Báo chí

Con đường chia ly và đoàn tụ Kỳ 1: Hai câu chuyện của người chính ủy

Ngày đăng: 26/04/2010 | Lượt xem: 1307

Đường 7 (nay là quốc lộ 25), nơi đã diễn ra nhiều cuộc ly tán nhất vào những ngày cuối chiến tranh năm 1975. Nhưng sau cuộc chiến, sau mất mát chia lìa là những cuộc đoàn viên kỳ lạ: những người Việt đã chủ động vượt qua cách ngăn của hai bờ chiến tuyến để ngồi lại với nhau trong sự cưu mang thấm đẫm nghĩa tình…

 
 Đại tá Đinh Hữu Tấn gặp lại con nuôi Võ Văn Phước (vốn là con của một người ở bên kia chiến tuyến) sau hơn 30 năm xa cách – Ảnh do chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” cung cấp

Đúng một tuần sau ngày lên sóng số đầu tiên, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” nhận được một bức thư từ Thanh Hóa của đại tá Đinh Hữu Tấn, nguyên phó chính trị sư đoàn anh hùng 320A. Ông muốn nhờ tìm giúp đứa con nuôi tên Phước mà ông đã nhận trên đường truy kích đối phương vào ngày 23-3-1975.

Đại tá Đinh Hữu Tấn (trái) kể lại những câu chuyện trên đường 7 và ký ức về cậu con nuôi mà ông tìm kiếm hơn 30 năm trời

“Nguyễn Giải Phóng sinh ngày 21-3-1975…”

Thư đại tá Tấn ghi rằng: “Tôi là một người lính già, đã tham gia hầu hết các cuộc chiến tranh của dân tộc. Vào bộ đội lúc tướng De Castries sa lầy ở cánh đồng Mường Thanh… Đời người lính tôi đã từng tham gia các chiến trường Điện Biên, Thượng Lào, đóng quân ở cao nguyên Mộc Châu, học lục quân khóa 12, rồi khi chiến tranh với đế quốc Mỹ tôi được cử ra đảo Hòn Mê chiến đấu năm năm trời. Tiếp đó là B ngắn, rồi B dài – đi bộ vào Tây nguyên mở chiến dịch 1972”.

Đến ngày 8-3-1975, chiến dịch Tây nguyên lần thứ hai mở màn. Ông Tấn đang là chủ nhiệm chính trị trung đoàn 48 (E48) chủ công của sư 320A, đánh chặn quân đoàn 2 Việt Nam cộng hòa tại Chư Sê, đoạn tỉnh lộ 7 cắt ra quốc lộ 14, rồi tiến tới đánh Cẩm Ga, Thuần Mẫn. Ngày 14, tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh triệt thoái cao nguyên. Được tin toàn bộ binh lực còn lại của quân đoàn 2 địch rút chạy theo đường 7, E48 nhận lệnh vượt núi cao đá tai mèo, cắt đường chặn dòng rút chạy tại Phú Túc, đánh thẳng vào Cheo Reo (tức Phú Bổn), chặn đường co cụm về miền duyên hải.

Tối 19-3, trung đoàn làm chủ Cheo Reo. Trên đường tiến vào ông Tấn nhận lệnh làm trưởng ban quân quản thị xã. Thị xã vẫn còn nhiều người dân, một số trụ trong một ngôi chùa đem đường sữa pha sẵn mời bộ đội. “Lúc đó tình thương mến cao lắm, chúng tôi đón nhận sự chăm sóc của bà con không một chút ngại ngùng”. Ông Tấn chọn căn nhà của một trung tá Việt Nam cộng hòa bỏ trống, có cả sân đỗ trực thăng dã chiến trên nóc nhà để đặt sở chỉ huy.

Lúc đó trời đã tối. Bỗng thấy một người còn mặc nguyên bộ đồ lính cộng hòa, tay kéo một phụ nữ chạy tắt qua sân, cúi lạy: “Trăm lạy các ông sĩ quan giải phóng! Vợ tôi sắp sanh. Nhờ các ông cứu vợ con tôi!”. Ông Tấn bất ngờ kêu: “Trời ơi, chúng tôi đực rựa cả, biết làm thế nào?”. Ông chợt nhớ đoàn cán bộ địa phương của Ama Thương, nguyên khu ủy viên Kon Tum – Gia Lai – ở bên, cùng tiếp quản thị xã có một đội dân y, trong đó có cô Lan người Bắc Ninh, đi B năm 1965.

Ông nghĩ ngay sẽ mượn cô để đỡ đẻ cho người phụ nữ. Được Ama Thương đồng ý, ông Tấn về gọi tập hợp mấy anh em trinh sát quân ta đang đà truy kích, giải hàng binh, về nhận lệnh của chủ nhiệm chính trị trung đoàn. “Các cậu chuẩn bị đi đỡ đẻ!”. “Thủ trưởng đùa. Chúng em còn chưa có người yêu!”. Nhưng khi nói rõ cần đi bảo vệ cho đồng chí Lan đỡ đẻ, anh em đồng ý liền.

Sáng sớm 21-3, người lính cộng hòa quay lại tìm ông Tấn. Ông cho biết tên là Nguyễn Hiếu Nghĩa (hay Hữu Nghĩa – ông Tấn không nhớ rõ), quê gốc ở Hưng Yên, cha mẹ di cư vào Nam năm 1954, mới đi lính quân dịch, làm lái xe. Ông cảm ơn và xin phép đặt tên con là Nguyễn Giải Phóng.

Ông Tấn biên vội mấy dòng vào một tờ giấy đưa cho anh Nghĩa để sau này tiện làm giấy khai sinh cho cháu bé. “Tôi, Đinh Hữu Tấn, chính ủy trung đoàn 48 quân giải phóng, chứng nhận anh Nguyễn Hiếu Nghĩa và vợ là…, sinh con trai ngày 21-3-1975 tại thị xã Cheo Reo, đặt tên là Nguyễn Giải Phóng”.

Tiếp quản Cheo Reo tròn ba hôm, trung đoàn 48 nhận lệnh tiếp tục hành quân theo đường 7 tham gia giải phóng Củng Sơn. Lúc này đã có nhiều xe chiến lợi phẩm, ông Tấn đề nghị: “Chúng tôi cần lái xe đi chiến dịch, anh có sẵn sàng không?”. Ông Nghĩa đồng ý ngay. Chiến dịch gấp gáp, ông Nghĩa mặc nguyên quần áo lính cộng hòa, lái chiếc xe Jeep lùn chở ông Tấn và người cần vụ Nguyễn Văn Niên (sau này là tiến sĩ luật, nguyên chủ tịch HĐQT Trung tâm thương mại Sông Hồng ở Matxcơva) chạy xuôi xuống Củng Sơn. Giải phóng Củng Sơn xong, ngày tiến vào Tuy Hòa, 1-4-1975, là ngày ông Tấn chia tay người lái xe đặc biệt lần đầu tiên làm cha đó. Ông Nghĩa quay lại Cheo Reo…

Nuôi con đối phương

Ngay sau khi quân ta làm chủ Cheo Reo, ông Tấn đang điều khiển giao ban chính trị với các chính trị viên tiểu đoàn thì nghe báo cáo: hiện có rất nhiều trẻ em bị lạc cha mẹ. Đang mùa khô nắng rát, nước uống hiếm hoi một chỉ vàng đổi được một biđông. Tình huống trẻ lạc không lường trước nhưng không khẩn trương thì khó mà cứu lũ trẻ.

Ông Tấn ra lệnh lập tức đi tập trung trẻ lạc dọc đường và trong rừng núi, đưa các em ra mặt đường để trung đoàn cử xe cơ giới (GMC chiến lợi phẩm) đi đón. Đến chiều tối hai xe GMC đầy những đứa trẻ lạc được đưa về thị xã Cheo Reo giao cho Ama Thương, người từ hôm sau thay ông Tấn là trưởng ban quân quản.

Bác sĩ Ama Thương hiện nghỉ hưu tại Buôn Ma Thuột. Ông Ama Thương cho biết khi đó ông cho một trung đội du kích đưa cơm đưa gạo đi dọc đường 7, thấy tiếng khóc ở đâu là vạch rừng vào cho ăn đưa về. Khoảng 20 em đầu tiên cho đồng bào dân tộc làm con nuôi.

Sau về một lúc hai xe, cán bộ phân ra: lớn thì cho về quê, nhỏ thì nhờ đồng bào nuôi. Đến năm 1976-1977 cha mẹ các em đi tìm, nhận về hầu hết. Ông bảo: “Cán bộ bộ đội mình rất quan tâm đến trẻ em. Trẻ nhỏ không đứa nào mặc cảm hay bị bỏ rơi”.
Hàng trăm gia đình đăng ký tìm con bị lạc trên đường 7. Đội tìm kiếm chúng tôi cũng đi dọc con đường không chỉ một lần. Gặp gỡ và ghi nhận: Không những không bị bỏ rơi mà trẻ còn được nâng niu như bất cứ đứa trẻ nào khác. “Trẻ lăn đến đâu, bờ nôi ở đó”. Giản dị vậy thôi.

Nhưng, chuyện một chiếc xe chỉ huy mà chở một đứa bé, chuyện một vị chính ủy mà nuôi con của “phía bên kia” thì không đơn giản như thế. Đứa trẻ trên xe hôm đó là Võ Văn Phước, người con nuôi mà đại tá Đinh Hữu Tấn nhờ “Như chưa hề có cuộc chia ly…” đi tìm.

Sự kiện gây nên nhiều ly tán nhất những ngày cuối chiến tranh diễn ra trên đường 7 (nay là quốc lộ 25), con đường huyết mạch nối từ Gia Lai về Phú Yên. Tháng 3-1975, sau lệnh “triệt thoái cao nguyên” của tổng thống chế độ Sài Gòn Nguyễn VănThiệu, hơn 200.000 thường dân chạy lẫn với lính tráng, xe pháo… trong hỗn loạn chiến tranh và rất nhiều ly tán xảy ra.

Nhưng sau cuộc chiến, sau mất mát chia lìa lại là những cuộc đoàn viên kỳ lạ: những người Việt đã chủ động vượt qua cách ngăn của hai bờ chiến tuyến để ngồi với nhau trong sự cưu mang thấm đậm nghĩa tình…

Chuyện nhận con nuôi là con của một sĩ quan chế độ cũ đã khiến vị chủ nhiệm chính trị trung đoàn bị khiển trách. Trải qua tiếp nhiều trận chiến khác rồi mới trở về quê nhà, ông đặt tên đứa cháu ngoại mình là Nguyễn Tường Phước. Ấy là bởi trong lòng ông day dứt một lời hứa với đứa con tên Phước trên “đường 7” ngày xưa…

THU UYÊN (Trích từ Tuổi trẻ online)

>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 1: Câu chuyện của người chính ủy
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 2: Đứa con nuôi của đại tá
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 3: “Con chúng ta máu đỏ, da vàng…”

>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ 4: Trường hợp của Chinh
>> Con đường chia ly và đoàn tụ – Kỳ cuối: Trẻ lạc không chiến tuyến

}

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *