Báo chí

Cuộc đoàn tụ kỳ lạ sau hơn 33 năm

Ngày đăng: 13/09/2008 | Lượt xem: 1084

Hai người phụ nữ ở hai mảnh đất anh hùng, một hậu phương, một tiền tuyến đã góp phần vun vén hạnh phúc cho người lính ra chiến trận. Và 33 năm sau…

Lá thư tìm cha

Câu chuyện bắt đầu từ một lá thư gửi từ Kiên Giang về chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…". Và những người làm chương trình đã không thể cầm lòng khi đọc những dòng này:

"Như bao người con trên cõi đời này khát khao tình cha, tôi đã tìm cha qua đồng đội của người, qua trang web nhắn tìm đồng đội, qua nhiều cuộc điện thoại đến các hội cựu chiến binh các tỉnh phía Bắc, nhưng tất cả đều vô vọng. Xót xa thay, tôi còn không biết năm sinh của ông, chỉ nóng lòng sốt ruột rằng thời gian trôi đi, nay nếu còn sống cha tôi đã ngoài 70 tuổi, biết có còn gặp lại… Nhưng tôi vẫn tìm, mãi tìm. Cha tôi tên Vũ Minh Châu, là bộ đội miền Bắc vào Nam chiến đấu, thuộc Trung đoàn 20, Đoàn Cửu Long. Mẹ chỉ biết quê cha ở Thái Bình".

Ông Vũ Minh Châu và bà Phan thị Tím hồi còn trẻ

Đó là lá thư của anh Nguyễn Thanh Tùng tìm cha. Hai tháng sau khi chương trình nhận được lá thư này và đã nắm trong tay vừa đủ lượng thông tin, PV Thanh Niên đã theo chân những người làm chương trình đi suốt đêm từ TP.HCM tìm về nhà anh ở xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang vào một ngày giữa tháng tám. Thật ngạc nhiên, ở vùng đất xa xôi này có rất nhiều cựu chiến binh miền Bắc, nhất là từ Thái Bình vào sinh sống.

Chú Nguyễn Huy Lực (Năm Lực – trước là trưởng ban trinh sát của Trung đoàn D20) giải thích rằng, nơi đây là vùng đất kết nghĩa anh em với Thái Bình. Trong những năm chiến tranh ác liệt, bộ đội miền Bắc vào Nam chiến đấu được bà con che chở, cùng ăn, cùng ở, cùng trú một hầm, cùng đội bom đạn… Tình quân dân thắm thiết như cá với nước. Sau chiến tranh, nơi đây được công nhận là xã anh hùng với 300 liệt sĩ. Một số người lính ở Trung đoàn D20 ngày ấy không nỡ xa bà con, họ ở lại Gò Quao để lập nghiệp, cùng bà con làm ruộng, thả cá.

Bà Phan Thị Tím, mẹ của anh Tùng, kể rằng, bà lấy chồng năm 20 tuổi, 4 năm sau, năm 1971 thì chồng hy sinh. Ngày nhận giấy báo tử, bà như chết đi sống lại. Nhưng vì hai đứa con, bà phải gượng dậy. Thói quen nhai trầu của bà có từ đó. Ngày ấy bà mới 24 tuổi, còn đẹp lắm, mọi người bảo bà phải nhai trầu, đặng cho răng đen để trông xấu và già hơn hòng tránh những điều không hay khi gặp địch. Bà đưa con về nhà mẹ rồi xin vào may quân trang cho Đoàn Cửu Long.

Năm 1972, các chiến sĩ miền Bắc trong Đoàn Cửu Long đóng quân tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc. Mỗi gia đình nuôi một chiến sĩ. Nhà má Lê Thị Mười đối diện với nhà mẹ của bà Tím có anh chính trị viên tên Vũ Minh Châu, người Thái Bình đang ở. Anh Châu hiền lắm, bà con ai cũng thương. Anh đặc biệt quý hai đứa bé con cô Tím. Anh chăm sóc chúng chẳng khác nào một người cha. Và má Sáu, mẹ cô Tím cũng thương anh như đứa con trai của mình. Thế rồi tình cảm giữa anh Châu và cô Tím nảy nở. Năm 1975, khi cuộc chiến kết thúc, anh Châu được điều xuống Cà Mau làm nhiệm vụ mới. Lúc này cô Tím đang mang thai. Khi đi anh ngỏ ý muốn đưa cô Tím và các con ra Bắc, nhưng má Sáu bảo anh cứ ra trước đi, lúc nào yên ổn thì mẹ con Tím sẽ ra. Thế rồi cuộc chiến biên giới Tây Nam diễn ra, những người lính lại tiếp tục lên đường.

Cuối năm 1975, cô Tím sinh con trai và đặt tên là Nguyễn Thanh Tùng. Cô không lấy họ Vũ của anh Châu để khai sinh cho con mà lấy họ của người chồng đã quá cố để đứa bé không cảm thấy bị lạc lõng với chị em của mình. Cuối năm đó, cô Tím có nhận được một lá thư của anh Châu. Anh bảo là đang ở Cà Mau, lúc nào có điều kiện sẽ về thăm mẹ con cô. Cô Tím lại lặn lội xuống Cà Mau nhưng muộn mất rồi, anh Châu nghe đâu là đi sang chiến trường Campuchia. Cô Tím trở về Gò Quao và bặt tin anh Châu từ đó đến nay.

Giờ đã 61 tuổi, bà Tím chỉ mong cho con một lần được gọi tiếng cha. Bà tâm sự: "Giờ già rồi chẳng mong gì hơn, chỉ muốn con nó được nhìn mặt cha. Còn thằng con của Tùng nữa, suốt ngày cứ thắc mắc, lúc nào thì cháu được gặp ông nội…".

 Và hai người phụ nữ

Thực ra những người làm chương trình đã có mặt tại thôn Dương Liễu, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình trước đó 1 tuần. Ở thôn Dương Liễu, nhà nào cũng có bộ đội. Ông Vũ Minh Châu giờ đã 71 tuổi nhưng vẫn phải luôn tay, luôn chân. Tối ngày 5.7, con cái của ông Châu đang theo dõi chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…" phát trực tiếp trên VTV1 bỗng reo lên khi thấy hình ảnh của bố và lá thư tìm cha của một người tên Nguyễn Thanh Tùng. Họ lập tức gọi điện về cho tổng đài 08 264 7777.

Khi biết con trai đi tìm mình, ông Châu không ngăn nổi dòng nước mắt. Ông kể rằng, ông vào bộ đội xa nhà từ năm 1960, mấy năm học nhảy dù rồi chuyển sang pháo cao xạ thuộc Đoàn pháo binh Biên Hòa. Năm 1964 về thăm nhà trước khi đi B, vợ mới có tin vui. Đó là đợt đi B đầu tiên, ông xác định chiến tranh ác liệt, đi không có ngày về. Đánh vào Sài Gòn năm Mậu Thân và sau nhiều trận lẫy lừng, ông về Đoàn Cửu Long phối hợp với bộ binh, pháo binh mà đánh cơ động. 13 năm kể từ ngày xa Thái Bình là 13 năm chỉ biết có sự sống và cái chết, chiến đấu và hy sinh, đơn giản là không có thời gian để nhớ về miền Bắc.?Đến khi chiến thắng cận kề vào năm 1974, mới chợt nhớ đến rằng mình đã 38 tuổi, rủi có hy sinh thì chẳng có người nối dõi. Ông có tình cảm với một người phụ nữ vợ liệt sĩ, người rất thương ông: “Bà ấy chỉ yên tâm khi tôi đi đánh nhau về đến nơi, bà ấy luôn sợ tôi hy sinh”.

Tiếng gọi "cha, cha ơi" của anh như xoáy sâu vào tim gan người chứng kiến. 33 năm nay, tiếng gọi giản dị mà thiêng liêng ấy mới được bật ra khỏi môi anh. Người cha già năm nay đã 71 tuổi, bao nhiêu năm đối mặt với mưa bom bão đạn không làm ông run, vậy mà giây phút ôm con vào lòng, ông lại run rẩy…

Chiến thắng xong, đi phép 1 tháng về Bắc, ông mới hay vợ vẫn chờ và mình đã có con trai 13 tuổi. Trả phép, ông nhận nhiệm vụ bên Campuchia, rồi từ đó dẫn đoàn phục viên ra Bắc. Ông cũng đã nghĩ tới chuyện quay trở vào Nam tìm bà Tím, tìm đứa con mà ông chưa biết trai hay gái, nhưng về nhà tay không, nhà thì mái rạ, gia cảnh quá khó khăn, một chuyến vào Nam trở nên không tưởng.

Vợ ông là bà Vũ Thị Tỵ, 68 tuổi, giờ lưng đã còng, chân đã run. Trước đây một mình bà vừa trông con, vừa chăm bố mẹ chồng, vừa cày cấy nhưng vẫn chắc tay súng dân quân. Khi ra đi, ông Châu dặn rằng: "Nếu ở được thì chờ, không ở được cứ đi bước nữa, chiến tranh không mong ngày về". Ngày ông trở về lành lặn, bà chẳng mong ước điều gì hơn. Chỉ có điều, bây giờ bà mới biết, ông có một đứa con riêng. Là một người phụ nữ, bà sẽ phản ứng như thế nào? Ông Châu kể rằng, cái hôm biết được tin con trai tìm ông, đêm bà Tỵ không ngủ được. Bà ấy bảo: "Ông thật làm tôi quá… phấn khởi, nhà ta có thêm con thêm cháu, sau này chúng đùm bọc lẫn nhau. Làm sao phải có bữa cơm ăn mừng để các cháu trong ấy ra, đưa cả bà ấy ra ngoài này để biết quê hương Thái Bình tí chứ!".

Bà Tím, ông Châu bế cháu nhỏ, anh Tùng trong ngày đoàn viên

Không phải ai cũng có được lòng vị tha và nhân hậu như bà Tỵ. Bà hiểu rằng, chiến tranh đâu biết được sống hay chết. Lúc khó khăn nhất chồng bà có người chăm sóc và yêu thương, bà rất biết ơn. Vì sức khỏe, bà không thể vào đón con trai nhưng bà nhắn nhủ bà Tím và Tùng ra gặp mặt trong một ngày gần nhất. Và tại trường quay, bà Tím sau khi xem các phóng sự mới biết ông Châu đã có vợ trước khi vào miền Nam. Giây phút cha con gặp mặt, bà mừng mừng, tủi tủi. Nhưng bà bảo, chiến tranh mà…

Bảo Thiên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *