Báo chí
Những cuộc đoàn tụ sau hơn 1/2 thế kỷ
Ngày đăng: 09/06/2008 | Lượt xem: 1162
“Như chưa hề có cuộc chia ly…” số 7 được truyền hình trực tiếp trên VTV1 tối qua 7.6 lại gây xúc động mạnh cho khán giả với những cuộc đoàn tụ của cả một đại gia đình sau hơn nửa thế kỷ chia ly. Nhiều người đã thốt lên tại trường quay: "Không thể nào tin là chuyện này xảy ra!".
“Chuyện cổ tích thời hiện đại”
Trong chương trình số 6 diễn ra đêm 3.5, khán giả đã lặng người khi thấy hình ảnh ông Lê Văn Tấn, mái tóc bạc phơ với tấm ảnh thời thanh xuân của mình tha thiết nhờ chương trình tìm giúp mẹ và em gái. "Tôi đã đi khắp Trảng Bom, Long Khánh, Vũng Tàu, Sông Bé tìm dấu vết mẹ và em, nhưng vô vọng từ đó đến nay. Tôi ước gì chương trình giúp tôi được hưởng niềm vui đoàn tụ, dù chỉ ngắn ngủi". Thú thật đêm đó, khi rời khỏi trường quay, chúng tôi cứ ám ảnh mãi những lời tha thiết ấy của ông Tấn.
Trong chương trình số 7 tối hôm qua, ông Tấn được mời trở lại và ngồi ở hàng ghế khán giả. Người dẫn chương trình cũng ngồi bên cạnh và đề nghị ông nhắc lại thông tin tìm kiếm. Ông bảo: "Bà già tôi là Cao Thị Đầm, em gái tôi là Lê Thị Tới, ông già tôi là Lê Văn Vân, bị giặc bắt và đày ra Côn Đảo năm 1950. Tôi đi thoát ly và năm 1954 tập kết ra Bắc mà không kịp về chào mẹ và em. Từ đó đến nay tôi sống mà không gặp lại họ hàng ruột thịt nào". Ông Tấn đi thoát ly từ khi mới 11 tuổi, tính ra đã 58 năm và theo lô-gíc câu chuyện thì cũng không có nhiều hy vọng để đạt được ước nguyện đoàn tụ những năm cuối đời của mình. Chính ông cũng bảo: "Thú thật tôi cảm thấy rất mong manh. Tôi đã 70 tuổi, bà già tôi trẻ lắm cũng đã 90, tôi chỉ hy vọng tìm được đứa em ruột và những đứa em cùng mẹ khác cha".
Ông Lê Thanh Tấn gặp lại họ hàng
Thế nhưng khi ống kính camera ngược trở lại sân khấu chính thì khán giả bắt đầu hồi hộp. Một vị khách mời lạ hoắc, tên Lê Văn Tự, tự giới thiệu những thông tin của mình một cách từ tốn trong khi ở hàng ghế khán giả, ông Tấn bắt đầu lấm tấm mồ hôi. Ông Tự nói mình là trưởng chi họ Lê ở thôn Trung Phụng, xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định. Tại trường quay, ông đưa ra tấm gia phả dài như… chiếc chiếu, rồi kể luôn một hơi, trong đó có đoạn: "… bố tôi là Lê Văn Toán, kế là chú Lê Văn Vân, cô Lê Thị Đỏ, cô Lê Thị Mừng, Lê Thị Nhuần… năm 1940 chú Vân đi phu đồn điền vào Nam, dắt theo cô Nhuần, vợ là Cao Thị Đầm và con trai là Lê Văn Tấn…".
Ông Tự cũng cho biết khi ông Vân mất, gia đình có nhận được thư của vợ ông báo tin, trong đó có nói rõ "con trai con (tức ông Tấn) bỏ đi đâu không rõ" và những người thân ở quê Nam Định cũng đã từng tìm kiếm mà không có kết quả. Sau giải phóng, từ thông tin của một anh bộ đội trong đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam mang về, đại gia đình họ Lê đã cử hai thành viên vào Nam tìm thân nhân. Và năm đó, một cuộc đoàn tụ âm thầm đã diễn ra ở Đồng Nai, khi hai người ấy tìm gặp cô Đỏ, cô Nhuần, đồng thời biết tin bà Đầm đã đi bước nữa và ở Long Khánh. Nghe ông Tự kể đến đây, ông Tấn đã không còn kềm được xúc động nữa. Ông lên sân khấu, nghẹn ngào ôm chầm ông Tự…
Cũng tại trường quay, ông Tấn biết được thông tin cha ông bị giặc Pháp bắn chết tại Suối Đen, Đồng Nai, hy sinh vào năm 1947, chứ không phải bị bắt đi tù Côn Đảo năm 1950 như ông vẫn tưởng lâu nay. Mẹ ông cũng đã qua đời. Người em của ông, bà Tới cũng có mặt ở trường quay cùng với chồng là ông Tuynh. Điều trớ trêu là cũng ở Trảng Bom, mà gần 60 năm qua họ không hề hay biết. Bản thân ông Tấn, suốt hơn 20 năm tập kết tại miền Bắc cũng hoàn toàn không hay biết gì về đại gia đình của mình ở Nam Định mà cứ đinh ninh là "tôi quê ở Trảng Bom". Trước khi từ biệt khán giả, ông Tấn xúc động: "Tôi không thể nào nghĩ chuyện này xảy ra. Tôi nghĩ đây là chuyện cổ tích thời hiện đại".
Những tấm ảnh trở về từ bên kia quả địa cầu
Nếu như "chìa khóa" của những phút đầu là gia phả của dòng họ Lê ở Nam Định thì từ phút thứ 40 trở đi, kịch tính của chương trình càng lúc càng được đẩy cao qua câu chuyện về cuộc hành trình của những tấm ảnh gia đình họ Phan sau hơn nửa thế kỷ.
Vào cuối năm 1950, một thanh niên Việt Nam tên Phan Văn Tức, 25 tuổi, từ Sài Gòn sang Paris du học. Trong hành trang anh mang theo có những tấm ảnh gia đình. Ở đất khách quê người anh lập gia đình và có 3 người con. Đến năm 1973, những tấm ảnh ấy theo ông Tức sang Canada định cư, rồi từ đó theo người con gái đầu (lai Pháp) của ông về đảo Martinique ở biển Caribe.
Tại trường quay, khi người dẫn chương trình dứt lời thì một phóng sự "Tây" bất ngờ được chiếu lên, đưa khán giả đến một hòn đảo xa lạ, diện tích chỉ hơn một ngàn cây số vuông của nước Pháp. Rồi trong dòng người Pháp bước lên hòn đảo này vào tháng 4 năm ngoái có một người Việt Nam, tên là Đào Đăng Trọng Giao. Ở một quầy bán báo, ông Giao đã tình cờ gặp một kỷ niệm "dắt dây" đến chương trình này. Người phụ nữ bán báo mang hai dòng máu Việt – Pháp hôm ấy sau khi biết ông Giao là người Việt Nam thì rất mừng và kể luôn câu chuyện của mình để nhờ tìm giúp thân nhân ở Việt Nam. Cảm kích tấm lòng của người phụ nữ ấy, ngay sau khi về nước ông Giao đã thông qua người cháu gái ở TP.HCM đăng tin tìm kiếm giúp. Và khi chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly…" ra đời, lập tức trở thành điểm tựa cho người cháu gái ông Giao thực hiện ước nguyện giúp người phụ nữ mà chị chưa từng quen biết ở cách xa nửa vòng trái đất. Người phụ nữ đó là chị Lynda. Chị Lynda kể trong phóng sự: "Tôi sinh ở Pháp tháng 5.1955, cha là Phan Văn Tức, trước khi qua Pháp cha tôi đã có gia đình ở Việt Nam và có 2 con, là anh chị cùng cha khác mẹ của tôi. Tôi chưa bao giờ biết anh chị cùng cha khác mẹ, nhưng nhớ đến cha tôi, tôi mong có dịp về Việt Nam gặp anh chị". Chị Lynda cũng gửi kèm theo những thông tin ít ỏi ấy 5 tấm ảnh gia đình, tất cả đều đã ngả màu thời gian.
Phóng sự vừa dứt thì người dẫn chương trình giới thiệu một gia đình có vẻ như không liên quan gì đến họ Phan và nước Pháp, bao gồm bà Châu Thị Cúc, ông Châu Văn Nhơn cùng một người đàn ông tên Hoàng. Tuy nhiên bà Cúc cho biết: "Gia đình chúng tôi quê gốc ở Gò Công. Anh cả của chúng tôi là Phan Văn Tức, sinh năm 1926. Khi anh Tức đi Pháp vào năm 1951, anh đã có vợ và 2 con, một trai một gái". Bà Cúc, ông Nhơn mang họ Châu của mẹ.
Thì ra, khi những tấm ảnh của chị Lynda gửi về được đưa lên sóng truyền hình, bà Cúc và những người thân đã nhận ra anh trai của mình. Bà kể, gia đình họ Phan của bà là một gia đình giàu có từ Gò Công lên Sài Gòn sinh sống từ những năm 30 của thế kỷ trước. Bà là con gái duy nhất, học hết cấp 3 thì ở nhà thay mẹ quản lý gia đình. Khi người anh cả (ông Tức) lấy vợ, sinh con, rồi đi Pháp và bặt tin luôn, bà trở thành người trụ cột của gia đình. Nhiều năm qua, sau khi 2 người con của ông Tức rời Việt Nam đi định cư ở nước ngoài, bà đã đưa ảnh ông Tức lên bàn thờ. Nhưng bà bảo khi nhìn thấy những tấm ảnh trên truyền hình thì "sợ quá, bỏ ảnh anh Tức xuống liền". Bà Cúc gỡ hình trên bàn thờ xuống và cũng hy vọng rằng anh mình vẫn còn sống…
Riêng trường hợp này thì vài ngày trước đã diễn ra một cuộc đoàn tụ cảm động qua internet. Những người làm chương trình đã mở một cuộc chat video, nối 6 máy tính ở 6 địa danh trọn một vòng quanh trái đất. Chị Lynda ở Martinique cùng 2 em ở Lyon lần đầu tiên gặp 2 anh chị cùng cha của mình. Anh Thiện Mỹ ở Paris. Còn ở Canada là chị Nga. Đấy là lần đầu tiên 2 anh chị biết tin về người cha sau 1955, và về việc có thêm những người em.
Tiếc là một câu hỏi vẫn chưa được trả lời, rằng vì sao ông Tức bỏ đi không một lần liên lạc? Chị Lynda kể trước lúc qua đời, cách đây 5 năm, ông Tức dặn chị rải tro của ông xuống sông, từ đó tro sẽ trôi ra biển để rồi một lúc nào đó sẽ được trở về với sông Mê Kông…
Chương trình còn được phát lại lúc 14 giờ thứ bảy tuần tới (14.6), trên VTV1.
Tình quân – dân và cuộc tìm kiếm 29 năm
Anh Trần Viết Tân mang đến tấm chăn còn giữ được từ những ngày tháng ở nhà chị Liên
Một cuộc đoàn tụ trọn vẹn khác cũng khiến cho khán giả không thể cầm được nước mắt trong chương trình tối qua thông qua câu chuyện của chị Long Thị Hồng Liên. Gia đình chị Liên trước kia sống ở một bản nhỏ tại Cao Bằng, năm 1979, anh bộ đội Trần Viết Tân đóng quân ở nhà chị và để lại những tình cảm quân dân thắm thiết.
Một năm sau, anh Tân xuất ngũ về quê ở Hà Tây làm đủ nghề để nuôi mẹ già, rồi tạo lập gia đình riêng nhưng vẫn không quên được gia đình chị Liên. Anh đã 2 lần trở lại Cao Bằng tìm thăm nhưng do gia đình chị Liên đã chuyển vào Lâm Đồng lập nghiệp nên mất liên lạc. Ngược lại, gia đình chị Liên cũng luôn tìm kiếm tin tức anh Tân nhưng không có kết quả. Khi biết về nhịp cầu đoàn tụ này, chị Liên đã lập tức đăng ký nhờ chương trình tìm giúp và tối hôm qua, chương trình đã tác thành cuộc gặp gỡ cảm động nà.
if (document.currentScript) {