Hoạt động

Câu chuyện đoàn tụ: Không thể cắt chia

Ngày đăng: 16/09/2013 | Lượt xem: 2003

Quê hương mỗi người chỉ có một, một nơi thiêng liêng mà mỗi người một khi đã xa đất mẹ đều mong nhớ trở về. Câu chuyện của ông Châu Thọ Phong trong NCHCCCL số 66 vừa qua cũng là câu chuyện của một người con xa xứ. 65 năm qua đi ông vẫn luôn khắc khoải mong nhớ tìm về gia đình, quê hương nguồn cội của mình.

Nỗi nhớ nguồn cội khôn nguôi của một người con Miền Nam

Từ 65 năm nay, ông Châu Thọ Phong dù đã thay đổi họ tên, dù ký ức về quê hương đã phai nhòa đi  ít nhiều, nhưng cái tên mà cha mẹ đã đặt cho ông thì không một ngày nào ông quên. Ông Phong tên thật là Huỳnh Văn Mua, là con út trong một gia đình có bốn anh em. Tên mẹ thì dòng thời gian đã xóa nhòa trong ký ức của ông, nhưng ông còn nhớ mang máng tên cha ông, anh chị ông và thậm chứ là tên của ba người chú.

Ong mua

Ảnh Ông Mua lúc trẻ và hiện nay

Theo lời ông Mua kể, vào năm ông khoảng sáu hay bảy tuổi gia đình đưa ông vào nhà cậu mà không hiểu thế nào ông đi lạc mất. Ông chỉ nhớ mang máng nhà cậu ruột ở Quảng Nam, nhà gần đường xe lửa đi qua cây cầu và sông. Lạc mất gia đình không phải là chuyện hiếm, nhưng đó là cả một bước ngoặt lớn cho một người chưa đến tuổi trưởng thành, chưa thể tự nuôi thân, chưa có thể tự tìm lại người thân. Tuy nhiên, số phận lại cho ông Mua gặp và được ông Châu Thọ Thông nhận nuôi. Ông Thông là người mà ông Mua mãi luôn luôn biết ơn và kính trọng, cũng là một trong những người ảnh hưởng đến cuộc đời ông Mua nhiều nhất. Ông Thông đã cho người con nuôi của mình ăn học tử tế, còn cho đi học tại Trung Quốc và cũng đã truyền cho ông Mua tinh thần giữ nước quật cường và lòng yêu nước sắt son. Ông Thông trước là cán bộ Trung ương, cũng là một trong những vị đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Ông Mua từ đó chuyển tên thành Châu Thọ Phong, và lấy năm sinh là 1945.

MS1398 - Huynh Van Mua
Ảnh gia đình ông Mua chụp cùng ba nuôi

Năm 1954, ông theo bố mẹ nuôi ra Bắc tập kết. Ổn định ở Miền Bắc không lâu, năm 1968, ông lại khăn gói lên đường về lại Miền Nam chiến đấu. Con em Miền Nam được ưu tiên không đi bộ đội, nhưng ông Mua xin đi, vì ngày nào Miền Nam chưa hòa bình yên ổn, ngày nào đồng bào Miền Nam chưa đủ cơm ăn áo ấm thì lòng ông vẫn chưa nguôi. Đội của ông đóng ở địa đạo Củ Chi, rồi Lâm An, chỉ cách những người ông vẫn luôn mong nhớ chưa đầy 800km. “Từ khi ở trong chiến trường chiến đấu là không có thời gian để tìm quê. Thường là miệt mài chiến đấu.” – ông kể với chương trình. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc năm 1975, Miền Nam giải phóng, đất nước liền một dải, những người con xa xứ hạnh phúc tìm về với quê hương, với mái ấm gia đình. Riêng chỉ có ông là có muốn cũng không biết quê ở đâu mà về. Ông lại khăn gói ra Bắc rồi định cư tại Hòa Bình, quê hương thứ hai của vợ ông và giờ nó vùng đất này trở thành quê hương thứ hai của ông.Ông Mua luôn tự nhủ đời ông đẹp về hậu vận, gai đình đầm ấm, nhưng nỗi nhớ của ông về quê mẹ vẫn không nguôi. Ông về hưu năm 1980, vì tuổi đã cao và sức cũng đã yếu. Về hưu ở nhà, ngày ngày chỉ giúp việc nhà và quây quần bên vợ con. Càng hạnh phúc với gai đình nhỏ của mình, ông càng ray rứt nhớ về quê hương cội nguồn của mình. Nỗi day dứt như một lỗ hổng cho sự hạnh phúc trọn vẹn của đời ông. Cũng chính điều đó đã thôi thúc ông nhờ công an tỉnh Quảng Nam tìm giúp nhưng vẫn không có tin.

Hành trình tìm lại ký ức

Tháng 5 năm 2009 ông gửi thu về chương trình NCHCCCL như là ước vọng lúc cuối đời được gặp lại người thân, được biết về cội nguồn bên nội ngoại. Nếu anh chị không còn thì cũng hy vọng được gặp con cháu, được thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên để tròn tâm nguyện trước khi nhắm măt. “Kính thưa các đồng chí, tôi cha mẹ nhà cửa ở đâu không biết… Nay nhờ có chương trình nhân đạo các đồng đang làm, bản thân và gia đình rất đỗi vui mừng, nhờ có các đồng chí thay mặt cho Đảng – nhà nước đem lại niềm vui cho những người bất hạnh như chúng tôi” – trích trong thư ông Mua gửi Chương trình. Những dòng tâm huyết của ông đã khiến chúng tôi càng quyết tâm hơn để tìm lại quê hương cho ông, một người lính đã rong ruổi trên mọi miền Tổ quốc nhưng lòng vẫn luôn hướng về quê mẹ.

song thu bon

Con sông in đậm trong ký ức của ông Mua.

Sau nhiều ngày liên lạc với ông Mua để biết rõ hơn những ký ức còn vương vất của ông về quê hương, Chương trình đã nhanh chóng kết nối với Ủy ban Huyện Điện Bàn để hỏi thông tin về tộc họ Huỳnh Văn – cái họ mà theo trí nhớ của ông thì anh chị em ông đều mang. Chúng tôi suy đoán đó hẳn phải là một dòng họ lớn và lâu đời. UBND Huyện Điện Bàn đã giúp chúng tôi khẳng định điều này và còn cho biết có một số ít tộc này hiện đang sống ở 2 xã Điện Thọ và Điện Quang. Chúng tôi lại kết nối với các xã Điện Thọ và Điện Quang. Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND xã Điện Thọ và Điện Quang, cùng với sự hỗ trợ của anh Lô – một tình nguyện viên mà chương trình đã tìm được những người thân ruột thịt của ông Mua. Thật mừng làm sao khi được biết các anh chị của ông tuy tuổi đã cao nhưng đều sống khỏe mạnh, ngoại trừ chị Huỳnh Thị Hà, người đã dắt ông Mua bỏ đi thì cũng bặt tin từ ngày đó. Ai trong nhà cũng ngày ngày mong nhớ ông Mua trở về, chúng tôi mang tin vui đến mà lòng cũng quá đỗi vui mừng. Chúng tôi được biết thêm Bà Huỳnh Thị Luyến, chị cả, năm nay đã 92 tuổi, hiện đang sống ở Thừa Thiên Huế. Còn người chị mà ông Mua nhớ nhất là bà Năm Ngoạn thì nay cũng đã 85 tuổi.

Theo lời kể của bà Huỳnh Thị Ngoạn và ông Huỳnh Bán (anh chị của ông Mua) thì dòng họ ông Mua là tộc Huỳnh Đình, chứ không phải Huỳnh Văn Mua như ông vẫn nhớ, gốc gác ở xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trước 1945, do chiến tranh nên  gia đình sơ tán về Thanh Gián, Thanh Khê, Đà nẵng. Khoảng 1947, gia đình tiếp tục chạy về Gò Nổi ở xã Điện Trung, Điện Bàn và một thời gian ngắn sau đó lại chuyển đến khu vực gần cầu Kỳ Lam. Ngày ông Mua mất tích là ngày Pháp càn trên cầu Kỳ Lam, không thấy ông Mua về, gia đình lo lắng sợ hãi không ngơi, cứ tưởng là ông đã mất. Bà Ngoạn đã vui mừng biết bao khi nghe ông Mua còn sống khỏe mạnh. Từ ngày ông Mua đi mất, bà đã rong ruổi không biết bao nhiêu xã, bao nhiêu huyện để tìm người em thương yêu của mình bao năm không thấy, nên đã chọn ngày 24 tháng 7, ngày mà Pháp càn, làm ngày để thờ cúng ông Mua và bà Hà mỗi năm.

Bên ngoại của ông Mua thì khó tìm hơn bên nội, vì theo trí nhớ của ông thì họ ngoại là Nguyễn, nhưng thực ra lại là Trịnh. Chúng tôi lần theo họ Trịnh và cuối cùng cũng tới được Đà Nẵng. Tại thành phố Đà Nẵng này, cũng có một gia đình khác quá đỗi hạnh phúc với tin ông Mua sắp về với quê hương: gia đình anh trai kế của ông, là ông Huỳnh Đình Bán, nay đã 80 tuổi. Ông Bán, mắt đã mờ và cũng đã không còn nói được lưu loát nhưng khi được hỏi ông sẽ nói gì nếu ông Mua đang ngồi đây, ông đã không kìm được nước mắt. Dù tuổi tác của các ông các bà đã cao, nhưng may mắn làm sao khi ông Mua vẫn còn cơ hội đoàn viên với cả 3 anh chị mình.

Hạnh phúc đoàn tụ

Ngày 7 tháng 9 năm 2013, ông  Huỳnh Đình Mua cùng người vợ cần mẫn của mình đến trường quay lúc 7 giờ tối. Ông ngồi trên ghế khán giả với vợ mình mà lòng thấp thỏm bồi hồi chờ đợi cái giây phút mà ước muốn nhỏ nhoi của ông bao năm qua thành hiện thực mà không biết rằng chị gái lâu ngày nhớ thương cùng họ hàng của ông chỉ ngồi cách ông không xa, trong một phòng chờ khác, họ cũng đang mong muốn đến giây phút đoàn viên.

Và cái giây phút mà ông Mua luôn mong chờ trong suốt 65 năm xa cách ấy đã đến. Ông Mua không kìm được nước mắt khi thấy người chị ruột Huỳnh Thị Năm, người thương mến ông Mua nhiều nhất cũng là người chị duy nhất còn đủ khỏe để đến đoàn tụ với ông Mua trong chương trình này. Bà Năm nay đã 85 tuổi, mắt đã mờ, chân đã khập khễnh nhưng bằng hết sức mình đã nhào tới ôm lấy người em 65-66 năm xa cách. Người em mà bà không một ngày lòng không nhớ thương. Còn hạnh phúc và bất ngờ biết bao khi cả bên ngoại và bên nội của ông Mua còn rất nhiều họ hàng thân thích, các con cháu của ông Mua tuy chưa một lần gặp mặt nhưng được nghe về ông không ngớt từ các anh chị của ông, cũng ngày ngày mong nhớ và hy vọng ông Mua được bình an .

TAD_200111

HVM 3-001

    Ông Mua đoàn tụ với chị và các cháu sau 65 năm xa cách

Anh Nguyễn Chính, cháu ông Mua đã viết một bài hát đầy thấu hiểu và thương nhớ với những câu hát “Sáu mươi lăm năm ấy, như một giấc mơ dài …” mà chương trình số 66 đã đưa lên như một món quà đặc biệt thứ hai gửi cho ông Mua. Đây không chỉ còn là niềm hạnh phúc nơi cuối đời của ông Mua nữa mà là với tất cả các anh chị cùng họ hàng của ông. Chương trình cũng tặng ông cuốn sổ tiết kiệm từ Seabank với hy vọng sẽ phần nào giúp ông trang trải trên con đường về thăm lại các anh chị em họ hàng ở Quảng Nam, Đà Nẵng và cả Huế, để ước nguyện của ông được trọn vẹn.

TAD_1974

Ca khúc “Như một giấc mơ dài” được ca sĩ Kỳ Phương thể hiện là một món quà dành cho ông.

Cả một cuộc đời tha phương trên khắp các miền Tổ quốc, đến giờ ông Mua đã được về với cuội nguồn, về với mái ấm ruột thịt yêu thương.

                                                                                                     Bài: Hạnh Duyên

                                                                                                     Ảnh: Bùi Vũ

d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *