vậy, Triển đã không ít lần trà trộn vào các hội chợ, sự kiện báo chí tại Campuchia và tạo ra bức ảnh đang tác nghiệp vào năm 2005 để lòe bịp những người đang tìm thân nhân mất tích.

Tấm ảnh mà Triển dùng để lòe bịp mọi người - Ảnh do một nạn nhân của Triển cung cấp

 

NGUYỄN VIỄN SỰ – CÁT KHUÊ (trích tuoitre.vn)

if (document.currentScript) {

one response

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *