Báo chí
“Như chưa hề có cuộc chia ly…” : Kỳ 1: Đường đời của đứa con lưu lạc
Ngày đăng: 02/11/2008 | Lượt xem: 1453
Đã gần một tháng trôi qua nhưng trong căn nhà nhỏ ở tổ 42, P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng của gia đình thượng úy Trần Ngọc Duy (1966), công tác tại Ban doanh trại thuộc Xưởng X50 Hải quân không khí vẫn như vỡ òa trong niềm vui sướng tột cùng. Định mệnh sau 33 năm xa cách đã được hóa giải với một kết thúc đầy tính nhân văn cao cả – đại gia đình anh được đoàn tụ. Những giọt nước mắt khóc cho đứa con lưu lạc, cho sự chia xa ngày nào nay tiếp tục rơi xuống, nhưng đó là nước mắt của sự sum họp, của niềm hạnh phúc vô bờ bến. Cuộc hạnh ngộ đầy bất ngờ ấy còn mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao, đó là tình người, tình ruột thịt và tình đất nước được gắn kết một cách trọn vẹn, hài hòa.
Vào một ngày cuối tháng 3-1975, cái thời khắc lịch sử của cả dân tộc, cái ranh giới mong manh của sự chia cắt đất nước đã gần như được hàn gắn thì mái ấm nhỏ của Trần Ngọc Duy phải chịu cảnh ly tán. Từ làng quê nhỏ Bố Liêu, xã Triệu Hòa, Triệu Phong, Quảng Trị, bố mẹ và 6 anh chị em Duy phải dắt díu nhau di tản vào Nam, theo ông bà nội ngoại khi đó đã định cư ở vùng Ninh Thuận. Khi từ Quảng Trị vào đến Đà Nẵng, do chiến tranh ác liệt đang diễn ra nên họ không thể đi theo đường bộ mà phải chuyển sang đi đường thủy. Khoảng 17 giờ một ngày tháng 3, lúc đó cả nhà đang đứng chờ tàu tại cảng Tiên Sa thì trời bỗng đổ mưa giông.
Biển động dữ dội, hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy nhau lên tàu, chỉ có Duy và cô em gái rớt lại phía sau. Giữa biển người mênh mông, trong đêm tối mịt mùng, cả bố, mẹ và các em của Duy đứng trên boong nhìn chiếc tàu rời cảng. Thâm tâm họ nghĩ rằng, Duy và em gái đang đứng ở đâu đó trên cùng một chiếc tàu đi vào Nam. Qua một ngày và hai đêm lênh đênh trên biển, bố mẹ và các em Duy cũng đến được cảng Cam Ranh. Sau khi tàu cập cảng, cả nhà đứng chờ cho đến khi bước chân của hành khách cuối cùng đi xuống, họ mới nhận ra một sự thật phũ phàng là hai đứa con mình đã bị thất lạc. Rồi những ngày tìm kiếm trong vô vọng cũng trôi qua, đứa em gái may mắn chen chân lên một chiếc tàu khác và hai ngày sau cũng tìm được bố mẹ, còn Duy vẫn đang thất thểu, đói khát ở… Đà Nẵng.
Vợ chồng ông Cả, bà Ái bên đứa con thất lạc năm xưa và cháu nội trong ngày đoàn tụ. |
Gió mưa vần vũ, chiếc xà lan làm nhiệm vụ trung chuyển người ra tàu lớn ở ngoài khơi nơi Duy đứng bị đứt dây neo và trôi ra biển. Hàng trăm người, trong đó có Duy phải nằm lại trên đó. Suốt một tuần cùng mọi người nổi trôi giữa biển, nhìn cảnh mỗi ngày có hàng chục người chết khát trên xà lan và an phận làm mồi cho cá, đứa trẻ mới 9 tuổi đầu như Duy vẫn chưa biết số phận của mình rồi sẽ ra sao, liệu có còn sống sót để tìm lại bố mẹ và các em nữa hay không… Cũng may là trước đó, mẹ Duy đã chuẩn bị cho mỗi người một ít lương thực, nước uống để dự phòng. Tuy nhiên, chỉ cầm cự được mấy ngày thì số lương thực ít ỏi đó cũng hết.
Tiếp theo là những ngày phải nhịn ăn, khát uống đã làm cho Duy lả người và ngất xỉu. Giữa mênh mông biển trời, trong cái khoảnh khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, tâm trí Duy lại hiện về những giấc mơ rời rạc, chập chờn, mơ về những ngày cùng mấy đứa em ra sông tắm mát, mơ về mái ấm mà trước đây Duy đã từng trải qua… Sau đó mấy ngày, Duy cũng được những người đồng hành đưa lên tàu lớn để vào Nam. Trong cuộc hành trình đầy chết chóc đó, Duy may mắn gặp được một ông cụ mà theo trí nhớ của anh thì ông đã ngoài 70 tuổi. Gặp ông khi cơ thể đang thoi thóp đón nhận cái chết đến gần, Duy chỉ kịp nhấp nháy đôi môi cầu xin: “Ông ơi, con khát quá!”.
Như một ông Tiên, xót thương cho đứa bé tội nghiệp, ông cụ bèn lấy trong túi áo của mình ra hai quả chanh đã héo khô, theo Duy thì có lẽ ông đã dành dụm “báu vật” ấy từ rất lâu rồi và đưa cho Duy một quả. Mặc dù quả chanh đã héo, khi bỏ vào miệng nhai thì đắng ngắt nhưng như thế cũng đủ cho Duy cầm cự được vào Cam Ranh sau hai ngày một đêm trên biển. Khi tàu cập cảng, do quá khát nên tất cả mọi người ai nấy đều chạy tán loạn đi tìm nước uống, Duy và ông Tiên ấy cũng chưa kịp biết tên nhau, và điều làm anh áy náy, ân hận nhất cho đến bây giờ là chưa kịp cảm ơn ông một lời.
Vòng tay ôm chặt lấy đứa con trai sau 33 năm mới gặp lại như không muốn rời của bà Ái. |
Đến cảng Cam Ranh, với thân phận một đứa trẻ bơ vơ trong thời loạn lạc, không gia đình, Duy vừa xin ăn, vừa lang thang đi tìm bố mẹ. Một tuần nữa lại trôi qua, tin tức về bố mẹ vẫn “bóng chim tăm cá”, Duy vật vờ khắp mọi nẻo đường để xin miếng ăn sống qua ngày. Rồi anh may mắn gặp được các chú bộ đội trong đoàn quân giải phóng đang nghỉ chân tại một vườn xoài trong nhà dân (cây số 9, Xuân Minh, Cam Ranh). Khi biết hoàn cảnh của Duy, các chú bộ đội đã đưa Duy về đơn vị nuôi dưỡng, chăm sóc. Đến khi phải lên đường hành quân đi chiến đấu, các chú bèn gửi Duy vào Hội LHPN Cam Ranh nhờ cưu mang.
Tại đây, Duy được các cô chú trong Hội chăm sóc, đặc biệt tại đây, Duy được cô Nguyễn Thị Bình nhận và đưa về nhà nuôi dưỡng. Một năm sau (1976), do phải ra Bắc học nên cô Bình gửi Duy cho một người tên là Loan. Về với cô Loan, hằng ngày Duy vừa phụ giúp cô chăm sóc đàn bò, vừa làm việc vặt trong nhà và chờ ngày cô Bình về lại. Đến năm 1978, khi cô Bình đi học về, Duy được cô nhận lại nuôi. Rồi do hoàn cảnh bắt buộc nên cô Bình phải giới thiệu Duy cho một gia đình khác làm con nuôi. Từ đây, cuộc đời của Duy bước sang trang mới.
Vào những ngày cuối năm 1978, thiếu tá, Anh hùng LLVT Trần Ngọc Thái – Chính ủy X50 Hải quân, trong một chuyến công tác tại Cam Ranh, được cô Bình giới thiệu đã xin nhận Duy làm con nuôi và sau đó đưa anh về lại Đà Nẵng. Được sống trong một mái ấm gia đình hạnh phúc, đầy sự yêu thương, nỗi cô đơn, lẻ loi và mặc cảm trong Duy như giảm bớt phần nào và lòng đứa trẻ được sưởi ấm lại. Tại đây, Duy được bố mẹ nuôi làm giấy tờ khai sinh mang họ tên Trần Ngọc Duy và cho ăn học.
Đến năm 1985, do lâm bệnh nặng và phải nhập viện để điều trị, biết không qua khỏi, nên nguyện vọng cuối cùng của bác Thái gửi gắm với đồng đội mình là được nhìn thấy đứa con nuôi nhập ngũ vào quân đội. Để thực hiện nguyện vọng cuối cùng của ba, 19 tuổi, Duy khoác ba lô lên đường nhập ngũ. 7 giờ một ngày tháng 12-1986, khi vừa nhận quân tư trang và mặc xong bộ quân phục người lính lên mình, anh tức tốc vào bệnh viện thăm ba, trên đường đi, anh nhận được hung tin là ba Thái đã trút hơi thở cuối cùng…
Vào quân ngũ, được rèn luyện và công tác tại đơn vị thuộc Phòng Hậu cần Vùng 3 Hải quân trong 4 năm, năm 1990, được sự quan tâm của BCH đơn vị, anh được cử đi học lớp cơ điện ở Trung tâm Kỹ thuật Vùng 3 Hải quân và sau đó về công tác tại Ban doanh trại của đơn vị. Năm 1994, anh xây dựng gia đình. Dưới mái ấm mới, tràn ngập tiếng cười của hai đứa con, nhưng trong anh vẫn ấp ủ một nỗi niềm riêng. Và câu hỏi luôn thường trực trong đầu anh là không biết bố mẹ, các em của mình bây giờ ra sao, liệu ai còn ai mất, họ đang ở phương trời nào? Những câu hỏi ấy xuất hiện ngày càng nhiều trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ như thôi thúc và là động lực lớn để anh quyết tâm tìm lại gia đình mình…
Giây phút òa vỡ hạnh phúc khi gặp lại người thân của anh Trần Ngọc Duy |