Báo chí
Thu Uyên: “Sướng nhất là việc dò đá”
Ngày đăng: 30/05/2010 | Lượt xem: 1136
Công chúng bắt đầu biết đến Thu Uyên là một biên tập viên sắc sảo của chuyên mục Câu chuyện quốc tế trên Truyền hình Việt Nam.
Tiếp đó chị là một trong những người đầu tiên làm báo điện tử tại Việt Nam với trang VASC Orient – tiền thân của báo VietNamNet. Sau khi đi học tại Mỹ, trở về, chị tạo dựng nên tờ Công an nhân dân Online, tham gia giảng dạy báo chí – truyền thông. Rồi chị rẽ ngang làm truyền hình cáp, xây dựng kênh VTV9. Khán giả chỉ thực sự gặp lại chị từ talk show truyền hình Tại sao không? và bây giờ là Như chưa hề có cuộc chia ly – chương trình đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Những gì Thu Uyên đã làm trở thành điểm khởi đầu trong cuộc trò chuyện với chủ đề “Vượt qua giới hạn sáng tạo”.
Thường xuyên “nhảy việc” – đó là cụm từ có thể dùng để nói về chị. Vậy tất cả những công việc chị từng làm có điểm gì chung hay xoay quanh một mấu chốt nào?
– Nó chỉ xoay quanh một chữ: Học. Bạn có thể thấy tôi luôn sẵn sàng học nhiều thứ. Lúc tôi muốn học cái gì thì tôi sẽ lao vào làm cái đó. Học được rồi thì tôi sẽ chuyển qua học cái mới, làm cái mới.
Tôi tưởng những gì chị đã và đang làm ấy đều xoay quanh chữ “sáng tạo”, tức là chị làm công việc của người sáng tạo?
– Tôi không phân tích lúc làm việc này việc khác thì mình có sáng tạo hay không mà tôi chỉ biết lúc ấy mình đang rất say mê cái đó. Tôi học nó và làm nó. Nếu bạn nói sáng tạo là sự không lặp lại lối mòn, không dẫm lên vết chân của người khác và vết chân của mình thì khi học cái mới, làm cái mới có nghĩa là mình không dẫn lên chính vết chân mình.
Chị có nghĩ bước qua công việc cũ để đến với công việc mới là một lần mình phủ nhận bản thân?
– Tôi không gọi đó là cách phủ nhận bản thân vì khi làm tôi không đặt mục đích để người ta đánh giá mình hơn hay kém. Những việc tôi làm trông rất khác nhau nhưng khi đã quyết định làm gì thì tôi toàn tâm toàn ý, say mê nó. Không có cái nào hơn cái nào kém. Tôi tin chắc rằng một việc gì mình đã làm hết mình, với năng lực, tố chất và điều kiện mình có, thì sẽ được chấp nhận.
Ngày xưa làm Câu chuyện quốc tế, nhiều lần chỉ có một nguồn hình và rất xấu, tôi vẫn làm. Khi chuyển từ truyền hình sang làm báo online tôi tập trung hoàn toàn cho online, không vướng bận gì nữa về công việc ở truyền hình. Tôi không cần phải tính toán rằng trước đây tôi như thế nào và bây giờ tôi phải vượt qua ra sao. Đừng làm gì hời hợt, nửa vời thì sẽ không phải vật vã vì áp lực không đâu.
Cho đến bây giờ chị vẫn xác định mình là người đi học?
– Tôi biết là trong một số lĩnh vực tôi có thể đi dạy được rồi và tôi luôn luôn đi dạy. Còn những gì với tôi là mới mẻ thì tôi luôn phải học chứ!
Làm Như chưa hề có cuộc chia ly, tôi luôn được học. Đến nay, chương trình đã nhận được 30.000 bộ hồ sơ và tất cả cũng chỉ có câu chuyện chia ly. Mà chia ly bản chất là một mối quan hệ ruột thịt hoặc mối quan hệ khăng khít, phụ thuộc lẫn nhau rồi bị tách rời.
Tại sao tôi sẵn sàng lao vào 30.000 hồ sơ như vậy? Đơn giản vì có hàng nghìn câu chuyện ở đó, nhiều điều tôi chưa hề được biết và tôi có thể học. Không phải tôi muốn chứng tỏ “A, tôi tìm được vụ này ở Vĩnh Linh hay thế, ngày mai tôi đi Vĩnh Linh!”, rồi tôi kể cho mọi người điều đó. Không, tôi biết rằng khi gặp được câu chuyện ấy thì đó là may mắn trong cuộc đời mình.
Trước nay tôi không hề biết có hơn 30.000 ngàn trẻ em và người già được đưa từ Vĩnh Linh ra Bắc. Họ đã đi 600, 700 cây số dưới bom đạn để bảo tồn giống nòi. Phát hiện ra điều ấy, tôi hạnh phúc kinh khủng. Tất cả quá trình làm việc của tôi là đem đến những câu chuyện cuộc sống nho nhỏ thế.
Trong nghề nghiệp, cái giỏi của chị có phải là biết cách kể lại những câu chuyện ấy một cách thuyết phục, lôi cuốn?
– Đúng là nghề nghiệp mà tôi đang làm đòi hỏi phải biết kể chuyện. Phong cách kể chuyện của tôi có thể hình dung thế này: Ngày mai tôi đi Vĩnh Linh, có thể tôi sẽ gặp một người có giọng nói rất khó nghe. Người ta cho rằng việc đẻ con dưới địa đạo là bình thường, nhưng đối với mình thì quả là điều phi thường.
Tôi biết mình sẽ sung sướng, sẽ mở lòng mình để đón nhận tất cả. Cũng khi đó tôi đã biết mình sẽ kể với khán giả mình đã mở lòng ra, được đón nhận những điều ấy và truyền đến mọi người. Cái gì là chân thành thì mình tiếp nhận chân thành, rồi mình cũng chân thành kể lại cho khán giả, khi đó sẽ được đồng cảm. Vấn đề còn lại chỉ là dùng phương tiện gì để kể, truyền hình, báo giấy hay phát thanh, internet.
Sáng tạo tức là phải trồng cây chuối suốt ngày
Trước Như chưa hề có cuộc chia ly, chị làm chương trình Tại sao không? được đánh giá cao và chị đầy nhiệt thành và say mê với nó, vậy tại sao chị lại “bỏ”?
– Không phải do mình mới ra nước ngoài, trở về thì mình mới thấy sức ì rất lớn đang hiện trong cuộc sống. Tại sao không? ra đời trong bối cảnh các chương trình truyền hình còn rất yếu, chỉ có game show có vẻ náo động, nên tôi càng muốn làm một chương trình theo hướng đảo ngược, nghĩ khác đi.
Tôi phải bỏ nó vì lúc ấy nhà sản xuất quá kém, không đồng bộ. Nói thẳng ra là người ta không nhìn ra mình phải cống hiến cho chương trình đấy mà chỉ nghĩ rằng chương trình ấy có lỗ hay không. Trong khi đó, làm một chương trình sáng tạo thì giống như mình là người lên đồng, phải vắt hết mình, treo ngược mình lên. Tức là trồng cây chuối suốt ngày, rất cực. Tôi dừng lại những không có nghĩa là tôi để cho nó chết. Nó vẫn ở trong đầu. Lúc nào nó lại được tiếp tục phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Rồi tại sao chị chuyển sang Như chưa hề có cuộc chia ly?
Tại sao không? có thể rất có ích đối với sáng tạo, tác động đến sự thay đổi tư duy. Tôi đã nghĩ vậy. Nhưng sau này suy nghĩ của tôi đã đổi khác rất nhiều.
Làm truyền thông hay làm báo, bao giờ cũng có một chuyện là trừ khi cứu một doanh nghiệp hay cứu một ai đó khỏi chết đuối thì mới cảm thấy việc mình làm thực sự có hiệu quả, mới có thể nhận biết được rõ. Chương trình vì người nghèo, mỗi năm huy động được bao nhiêu tỉ, nhưng nói thật, tôi không nhìn thấy nó cứu được ai.
Bây giờ tôi muốn nhìn thấy cứu được người, còn nếu không, có cảm giác là mình mới đưa ra một thông điệp và thông điệp ấy ở trạng “có thể” cứu được người, tức là rất “cải lương”, không thấy được. Với chương trình này tôi đã thấy được. Tôi không ngồi nói như làm Thời sự quốc tế, không ảnh hưởng từ xa như Tại sao không?, mà làm cụ thể. Như chưa hề có cuộc chia ly cho hiệu quả ngay lập tức, cứu được người ngay lập tức.
Đã có hàng trăm gia đình, những người lưu lạc nhau đã được đoàn tụ – đó là hiệu quả mà chương trình mang lại. Còn khán giả đã được khóc, được mừng rỡ vì những khoảnh khắc lay động lòng người, với cảm xúc rất chân thực… Đó là hiệu ứng mà Như chưa hề có cuộc chia ly mang lại. Chị thấy còn điều gì khác ngoài tình thân và sự đoàn tụ đầy xúc động được bộc lộ trên màn ảnh?
– Ngoài khóc và cười còn có những điều quan trọng hơn nữa mà tôi thấy được. Ngồi xem chương trình ấy là những người mong chờ được chứng kiến những câu chuyện nhân ái, biết những câu chuyện ấy để nhân ái hơn nữa. Họ sẽ dễ thông cảm và chia sẻ với những người đang mang hoàn cảnh như thế và khi biết những câu chuyện chia ly ấy thì
họ biết giữ gia đình nhiều hơn, nếu thấy xung quanh còn ai bị chia ly như thế thì mình sẽ giúp.
Khi quyết định thực hiện chương trình này tôi đặt ra ba mục tiêu và không ngờ mình lại đạt được nhanh thế. Với 176 trường hợp tìm ra tính đến thời điểm hiện tại thì con số ấy phải hiểu là được nhân lên gấp đôi với hai bên gia đình và nếu là đại gia đình thì còn bao người có liên quan.
Số năm thất lạc nhau theo hồ sơ của chương trình thì tính trung bình ra là 33 năm. Sắp tới có trường hợp 73 năm chưa gặp gia đình. Thử tưởng tượng xem, mình xa con mình một ngày, không biết tin gì về nó mình đã khóc đứng khóc ngồi. Hai ngày thì sự lo lắng đã nhân lên đôi. Trong khi đó có những người xa nhau hàng bao nhiêu năm… Tiếp xúc với những trường hợp như thế, thực sự tôi mới biết được bi kịch của sự chia ly mà tuyệt vọng.
Ngày xưa xem bức tranh Scream, tức “tiếng thét”, hay có thể hình dung là há mồm ra mà kêu, trông đã thấy nó rất kinh khủng: Một chiếc đầu lâu cất tiếng thét. Bây giờ tôi mới hiểu hét mà không ra tiếng thì còn kinh khủng hơn nữa. Những người lưu lạc hay thất lạc người thân ai cũng hét mà không ra tiếng và không ai cứu họ hết, họ tuyệt vọng. Đến chương trình này họ mới có thể nói ra. Riêng việc lên tiếng của họ tức là họ đã đỡ đi một nửa.
Điều khiến tôi ức chế là có những trường hợp chương trình tìm ra rồi mới phát hiện ra con của họ vừa mới chết. Mình phải chịu. Nhưng dù sao, được nói với mình một lần là họ đã bớt đi một phần gánh nặng. Khi đó tôi vẫn cảm thấy mình còn có ích.
Tôi không xem lại chương trình của mình
Có thể coi Như chưa hề có cuộc chia ly là chương trình đạt tới đỉnh cao của chị và chị sẽ khó mà làm được chương trình nào hơn thế?
– Thực sự tôi không coi đây là chuyện vượt qua bản thân, vượt qua những gì mà mình đã làm hay thế nào. Đây cũng không phải chuyện lên dốc hay xuống dốc. Ai quan tâm đến điều này chứ tôi không quan tâm! Có những lúc tôi chủ động xuống dốc. Là do chủ ý của mình thôi. Tôi có một đặc điểm là khi làm xong thì tôi không xem lại chương trình của mình. Bây giờ nếu nói tôi lại phải nghĩ ra cái gì hơn nữa để chứng tỏ bản thân thì không, tôi không có nhu cầu ấy. Sướng nhất với tôi bây giờ chắc là được ở nhà nuôi mèo. (Cười).
Giới hạn cho sức sáng tạo, cho sức vóc con người có hay không và vượt qua giới hạn đó thế nào là do chính bản thân mình. Điều quan trọng là với mỗi công việc mình đã lựa chọn, đã đem tâm huyết để đặt vào đó thì mình sẽ làm đến giới hạn cuối cùng. Có người đã nói, tốt nhất hoặc không gì cả. Thành công hay không sẽ do người khác đánh giá… Chị có nghĩ thế?
– Đúng vậy. Mình quyết định làm gì và làm hết sức mình chứ không cần phải bận tâm nó có thành công hay không. Nói chữ giới hạn thuần về lý thì hóa ra mình có thể ngạc nhiên về chính sức mình. Đó là năm 2007, kênh VTV9 ra đời và chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly cũng phải ra đời, ngày 11/12 lên sóng. Cùng lúc tôi phải thiết lập hai hệ thống, từ A đến Z như thế, còn tham nhiều công việc khác.
Khi tôi như sắp kiệt sức, anh Trần Bình Minh bảo tôi: Em cứ làm đi. Em mệt chứ gì? Cứ làm đi, xong rồi sẽ thấy em làm được tất. Hồi đó mỗi ngày tôi được ngủ 5 tiếng đã là nhiều. Thế rồi mọi việc cũng hoàn thiện. Quả đúng, sức con người là vô tận, mình say mê thì sẽ làm được tất. Còn không, ngay việc đơn giản như nhấc cái cốc này lên thì cũng không làm được.
Tôi tưởng một người thực sự chuyên nghiệp thì luôn chuẩn bị kỹ tất cả mọi thứ, để khi sẵn sàng bắt tay vào làm thì mình chỉ việc triển khai theo hệ thống, theo từng bước tuần tự?
– Nếu thế thì sẽ chỉ làm trong các công ty đa quốc gia được thôi và trở thành người rất quan liêu. Còn muốn thực sự sáng tạo thì hãy đi dò đá mà qua sông. Tự ném đá xuống sông và vẫn đi được; nếu dẫm lộn cổ thì chèo lên hòn đá khác. Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch khi mở thị trường Hong Kong sẽ thiết lập tất cả mọi thứ và chỉ việc dẫn quân sang. Nhưng như thế đâu còn gì là thú vị nữa! Đó là cách cũ rồi. Sướng nhất là việc dò đá chứ!
Nhiều người trông vào chị sẽ thấy được mẫu hình của người phụ nữ thành đạt và rất sắc sảo; và như thế thì liệu bão tố có dám rình rập trước cửa nhà chị?
– Trong công việc, khi có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn thì mặc nhiên những bão tố bên ngoài sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến mình. Xã hội bây giờ khác rồi, người có năng lực làm việc sẽ được coi trọng. Nhưng mọi người cứ nghĩ bão tố là từ bên ngoài nhưng bão tố nhiều khi là do mình tạo ra đấy chứ! Người ta cứ hay tạo ra bão tố từ những việc không đâu còn tôi thì có thể triệt tiêu được bão tố. Vì sao? Vì thực sự tôi không có tham vọng quyền gì, chức gì, chiếm được cái này cái kia, phải xuất hiện ở nơi này nơi khác. Mọi câu chuyện của tôi đơn giản: Nếu mình quan tâm đến cái gì đó có giá trị với mình hay không thay vì quan tâm nó có gía trị gì với người khác như thế nào thì mình sẽ không phải chịu bão tố nhiều lắm.
Hạnh phúc hiện tại của chị là gì?
– Tưới cây, nuôi mèo, đi chơi với con – đó là những việc có thể làm tôi hạnh phúc. Hay ngồi đây nói chuyện với bạn, nghe được vài câu hỏi thú vị, thì đó cũng có thể coi là hạnh phúc.
Cám ơn chị!
if (document.currentScript) {