Báo chí

Anh em sinh đôi tìm được nhau sau 43 năm

Ngày đăng: 01/08/2020 | Lượt xem: 2489

Chồng ốm nặng, bà Liên đành phải gửi hai con Thanh, Cảnh cho người khác nuôi. 20 năm sau bà tìm được Thanh, nhưng tận 43 năm mới tìm thấy Cảnh.

Đó là một đêm hè năm 1977. Giữa lúc trời đang nổi cơn giông, bầu trời thi thoảng sáng bừng lên vì những tia chớp rạch ngang dọc. Sấm nổ đùng đùng, mưa và gió lớn thổi bay một góc mái nhà tranh nhưng bà Phạm Thị Liên chẳng còn tâm trí nào để ý. Người phụ nữ đầu trần, đội mưa gió cõng chồng chạy đến trạm xá cấp cứu. Trong nhà chỉ còn 5 đứa con rúc dưới gầm giường. Một người hàng xóm thương tình ném vào quả bưởi, người anh cả vận sức bóc trong ánh mắt háu đói của đàn em.

Người cha của 5 đứa con, ông Trần Văn Tràng bị bệnh dạ dày cấp tính, mấy lần tưởng không qua khỏi. Một mình người mẹ chèo chống nuôi đàn con thơ và chồng không nổi. Sau cùng bà phải bán nhà lấy tiền chữa bệnh cho chồng. Cả gia đình rời quê Kim Thành, Hải Dương đi về hướng Lạng Sơn.

Vợ chồng ông Chàng, bà Liên cùng các con Trường, Thanh, Cảnh và... (từ trái qua). Ảnh: Phan Dương.

Vợ chồng ông Tràng, bà Liên cùng các con Trường, Thanh, Cảnh và Tý (từ trái qua). Tại Hải Dương ông bà sinh được 5 con, sau khi lên Lạng Sơn thì có thêm 2 con nữa. Ảnh: Phan Dương.

Dọc đường, họ vừa đi vừa xin ăn. Bảy người trong gia đình vạ vật, khi là mái hiên, lúc là ga tàu. Một ngày cuối năm ở ga Bắc Ninh, ông Tràng lên cơn đau thập tử nhất sinh. Thấy gia đình khổ sở, nhiều người gợi ý bà Liên cho bớt con đi làm con nuôi nhà khác. Bà nghĩ, cho con đi thì xót nhưng ít nhất “theo người ta còn có cơm ăn chứ ở bên mình sống nay chết mai”. Rồi bà quyết định cho đi hai cậu con trai sinh đôi mà ông bà đặt tên là Thanh – Cảnh để lấy tiền chữa bệnh cho chồng.

Thanh được cho về một gia đình ở Bắc Giang, còn Cảnh ở Bắc Ninh. Người mẹ cẩn thận ghi lại địa chỉ để sau này còn tìm lại. Ngoài cho đi cặp sinh đôi, hai người con thứ hai và thứ năm cũng được gửi đi chăn trâu, làm thuê cho người ta kiếm cái ăn.

Cả nhà còn lại đi dần lên Lạng Sơn. Do không có giấy tờ, họ lang thang khắp nơi, làm thuê kiếm sống.

Trong ký ức của mình, anh Trần Văn Cảnh chỉ còn nhớ một buổi sáng mùa đông, khi tỉnh dậy cậu bé 5 tuổi òa khóc vì không thấy mẹ cha, anh em, mà là một người phụ nữ xa lạ. Khóc chán, cậu được cho ăn, tắm nước nóng và thay một bộ đồ mới. Từ đó Cảnh ở với bố mẹ nuôi tại Tiên Du, cách ga Bắc Ninh 12 km với cái tên mới là Đức.

Bố mẹ nuôi của Cảnh lấy nhau 11 năm không có con. Bố làm trong quân đội nên điều kiện kinh tế tốt, Cảnh được ăn no, mặc ấm và đi học. Điều bất ngờ là sau khi nhận con nuôi, người mẹ bỗng nhiên được 3 đứa con. Chồng công tác xa nhà, một mình bà gồng gánh nuôi 4 con vất vả. Bà đành tìm về ga Phú Thái (Hải Dương) để tìm lại gia đình thật sự cho Cảnh. Về đây, bà được dân làng chỉ đến gia đình ông bà Trần Quốc Lộ, trú tại Phúc Thành (Kim Thành, Hải Dương) cũng bị lạc mất con.

Đến nơi, bà mẹ nuôi bất ngờ khi thấy em bé của gia đình ông Lộ có nét rất giống với Cảnh. Nghĩ đây chính là gia đình ruột của con, bà để lại địa chỉ của mình. Về phía gia đình ông bà Lộ, ngay tối hôm ấy đi làm về biết tin về đứa con thất lạc, họ sung sướng không thể ngủ. Ngay trong đêm họ chuẩn bị đồ đạc, sáng sớm lập tức tìm đến Bắc Ninh. Nhìn thấy Cảnh, trái tim người mẹ xa con bao năm đinh ninh đây chính là con ruột của mình bị lạc nên đón anh về nuôi. Lúc này, Cảnh vừa tròn 17 tuổi, đang học lớp 11.

 Khi về ở tại gia đình, anh biết mình không phải con họ. Người con của họ bị thất lạc khi đi xem đá bóng, chơi trốn tìm với người cậu nên bị lạc, khác với Cảnh được cho làm con nuôi. Song vì gia đình quá tốt, quyến luyến nên anh ở lại. Đến tuổi trưởng thành, anh được bố mẹ nuôi thứ hai lấy vợ, cho đất làm nhà như các anh chị trong gia đình.

Cuộc đời anh Cảnh thêm một lần biến động vào khoảng năm 30 tuổi. Vợ chồng xích mích, không thể sống được với nhau nên ra tòa ly hôn. Lúc này, anh Cảnh đã ở cùng gia đình nuôi thứ hai hơn 20 năm. Sau biến cố gia đình anh bỏ vào Nam sinh sống. Chàng thanh niên mưu sinh bằng các nghề làm mộc và sơn. Ngày đi làm, đêm về thui thủi một mình. Tới năm 38 tuổi, anh nên duyên mới với một người phụ nữ quê Thái Bình.

Chị Phạm Thị Luyến, vợ anh Cảnh, chia sẻ: “Nỗi buồn tủi không có người thân hiển hiện lên khuôn mặt anh ấy. Nhiều lúc nhìn chồng thừ người ra, xác ở đây nhưng hồn đi đâu mất”. Chị động viên chồng tìm về nguồn cội bằng cách viết thư lên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.

Anh Cảnh và vợ trong chuyến đi Sapa giữa tháng 6/2020, sau cuộc đoàn tụ. Họ thăm 2 người em đang lập nghiệp tại đây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Cảnh và vợ trong chuyến đi Sapa giữa tháng 6/2020, sau cuộc đoàn tụ. Họ thăm 2 người anh em đang lập nghiệp tại đây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau khoảng chục năm ở Lạng Sơn, gia đình ông Tràng trở về quê cũ. Trong thời gian này họ vẫn giữ liên lạc với những gia đình nhận nuôi. Khi các con trưởng thành thì lần lượt tìm về với gia đình.

“Chỉ riêng Cảnh, ngày cho con đi tôi yên tâm vì có giấy tờ cam kết, địa chỉ đầy đủ. Nhưng năm sau quay lại thăm mới biết họ cho địa chỉ không đúng”, bà Liên, 74 tuổi, chia sẻ.

Mỗi năm một lần, bà Liên quay về ga Bắc Ninh, đi hết từ xã này sang xã khác tìm Cảnh. Khi người con cả trưởng thành, anh thay cha mẹ đi tìm. “Từ năm 17 tuổi đến khoảng năm 30 tuổi tôi tìm em rất nhiều. Nghĩ không biết em ở đâu, ốm đau ra sao, sống chết thế nào là lòng quặn thắt”, anh Trần Văn Trường, 52 tuổi, bộc bạch.

Anh Trần Văn Thanh, người chia đôi giọt máu với Cảnh, chia sẻ thêm, từ năm 25 tuổi được bố mẹ nhận về, anh đã tham gia vào cuộc tìm kiếm. “Cùng được cho làm con nuôi, tôi trải qua buồn tủi, chắc em cũng vậy. Nhiều lúc ốm đau, tôi nghĩ chắc đứa em của mình cũng ốm. Nhưng sao tôi được về với gia đình, mà em thì không được?”.

Hè năm 2019, anh Trường gọi tất cả các em trai về, quyết tâm đi tìm Cảnh một lần quy mô nhất. Họ xuất phát từ ga Bắc Ninh, mỗi người đi về một hướng. Ngày hôm đó mưa rả rích từ sáng tới đêm, bốn anh em vẫn đội mưa mà đi.

Đến chiều, anh Trường nhận điện thoại từ người em thứ hai báo “đã tìm được một người có những đặc điểm gần khớp với Cảnh”. Từ tứ phía, họ hội tụ về khu vực cầu Bò Sơn. Tới nơi ai nấy hụt hẫng. Muốn biết có phải là Cảnh không chỉ cần nhìn vào anh Thanh, song người này không có nét giống.

Ngày hôm sau họ tiếp tục lên đường. Giống như bao lần, họ vẫn không tìm ra được một tin tức gì về Cảnh hay gia đình đã nhận nuôi.

Anh Thanh (trái) và anh Cảnh (phải). Gia đình đang lên kế hoạch tổ chức lại đám cưới cho anh Cảnh và vợ để bù đắp phần nào những thiếu thốn anh đã phải chịu đựng. Ảnh: Phan Dương.

Anh Thanh (trái) và anh Cảnh (phải). Gia đình đang lên kế hoạch tổ chức lại đám cưới cho anh Cảnh và vợ để bù đắp phần nào những thiếu thốn anh đã phải chịu đựng. Ảnh: Phan Dương.

Ngoài tự tìm, gia đình cũng gửi thư tới chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, từ tháng 8/2007. Sau nhiều năm không có tin tức, gần đây chương trình liên tục gọi cho gia đình bà Liên xác minh thông tin. Riêng phía anh Cảnh, do bị mất điện thoại và chuyển về Thái Bình sinh sống nên những người làm chương trình không thể liên lạc được. Mãi gần đây họ mới kết nối được với anh.

Nhận được tin báo đã tìm được gia đình, anh Cảnh vui không thể ngủ. Nhưng vì đã một lần nhận nhầm nên lần này anh nhất quyết không tham gia ghi hình nếu không được xét nghiệm huyết thống. Thông lệ của chương trình, khi tất cả các dữ liệu đều khớp sẽ không làm ADN, nhưng vì thương anh Cảnh nên họ đã chiều theo nguyện vọng của anh. Kết quả, người con lưu lạc đã tìm được cha mẹ, anh chị em ruột của mình sau 43 năm.

Đầu tháng 6 vừa qua, vợ chồng anh Cảnh xuất phát từ Thái Bình, đại gia đình bà Liên lên đường từ Hải Dương, cùng bay vào Sài Gòn chuẩn bị cho ngày đoàn tụ. 43 năm bao điều để nói, nhưng lúc nhìn thấy nhau chỉ còn lại là những giọt nước mắt, nụ cười và cái ôm thật chặt.

Nhớ lại giây phút nhìn thấy một người giống hệt mình ở trường quay, anh Cảnh kể: “Tôi giật mình. Cảm xúc lúc đấy lâng lâng, sung sướng, tim đập loạn xạ. Nếu biết là có anh sinh đôi, tôi đã chẳng đòi làm ADN nữa”.

Hơn một tháng sau ngày đoàn tụ anh Cảnh cười nhiều hơn cả 48 năm cuộc đời. Hầu hết thời gian qua, anh ở tại nhà bố mẹ ở Hải Dương và đi thăm các anh em đang sống ở Bắc Giang, Sapa.

Với người anh sinh đôi, Cảnh cũng thấy mối liên hệ mật thiết hơn những người thân khác. Họ ăn ý trong lối nói chuyện hài hước, chung sở thích ăn uống, thích được cùng tắm sông, ngủ chung và có trải nghiệm bị đau đầu, sổ mũi giống hệt nhau.

“Hôm đầu gặp, bố vợ anh nhận nhầm em là con rể”, anh Cảnh cười nói.

“Bữa ấy vợ em thì vỗ vai anh vì tưởng là chồng”, anh Thanh cười tiếp lời.


Vợ chồng ông Trần Văn Tràng và bà Phạm Thị Liên sinh tổng cộng được 7 người con, 6 trai, một gái. Hiện tại 6 người con trai đều đã trở về với gia đình. Riêng con gái Trần Thị Nhàn được một gia đình ở ga Lim, Bắc Ninh nhận nuôi. Những năm trước vợ chồng bà Liên vẫn qua lại với chị Nhàn. Khoảng 20 năm trước, chị Nhàn lấy phải người chồng nghiện ngập nên sau đó buồn chán bỏ đi không tung tích. Nhiều lần gia đình bà Liên đến địa chỉ cũ hỏi han vẫn chưa tìm được chị. Nay ước nguyện cuối đời của họ chỉ còn là tìm được người con gái này.


Nguồn: VnExpress (https://vnexpress.net/anh-em-sinh-doi-tim-duoc-nhau-sau-43-nam-4133539.html)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *