Khán giả

Đồng đội ơi! Cứu với…

Ngày đăng: 16/02/2008 | Lượt xem: 1258

 Kính gửi Ban Biên tập chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…”
           Quả là xấu hổ khi phải thú nhận rằng, do đặc thù công việc nên mãi đến đêm cuối năm mình mới xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly…” lần đầu tiên. Nước mắt mình chảy dài từ đầu đến cuối chương trình và ước mong làm được việc gì đó giúp cho những người thiếu may mắn. Mình xin làm một tình nguyện viên để chương trình có thể gọi đi bất cứ nơi đâu trên mảnh đất Nghệ An, xin làm cơ sở tiếp đón các tình nguyện viên khác khi đến đây công tác.
Và, đây là câu chuyện hết sức thương cảm về hoàn cảnh gia đình của một cựu chiến binh kém may mắn rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
 
                 ĐỒNG ĐỘI ƠI! CỨU VỚI…
          Đó là tiếng kêu cứu xé lòng của cựu chiến binh Lê Văn Hóa xóm 1, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.  
Sau khi rời quân ngũ, anh Hóa kết duyên cùng chị Nguyễn Thị Tuyết cựu Thanh niên Xung phong. Năm 1978, chị sinh con trai đầu lòng Lê Văn Cường nhưng bị dị tật, hai cánh tay sa hẳn, mỗi bên vai lồi lên 2 cục, ốm đau quằn quại. Học đến lớp năm, cháu dần mất trí, ngẩn ngơ như kẻ mộng du. Năm 1982, chị sinh cháu thứ hai tên Lê Văn Việt, khỏe mạnh, bụ bẫm, đẹp như một thiên thần. Bỗng 13 tuổi, đầu cháu cứ lắc liên tục, chân tay rút lại co quắt rồi toàn thân cũng lắc theo. Từ đó, Việt nằm một chỗ miệng méo xệch, mỗi khi muốn trở dậy phải có người khiêng. Năm 1984, chị sinh được bé gái mũm mỉm, đặt tên là Lê Thị Hoa. Từ lớp một đến lớp ba, Hoa đều dẫn đầu lớp và luôn là học sinh giỏi huyện. Vào lớp bốn, cháu có hiện tượng đi lao về phía trước, thỉnh thoảng ngã bịch lúc nào không biết. Rồi chân tay cháu run như cầy sấy, không làm được việc gì, ngây dại, hú hét suốt ngày. Tưởng rằng đó đã là tột cùng của sự đau khổ, không ngờ, năm 1990 anh Hóa đổ bệnh; chân tay cứng đờ, mắt lồi, miệng méo, tai điếc, người cứ run lên bần bật, lúc tỉnh lúc điên. 

Gia đình anh Lê Văn Hóa

 
Khó có thể tả hết nỗi khốn khổ trong gia đình này, chị Tuyết một mình chăm sóc chừng đó con người vừa ngây dại ốm đau, vừa tàn tật lại không biết tự làm gì cho bản thân mình. Tất cả đều nhờ vào sự cưu mang của bà con hàng xóm bữa rau bữa cháo qua ngày. Giấy tờ mất sạch nên anh không được hưởng bất cứ một chế độ gì. Chị chỉ biết: “Anh tiếp quản sân bay Đà Nẵng, thủ trưởng là anh Nhàn, đồng đội là anh Cương, anh Oánh”. Còn quê ở đâu, tên đơn vị… đành chịu. Những phút Hiến hoi tỉnh lại, anh kêu: “Đồng đội ơi! Cứu… cứu…”.
 Chúng tôi tìm đến UBND xã Quỳnh Mỹ, mọi người đều xót xa: “Anh ấy đi bộ đội thật

Anh Lê Văn Hóa khi còn trong quân ngũ

nhưng biết làm sao!”. Khi đến huyện đội Quỳnh Lưu, vừa nghe trình bày, Thượng tá Hoàng Mạnh Cường –  Huyện đội trưởng – đã vội trực tiếp đưa tôi đến Ban Động viên. Tại đây, bằng sự nhiệt tình của Đại úy Trương Đắc Nguyệt, Trưởng ban Thống kê, tôi đã nắm được một thông tin quan trọng: “Đồng chí Lê Văn Hóa sinh năm 1952, nhập ngũ tháng 1/1972, xuất quân tháng 5/1976, chức vụ tiểu đội trưởng, đơn vị Bộ Tư lệnh Không quân, có 3 năm ở chiến trường BCK 559”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc. Bộ Tư lệnh Không quân cần có một phương án khả thi để giúp đỡ đồng chí Lê Văn Hóa. Ai là Nhàn, Cường, Oánh – những đồng đội cũ của anh Hóa – xin hãy tìm đến xác nhận cho anh, để cứu một gia đình cựu chiến binh đang đi vào ngõ cụt. Để đêm đêm, bà con không còn phải nghe tiếng thét xé lòng: “Đồng đội ơi! Cứu… cứu…”.
Nguyễn Đinh Lộc

}

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *