Báo chí
MC Thu Uyên – Người kết nối đoàn tụ trong “Như chưa hề có cuộc chia ly…”
Ngày đăng: 30/11/2008 | Lượt xem: 3055
Người phụ nữ của những lý tưởng, cô gái nghị lực phi thường, MC đa tài… các mỹ từ ấy đều được dùng khi nói về Thu Uyên, người thai nghén chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”
Còn 20 phút nữa chương trình truyền hình trực tiếp “Như chưa hề có cuộc chia ly…” mới bắt đầu, nhưng “nhân vật chính” Thu Uyên vẫn không yên tâm. Chị đi lại nhiều lần trong phim trường, xem chỗ ngồi của khác mời có chính xác chưa, còn ai vắng mặt, rồi nhân tiện “ghé thăm” nhiều nơi để dặn dò, trò chuyện và động viên các nhân vật sắp lên hình…
MC Thu Uyên tâm sự với nhân vật của chương trình trước giờ dẫn |
Ký ức của cô gái Hà Thành
Năm 1963 tại Hà Nội, một cô bé xinh xắn, bụ bẫm chào đời. Cô bé ấy là Nguyễn Phạm Thu Uyên.
Lên ba, do yêu cầu công việc của bố mẹ, cô bé phải sống cùng ông nội tại Bắc Ninh. Khi ấy bố mẹ đều công tác tại nước ngoài. Xa bố mẹ nhưng Thu Uyên vẫn có một tuổi thơ hạnh phúc vì: “Bao nhiều tình thương, ông nội đều dành cả cho mình”.
Năm 1982-1987, cô bé ấy trở thành du học sinh Nga với chuyên ngành Quan hệ Quốc tế của trường MGIMO, Moscow. Đây là một ngôi trường nổi tiếng với những ai đã từng học tại Nga.
Trở về nưới với kiến thức chuyên ngành ngoại giao, những tưởng sẽ tìm được việc một cách thuận lợi, ngờ đâu cô gái trẻ phải mất một năm thử thách mới tìm được công việc yêu thích.
“Cứ nghĩ làm trợ lý giám đốc cho một công ty xuất nhập khẩu ngoại thương là đúng chuyên ngành, nào ngờ toàn được cử về Hải Phòng thu mua sắt vụn”, Thu Uyên nhớ lại.
Sau đó, cô gái trẻ lại hăm hở với đề tài nghiên cứu về nền tài chính Thái Lan tại một viên nghiên cứu.
Hơn 30 trang viết được Uyên lục tung từ sách vở, tài liệu, kể cả kiến thức sẵn có. Cuối cùng, đề tài ấy được in ở một chuyên san của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Lúc này, cô gái trẻ lại một lần nữa thất vọng.
Sự thất vọng được Thu Uyên lý giải rằng: “Hoá ra, để làm nghiên cứu chỉ cần thế thôi sao. Chẳng nhẽ một con bé chưa biết đồng Baht trông như thế nào, chỉ dựa vào những tài liệu cũ kỹ trong các thư viện mà cũng được coi là chuyên gia sao?
Thế là, Thu Uyên từ bỏ ý định theo đuổi nghiên cứu.
27 tuổi, 8 phút và một sự kiện lớn
Giữa năm 1989 là thời gian đánh dấu bước ngoặt quan trọng của biên tập viên Thu Uyên sau này. Cô được nhận vào làm công tác biên dịch tại Trung tâm Phim truyện của Đài Truyền hình Việt nam.
Khi đó, bản tin Hoa Sen của VTV đang thiếu người dịch tiếng Nga, cô xin thử và thế là được nhận vào phòng thời sự quốc tế. Đâu ngờ lần này Thu Uyên gõ đúng cửa. Từ Điểm tuần đến Câu chuyện quốc tế là một chặng đường 5 năm.
Khán giả cả nước không thể quên được hình ảnh một Thu Uyên trẻ trung với những vấn đề quốc tế nóng bỏng vào thập niên 90.
Thu Uyên kể cho họ nghe, rồi đưa ra những bình luận sắc bén, ngắn ngọn nhưng đầy đủ ý với giọng bình vừa dứt khoát, vừa như chán vào đấy một chút tứ thơ, thay cho sự chững chạc, trang nghiêm của chất nóng thời sự.
Thu Uyên đã đi vào lòng khán giả bởi những đặc trưng riêng ấy. Phong cách này thể hiện từ lần đầu tiên khi chị làm bài bình luận về sự kiện bức tường Berlin của Đức bị sụp đổ.
Thu Uyên nhớ lạị: “Đây là một thử thách lớn với tôi bởi vấn đề thì quá lớn, còn tôi quá trẻ để nói lên nhận định của mình. 8 phút cho một quá trình lịch sử khá dày và những vấn đề xung quanh đó. May là mình sẵn có kiến thức chuyên ngành quan hệ ngoại giao. Vấn đề là phải viết và nói thế nào trong thời gian cho phép?”
Viết đi rồi viết lại, chị phải canh sao cho đủ 8 phút theo quy định. Lần đầy tiên ấy cũng là lần chị học được bài học: “Hình nói thì lời không nói” rồi là phải: “Cắt hình sau cử động”…
Những khái niệm cơ bản đó sau này đều được chị truyền lại cho đàn em mới vào nghề.
Thu Uyên và những ý tưởng
“Nếu ai đó muốn sử dụng hết công năng của cô gái khó khuất phục, quyết liệt và không muốn ngồi yên một chỗ thì nên khai thác cô ta ở ý tưởng”, đó là ý kiến của ông Lê Nguyên Long, Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Tp. HCM, khi nói về Thu Uyên.
Năm 2005, khi đang “yên ổn” tại Truyền hình cáp VCTV với công việc phụ trách sản xuất chương trình, chị lại rời Hà Nội vào miền Nam công tác ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM.
Chị đã hiến kể cho lãnh đạo đài làm talk show “Tại sao không?”, phát sóng bắt đầu từ ngày 2-4-2006.
“Trước một vấn đề bị phủ nhận, bạn cần được giải toả. Những vấn đề không thuộc nhận thức và hiểu biết của bạn, bạn cần thông tin? Hay gặp vấn đề vượt quá khả năng thực hiện của các bạn lúc này… Hãy tư duy theo cách “Tại sao không?” bạn sẽ có câu trả lời”, Thu Uyên giải thích về định hướng nội dung của chương trình.
Với cái chất ấy, “Tại sao không?” đã tồn tại 26 số phát hình và phải tạm ngưng vì khâu tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được mỗi tuần một số.
Tuy nhiên, chương trình cũng ít nhiều làm nên tên tuổi của một biên tập viên kiêm dẫn chương trình Thu Uyên.
Ông Lê Nguyễn Long nhận xét: “Thu Uyên luôn luôn mới với những ý tưởng”.
Song song với “Tại sao không?”, cô lại thai nghén một đề tài nói về “Cuộc chia ly màu đỏ”.
Từ một mong ước ám ảnh bấy lâu
Mãi đến tháng 12-2007, sau bao tháng ngày “vận động” khá vất vả, talk show “Như chưa hề có cuộc chia ly…” mới đến với khán giả truyền hình VTV1.
Thu Uyên kể: “Ý tưởng ấy tôi có được từ nhiều vấn đề.
Đầu tiên là chương trình Zdi Menia (Hãy đợi tôi) của Nga. Chương trình này đã tồn tại gần 10 năm, giúp hàng nghìn người được gặp lại nhau”.
“Rồi hình ảnh của những cụ già người Nga. Cứ đến ngày 9-5 là các cụ lại đến công viên, tay ôm ảnh người thân bị thất lạc. Họ cứ ngồi đấy, chờ đợi một phép từ những người qua lại!”.
“Rồi câu chuyện về những người phụ nữ Việt Nam chờ chồng trong và sau chiến tranh, những gia đình thất lạc giữa hai bên chiến tuyến… Thế là, tôi nguyện phải làm điều gì đó cho họ. Mong ước này ám ảnh khôn nguôi!”.
“Tôi không ngờ, bên ngoài của Thu Uyên có vẻ yếu đuối, dễ vỡ nhưng cô ấy lại có sức chịu đựng mạnh mẽ và một nghị lực phi thường”. Đó là ý kiến của bà Lê Thị Mỹ Ngọc tại Pleiku – Gia Lai, khi bà chứng kiến cảnh “một biên tập viên xinh như búp bê” cùng đoàn truyền hình và chiến trường xưa (Khu 6 – Gia Lai) để nghi lại hình ảnh. Phải đi bộ hơn 7km dưới trời nắng ngắt, Thu Uyên vẫn vui vẻ dù không có chiếc mũ rộng vành đội che bớt nắng.
Phép màu giữa đời thường
Nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” phát sóng ngày 2-8 vừa qua mà bà Ngọc đã tìm được con là chị Ngọc Duệ sau 37 năm 6 tháng cách xa.
Cũng nhờ chương trình mà em Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1990, quê Nghệ An, là trẻ mồ côi ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo vệ trẻ em Tam Bình ở Tp.HCM, đã tìm được gia đình sau hơn 10 năm lạc cha.
Thảo tâm sự: “Con được trò chuyện với cô Thu Uyên một lần.
Nhìn cô rất đẹp, rất sang trọng, con không dám đến gần vì sợ cô cũng xa cách, khó gần như những người nổi tiếng khác”.
“Vậy mà cô Uyên lại khác, cô nắm tay con và bảo: Tìm được gia đình rồi đừng đòi về nhà nhé! Vì cô biết bé Thảo tìm được ba mẹ sẽ mong về nhà, nhưng con phải ở lại trung tâm để được tiếp tục đi học. Ở quê ba mẹ nghèo, khó có thể nào cho con học thành tài”.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều ý kiến của những ngưới quan tâm đến chương trình và yêu thích chị.
Tính đến nay, chương trình đã tìm được 70 trường hợp.
Nhà báo Thu Uyên tiếp xúc với nhân vật của chương trình khi đi thực hiện phóng sự tiền kỳ |
Trong tương lai sẽ còn rất nhiều trường hợp tìm gặp lại nhau, để chia ly lại được kết nối từ một việc làm tưởng như huyền thoại nhưng lại có thật giữa đời thường! Và huyền thoại ấy vẫn đang tồn tại trong một người và cả e-kíp cùng thực hiện với chị.
Hôm xem chương trình trực tiếp tại trường quay S8, thấy tôi bấm máy chụp ảnh chị liên tục, người phụ nữ ngồi kế bên tôi hỏi: “Cô là nhà báo à?”.
Khi biết tôi là nhà báo, bà ấy nói rất tự hào: “Tôi chính là mẹ của Thu Uyên đấy”.
Bà từ Hà Nội bay vào để thăm con và cháu gái. Hai bà cháu chăm chú theo dõi chương trình, đôi mắt họ thật sáng và đọng ở đấy những giọt nước mắt.
Có lẽ đó là những giọt nước mắt dành cho những người phải chia ly và được đoàn tụ, nhưng cũng là giọt nước mắt hạnh phúc dành cho sự thành công của chị.
Ở tuổi tứ tuần, với tôi, chị là người vừa thành đạt vừa hạnh phúc. Đằng sau chị luôn có bóng dáng của người thân, bạn bè. Đó là chỗ dựa vững chắc cho chị yên tâm làm việc, biến ý tưởng thành hiện thực, mạnh dạn thực hiện những quyết định của mình.
Thông tin thêm
Hiện chị đang sống cùng con gái tại Q.7, TP.HCM và phụ trách bản tin Thế giới cập nhật của VTV9 tại TP.HCM. Giữa năm 1989-2000, chị công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Hà Nội, nổi tiếng với phần bình luận câu chuyện quốc tế nhờ lời bình sắc sảo và tổng hợp ngắn ngọn đầy đủ các sự kiện quốc tế. Năm 2001, chị là Giám đốc Trung tâm VASC Orient. Năm 2003, chị sang Mỹ theo học chương trình học bổng Fullbright, học Thạc sĩ về báo chí và truyền thông đại chúng với tấm bằng Thạc sĩ loại ưu. Về nước, chị xây dựng tờ báo điện tử Công An Nhân Dân. Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” được phát trực tiếp từ 20 giờ đến 21 giờ thứ Bảy đầu tháng. Phát số đầu tiên vào ngày 1-12-2007. Muốn tìm người thân hay thông tin những điều bạn biết về người đang cần tìm, hãy gọi số: (08) 6264 7777 hoặc truy cập và website www.haylentieng.vn để biết thêm thông tin. |