Báo chí
Hành trình đoàn tụ
Ngày đăng: 20/05/2008 | Lượt xem: 1102
Khoảnh khắc đoàn tụ của anh Trần Ngọc Châu và gia đình sau 35 năm lưu lạc (ảnh do nhà báo Thu Uyên cung cấp) |
Nụ cười và nước mắt của các nhân vật được gặp lại nhau trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly khiến người xem cảm thấy nghèn nghẹn. Giữa bôn ba đời người, những trái tim tha thiết tìm nhau làm nên điều kỳ diệu
Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, chỉ mới phát sóng đến số thứ 6 nhưng đã mang đến niềm hạnh phúc cho hàng chục gia đình, hàng chục số phận được đoàn tụ trong vòng tay người thân.
Đường về hạnh phúc
Chứng kiến hình ảnh xúc động về cuộc đoàn tụ của anh Nguyễn Văn Linh và gia đình đã thất lạc hơn 20 năm trong chương trình đầu tiên được phát sóng (tháng 11-2007), người xem như hòa cùng niềm hạnh phúc vỡ òa của nhân vật. Bao nhiêu năm bặt tin nhau và nước mắt cứ rơi dài theo những cuộc tìm kiếm trong vô vọng, gia đình anh Linh có lẽ không thể nào ngờ được ngày của hơn 20 năm sau, họ được đoàn tụ cùng nhau.
Có hơn 1.300 hồ sơ gửi về chương trình. Và đến thời điểm này, những người thực hiện đã hoàn thành được 45 hồ sơ, trong đó có hai trường hợp tìm kiếm ở nước ngoài.
Những cuộc chia ly đau xót khác ngỡ sẽ mãi mãi là chia ly, như anh Trần Ngọc Châu hơn 30 năm sau đã gặp lại gia đình; anh Nguyễn Hữu Thành chào đời 35 năm mới nhìn thấy cha mẹ ruột; ba chị em Trần Thị Lạc, Phạm Thị Lời và Ka Hin Biêu, 33 năm chông chênh đi giữa cuộc đời không có người thân ruột thịt, cuối cùng đã tìm thấy vòng tay của người thân. Nước mắt đoàn tụ hòa trong nụ cười và niềm hạnh phúc của họ khiến người xem nghẹn lòng.
Sau những thăng trầm của thời cuộc, có những người lạc nhau khi tóc còn xanh đến khi gặp lại, tóc của họ đã pha màu muối và những nếp nhăn cũng hằn sâu trên khóe mắt. Những giọt nước mắt khóc tìm người thân tưởng như đã khô cạn từ ngày xưa, nay lại tuôn nhòa trên những gương mặt rạng rỡ nụ cười hạnh phúc trong ngày đoàn tụ. Tháng năm trôi, mọi thứ đều có thể đổi thay, chỉ có yêu thương là không bao giờ thay đổi.
Đó như là những món quà kỳ diệu mà chương trình tặng cho bao tâm hồn và số phận chẳng may thất lạc nhau. Nhà báo Thu Uyên, biên tập viên chương trình, chia sẻ: “Tiếp xúc với rất nhiều số phận ở những niềm vui, nỗi buồn sâu nhất, được sống bằng niềm hạnh phúc của họ, tôi không thể không rơi nước mắt! Có người òa khóc, có người dường như tê liệt trên sân khấu khi gặp mặt người thân, cách nào cũng làm cho chúng tôi xúc động đến tận đáy lòng”.
Còn những day dứt, xót xa
Đội tìm kiếm của chương trình đã làm việc hết mình để có thể biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Bắt đầu bằng những địa chỉ trong hồ sơ, đội tìm kiếm lên đường về các huyện – xã, sàng lọc danh sách những người có tên cần tìm kiếm. Chấp nhận đi bất cứ nơi đâu chỉ cần tìm ra được một thông tin quan trọng. Có khi tìm ra ngay, nhưng cũng có lúc phải mất nhiều tháng, cả đội mới tìm thấy. Chị Thu Uyên kể: “Khi nghe anh em trong đội tìm kiếm báo về: “Tìm ra rồi!”, “Có người nhận rồi!”, hay nhận được điện thoại: “Cô ơi, tôi đây!”, trong đầu tôi luôn vang lên một câu duy nhất: “Trời ơi, người thân của họ chưa biết gì cả!”. Những người thất lạc đi tìm kiếm người thân, không biết rằng người thân cũng đi tìm họ, thậm chí đường đi rất nhiều lần giao nhau. Có khi hai cha con ở cùng một thành phố, qua hàng chục năm mà cứ đi tìm nhau; có khi một dòng họ sống cùng một nơi mà phải vòng ra Bắc mới tìm lại được…”. Đó là hành trình của những trái tim nối liền những trái tim. Khán giả cũng đã trở thành những người góp một nhịp cầu cho hành trình đoàn tụ.
Đã bắc nhịp cầu hạnh phúc cho biết bao gia đình, nhưng cũng có lúc những người thực hiện chương trình phải đau xót khép lại hồ sơ và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến nhân vật của mình. Day dứt nhất là hình ảnh nhạc công Cao Thanh Hùng lặn lội đi tìm bà ngoại, vì những u uẩn trong lòng mà bỏ nhà ra đi, để rồi nghẹn ngào khi hay tin người bà 82 tuổi của anh đã qua đời, bơ vơ giá lạnh một mình trên băng đá ven đường. Đã có 5 trường hợp như thế mà chính những người thực hiện chương trình cũng chỉ biết cúi đầu chia sẻ.
Hạnh phúc như chưa hề có cuộc chia ly của những cuộc đời thất lạc cũng chính là hạnh phúc dành cho những người thực hiện chương trình. Nhà báo Thu Uyên chia sẻ: “Sau mỗi cuộc đoàn tụ, chúng tôi đều được các gia đình xem như người trong nhà. Và đối với chúng tôi cũng vậy, cuộc sống của họ trở nên gắn bó và thân thuộc hơn”.
600 người tình nguyện tìm kiếm Đội tìm kiếm của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly hiện nay chỉ có 7 người, được tuyển vào làm việc như một công chức và được đào tạo chuyên môn. Với lượng hồ sơ gửi về lên đến con số hàng ngàn, mỗi người có khi phải chịu trách nhiệm tìm kiếm cùng lúc cho cả gần 10 hồ sơ. Phải thường xuyên di chuyển, làm việc tại các tỉnh xa là “chuyện thường ngày” của các thành viên đội tìm kiếm. Họ sẵn sàng bôn ba khắp miền xuôi, miền ngược chỉ để xác minh một nguồn tin nhỏ. Có những lúc hành trình tìm kiếm như mò kim đáy bể, nhưng niềm tin và sự kỳ vọng của những người đang mong chờ phút giây đoàn tụ đã thôi thúc họ. Đi tìm sự đoàn tụ cho nhiều số phận nhưng sự chia ly vĩnh viễn lại xảy đến với những người thực hiện chương trình khi anh Lý Trung Dũng – thành viên đội tìm kiếm – đã ra đi vì bị đột quỵ. Những người được anh giúp đoàn tụ đã về quê anh ở tận Tiền Giang để tiễn đưa anh. Hiện dự án đang được mở rộng dần, ngoài những thành viên chính thức của chương trình, lực lượng tìm kiếm đã có hơn 600 người đăng ký làm tình nguyện viên. Trong khả năng có thể, họ sẽ hỗ trợ những người thực hiện chương trình sớm nối những nhịp cầu hạnh phúc. |
if (document.currentScript) {