Truyền hình
NCHCCCL số 37: BÀI CA NGƯỜI LÍNH
Ngày phát sóng: 12/05/2010
Như chưa hề có cuộc chia ly… của tháng 12/2010 sẽ mang tới hai cuộc đoàn tụ mà thời gian chia ly là 50 năm tròn (từ năm 1960) và một trường hợp là từ… vô cùng, bởi họ chưa hề được gặp nhau, chỉ luôn mang theo trong túi áo những bức ảnh, dòng thư từ năm 1957, và mang trong tim một lời nguyện tìm các em cũng từ nửa thế kỷ nay rồi.
Họ là những ai? Nếu chúng tôi nói, họ từ những trang sách lịch sử bước ra, cũng không có gì sai. Lâu nay, thế hệ kế con cháu của những người lính chiến, chống Pháp, rồi chống Mỹ, có nghe bao lần những cái tên, như: Trung đoàn Phan Đình Phùng, trận An Khê trong 9 năm kháng chiến chống Pháp; trận Đắk Tô-Tân Cảnh, chiến dịch Bắc Tây Nguyên lần thứ nhất 1972, chiến trường Quảng Đà ác liệt,… Những bài hát như Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Người lái đò trên sông Pô Kô,… vẫn vang lên trong các quán Karaoke. Chúng ta có biết chắc, sau chiến công, những chiến binh đã đi đâu?… Những câu hỏi kiểu này trả lời chung chung thì dễ, mà nghĩ đến từng người, như mỗi số phận, thì rất khó.
Chúng tôi đã gặp vài người trong số họ. Có cô chú sau này vẫn đứng mũi chịu sào trong công tác, nhưng rất ngại kể lại những ngày mà sức trẻ vẻ vang cộng với tinh thần yêu nước được nhân bội khi còn bóng ngoại xâm, đã khiến mỗi người đều trở nên Thánh Gióng. “Chuyện ngày xưa, kể lại trẻ con nó không thích!” Một mình lặn lội đi tìm người thân, và đã tuyệt vọng cách đây đã mấy năm.
Câu chuyện về họ, không phải về chiến công. Mà về những con người, hết sức Việt Nam, khi đất nước cần, họ lên đường. Gác lại tình riêng, gác lại vui buồn sướng khổ. Ra trận. Như một câu thơ của Nhà thơ – Liệt sĩ Nguyễn Mỹ: “KHI TỔ QUỐC CẦN, HỌ BIẾT SỐNG XA NHAU” (Bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ”). Khi sạch bóng quân thù, họ trở về hòa với muôn người, và âm thầm giở ra rồi khép lại những niềm riêng. Thì phải là CHÚNG TA, những người bây giờ còn trẻ, mới mang lại cho họ được những ước nguyện đó!Có người thì chính sách chế độ vẫn chưa đến tay, cũng chẳng sao cả! Năm 1996 mới được công nhận là thương binh cho vết thương từ năm 1972. Cũng chẳng sao cả! “Giờ cái gì cũng tạm đủ, mình thì già rồi. Chỉ mong được gặp chị một lần nữa. Thế thôi!” Cái mà chú “có cả” đó, trước hết phải kể đến một cái đồng hồ 200.000 đồng vừa mới “tự tặng” cho mình khi nhận được tiền bồi dưỡng những người tham gia kháng chiến của Đảng và Nhà nước mới rồi. Còn người chị, chỉ có một lần chị em gặp nhau năm 1960, chị cho em một cây bút máy Trường Sơn màu đỏ…