Khán giả

Giúp trẻ trở về với gia đình

Ngày đăng: 21/04/2011 | Lượt xem: 2033

Trong Chương trình, NCHCCCL số 41 “Đường trở về nhà” phát sóng trên VTV1 và VTV4 vào thứ 7, ngày 02/04/2011, vấn đề trẻ em bỏ nhà đi đã được đề cập với nhiều góc độ. Trong đó, cuộc đoàn tụ mà NCHCCCL mang tới cho các em và gia đình các em có thể xem như bước khởi đầu của một quá trình. Chương trình đã đề nghị các nhà tâm lý thông qua NCHCCCL hướng dẫn các gia đình có con hồi gia, để các bậc cha mẹ biết cách thể hiện tình yêu thương dành cho các em một cách hợp lý nhất trong hoàn cảnh của họ. Chúng tôi rất vui mừng, là ngay sau khi chương trình được phát song, 2 nhà tâm lý đã gửi ý kiến tư vấn rất khoa học, đồng thời rất nhân hậu, cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn ông Chu Văn Lễ – hiện đang làm việc tại Sở Giáo Dục thành phố Vancouver (Canada) và Thạc sĩ Tâm lý học Thanh Phương. Xin mời quí vị khán giả tham khảo.

>> Xem bài viết Vấn đề tâm lý của trẻ bỏ nhà đi của Ông Chu Văn Lễ – hiện đang làm việc trong ngành xã hội, chuyên về thanh thiếu niên và gia đình ở thành phố Vancouver (Canada).

>> Xem NCHCCCL 41 – Đường trở về nhà

>> Ngôi nhà từ thiện của trẻ em lưu lạc

Dưới đây là bài viết Giúp trẻ trở về với gia đình của chị Thanh Phương – Thạc sĩ Tâm lý học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên- hiện đang công tác ở Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI).

Thời gian những đứa trẻ rời xa gia đình là một khoảng thời gian giúp cho chính phụ huynh và các em nhìn lại bản thân mình, suy nghĩ về những việc đã qua, có lẽ phụ huynh và các em sẽ là những người hiểu nhau và hiểu vấn đề mình nhất, họ chính là những người hiểu rõ nhất mình muốn gì, cần gì. Qua chương trình, tôi cảm nhận rằng tình yêu thương gia đình, sự gắn kết của các thành viên trong gia đình mạnh hơn tất cả.

Với một số trường hợp thì sau khó khăn này, các thành viên trong gia đình sẽ thay đổi cách ứng xử để hòa hợp với nhau hơn. Nhưng, cũng có không ít trường hợp, sau khi trở về với gia đình trẻ lại tiếp tục bỏ nhà ra đi; và mâu thuẫn giữa trẻ và gia đình không bao giờ được giải quyết.

Trong bài viết này, tôi muốn chỉ ra một số khó khăn mà các em có thể gặp phải khi trở lại với gia đình cũng như một số cách để giải quyết khó khăn đó từ góc nhìn của một người làm về tâm lý.

1. Khó khăn của các em

Chạy trốn là một cách giải quyết những khó khăn"
: Trong cuộc sống, khi phải đối mặt với những điều khó khăn chúng ta thường nói “Mặc kệ”, hoặc “Không nói đến nó nữa”, “Khi khác giải quyết”… Đôi khi con người lựa chọn cách né tránh, chạy trốn để giải quyết vấn đề của mình. Khi lựa chọn cách dời bỏ gia đình mình, có thể mỗi em mang trong mình một suy nghĩ, cảm xúc khác nhau: Không muốn tiếp tục đối mặt với con giận dữ của bố, sự quát mắng của người mẹ, mâu thuẫn ở trường học; hoặc muốn bố/mẹ/người chăm sóc cảm thấy ân hận vì cách đối xử của họ… Đó cũng là cách các em mong cha mẹ hiểu, quan tâm đến các em nhiều hơn; các em đang cảm thấy lo sợ và không giải quyết được vấn đề này.

Những trẻ em đường phố được nuôi dạy tại TT Giáo Dục Thanh Thiếu Niên Gò Vấp

Cảm xúc ngày về: Dù rất mong muốn được trở về nhưng không ít em có cảm giác xấu hổ và không vượt qua được cảm xúc ấy. Một số trẻ cảm thấy hổ thẹn vì cách cư xử của mình; hoặc bởi thái độ dò xét, tò mò của những người xung quanh. Sau một thời gian xa nhà, khi trở về, các em sẽ phải học trong một lớp mới, môi trường mới, các em phải thích ứng và làm quen lại từ đầu. Không ít em bị bạn bè trêu trọc và được coi như những thành phần cá biệt. Hoặc trong một số gia đình khác thì các em lại được quan tâm, đáp ứng một cách thái quá… Xen lẫn trong niềm vui được đoàn tụ với gia đình, các em còn có nhiều cảm xúc khác: lo lắng, xấu hổ, buồn tủi, bối rối…

Thích ứng: Với những trẻ bỏ nhà lần đầu tiên khi trở về thường sống trong cảm xúc hạnh phúc, tin rằng mọi khó khăn đã được giải quyết, những khó khăn đã ở phía sau. Nhưng một thời gian sau, khi các em đã hiện diện lại trong gia đình, những thói quen, cách ứng xử, những xung đột trước đây có thể lặp lại (cha mẹ đánh cãi nhau, chán học, bố mẹ bận đi kiếm tiền không quan tâm đến con…) các em nhanh chóng có cảm xúc thất vọng, buồn chán. Và nếu những căng thẳng, những nhu cầu của các em không được giải quyết hoặc đáp ứng… thì các em có thể lại rời bỏ gia đình mình.

Tranh vẽ của một em trong TT Giáo Dục Thanh Thiếu Niên Gò Vấp

Để giúp các em có thể chủ động hơn khi trở về với gia đình, nên có những buổi trao đổi cùng các em về các chủ đề sau:

 (1) Mong muốn của các em khi trở về với gia đình và những mong đợi của gia đình đối với các em. Những điều nào em cảm thấy khó khăn khi phải thực hiện mong đợi của gia đình/người thân, những điều gì em mong muốn nhưng có thể không được đáp ứng, hay những điều nào các em cảm thấy không thể giải quyết/dung hòa được.

(2) Giúp các em hình dung những khó khăn mà các em có thể gặp phải khi trở về gia đình (mâu thuẫn với người thân/bạn bè; học lại lớp, sự hiếu kì của những người xung quanh…) và hướng giải quyết của các với những điều đó.

(3) Thảo luận về các cách giải quyết căng thẳng/xung đột:
    – Tại sao trước đây các em lại bỏ đi? Việc bỏ đi có ích lợi gì? (Giúp các em thoát khỏi khó khăn hiện tại…) Việc đó có những tiêu cực gì? (gây lo lắng/đau khổ cho người thân, có nhiều nguy cơ không may cho các em…)
    – Những cách giải quyết mới, và thảo luận về điểm tích cực và tiêu cực của các giải pháp đó ( ví dụ: im lặng sau đó giải thích sau, giải thích cho người thân hiểu cảm xúc của mình thời điểm đó…)
    – Giúp trẻ nhận trách nhiệm, những sai lầm về cách mà trẻ đã làm; hướng trẻ đến một cách ứng xử khác tích cực hơn.

 (4) Định hướng tương lai: Một số em đã ở độ tuổi thanh thiếu niên và bỏ nhà đi từ rất lâu, các em không còn hứng thú với việc học tập. Cần có hoạt động hướng nghiệp cho các em.

Những công việc này có thể được thực hiện bởi  nhân viên xã hội, người tư vấn tâm lý, có thể thay thế bằng những người thầy cô mà các em tin tưởng.

2. Khó khăn từ gia đình

Thường thì chúng ta dạy dỗ con cái mình theo như những trải nghiệm, kinh nghiệm chúng ta học được từ nhỏ. Nhưng không phải kinh nghiệm nào cũng hữu ích, và đôi khi chúng ta cần học hỏi những cách ứng xử mới để hiểu con cái mình hơn và giúp con cái hiểu cha mẹ hơn.

Chị Lê Thị Lan trò chuyện cùng con trai Trần Văn Hiệp tại TT Giáo Dục Thanh Thiếu Niên Gò Vấp TT

Đa phần, những đứa trẻ rời bỏ gia đình thường chia sẻ : “Bố/mẹ em là người rất nghiệm khắc”; hay “Bố/mẹ em dữ đòn lắm” hoặc “Em sợ bố/mẹ em lắm”…Phải chăng chúng ta nên suy nghĩ về cách giáo dục “Yêu cho roi cho vọt”?  Đòn roi và những lời la mắng “mày là đồ mất dạy”, “đồ hư hỏng”, “đồ vô giáo dục”…liệu có thực sự giúp con cái mình hiểu được nó đã sai ở đâu? Nó cần phải thay đổi như thế nào? Hay nó là cách mà cha mẹ/người chăm sóc cảm thấy thoải mái để giải tỏa cảm xúc tức giận của mình?… Tôi nghĩ rằng, những phụ huynh đang sử dụng cách giáo dục này nên tự hỏi “có thực sự mình đang giáo dục con mình và muốn nó tốt hơn” hay không? Và sau những lần kỷ luật này thì con mình có thay đổi tích cực hơn hay không? Hay con cái càng cảm thấy khó khăn khi muốn chia sẻ với bố/mẹ mình? Vơi cách dạy dỗ này, liệu lần sau con mình gặp khó khăn liệu nó có kể và kêu gọi sự giúp đỡ của cha mẹ hay không?

Ngược lại, đó là cách làm “yêu cho ngọt cho bùi”, lo lắng con mình buồn, thất vọng người cha/mẹ đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của con mà không cân nhắc điều đó có phù hợp hay không. Với cách làm này, người lớn thường cảm thấy an tâm là mình đã dành thời gian và vật chất cho con; nhưng lại không giúp trẻ hiểu được những ranh giới trong giao tiếp và trong nhu cầu của mình. Trẻ dễ bị cảm thấy thất vọng nếu một ai đó cư xử không như em mong muốn.

Những điều cha mẹ nên làm khi con trở về

Khi con trở về, bố mẹ và con cái nên trao đổi cởi mở về cảm xúc, suy nghĩ của mình về những điều đã qua.

Bên cạnh đó, mọi người nên thống nhất những quy tắc trong gia đình (VD: trách nhiệm của người cha mẹ, bổn phận của con cái; những mong đợi của các thành viên về nhau). Nếu như một thành viên nào đó vi phạm những quy tắc trong gia đình thì sẽ được các thành viên trong gia đình nhắc nhở và một số biện pháp “kỷ luật” (nhắc nhở, phải xin lỗi mọi người, sẽ bị phạt ở nhà và không được đi đâu…).

Hiểu thông cảm cho con cái của mình, việc các em rời bỏ gia đình nó là quyết định trong chốc lát, các em rời bỏ gia đình vì muốn thoát khỏi sự căng thẳng, giận dữ, lo lắng … không có nghĩa là các em không cần đến sự yêu thường, che trở của người thân. Ngược lại, đó là thời điểm các em cảm thấy bị tổn thương, yếu đuối, các em cần có thấu hiểu, bao dung của gia đình. Có thể cha mẹ sẽ cảm thấy rất giận dữ về việc con mình đã bỏ đi, trong trường hợp này, hãy nói cho trẻ biết những cảm xúc mà họ đã có. Nhưng không nên coi đó là một tội lỗi để mắng nhiếc, sỉ nhục đưa tra trong những lần họ giận dữ.

Thật may mắn là các em đã trở về và an toàn. Những khó khăn, những lo âu, những dằn vặt đã ở lại phía sau, có thể coi thời gian các em rời xa gia đình là thời gian tạm lắng để các thành viên nhìn lại mình. Nhưng, không ai có thể đảm bảo rằng những căng thẳng, xung đột trong gia đình sẽ không xảy ra, những bậc phụ huynh quyết định nên giải quyết căng thẳng, xung đột đó như thế nào.

Đây là một mô hình hỗ trợ và nó cần có sự kết hợp của những người làm chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý, xã hội; nếu đây là một hoạt động lâu dài bên mình có thể kết hợp với một nơi nào đó để làm mô hình tái hòa nhập cho những trẻ em đã bỏ nhà đi.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Thanh Phương
Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *