Hoạt động

Giấc mơ thành hiện thực

Ngày đăng: 20/09/2010 | Lượt xem: 1170

Hai nửa gia đình lưu lạc, những bấp bênh cuộc sống nhưng họ chưa bao giờ nguôi hy vọng tìm nhau. Hơn 40 năm tha phương, anh Nguyễn Hưng đã được gặp lại người thân. Vài hôm nữa thôi, anh sẽ đưa cái gia đình nhỏ của mình về thăm mảnh đất quê cha, nơi mà ngày ngày người mẹ già gần 80 tuổi vẫn ngồi ở bến sông mong mỏi một lần được gặp mặt đứa con trai yêu thương.

Tiếng lòng người mẹ!

Mỗi chiều, có một người mẹ già vẫn thường ra ngồi ở bến sông, trầm ngâm nhìn về bầu trời xa xăm. Người dân trong làng dường như đã quen với hình ảnh của bà Đỗ Thị Não nơi bến sông này. Người ta biết bà đang nhớ đến đứa con trai bị thất lạc của mình. Sinh ra con nhưng bà không được cái hạnh phúc nhìn con khôn lớn như bao người mẹ khác.

Người mẹ già hằng ngày vẫn ngồi ở bến sông chờ đợi đứa con yêu thương

Chương trình NCHCCCL nhận được một lá thư tìm người thân của anh Nguyễn Hà. Anh Hà thay mẹ viết thư tìm đứa em trai lưu lạc khi mới 5 tuổi. Câu chuyện bắt đầu từ những năm 1966, bà Não cùng chồng là ông Nguyễn Đó và 3 người con rời Quảng Ngãi lên Kontum làm ăn.

Hằng ngày, hai vợ chồng đi buôn bán ngoài chợ, 3 người con đã tự biết chăm sóc, bảo ban nhau để ba mẹ yên tâm làm việc. Cuộc sống xoay vần với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Trong lòng ông Đó vẫn canh cánh một nỗi buồn. Vì hoàn cảnh mà các con không được học hành như những đứa trẻ cùng trang lứa. Ông nhìn lại cuộc đời của mình mà trăn trở cho cuộc sống của các con sau này.

Dường như ông trời cũng nghe thấy sự trăn trở của ông, khi một vị mục sư tên Hùng ở nhà thờ Tin lành Phùng Nghĩa đến xin mỗi gia đình một đứa trẻ để dạy dỗ và cho ăn học, vào năm 1969. Muốn con biết được cái chữ cho đỡ khổ, ông bà đã đồng ý cho đứa con trai giữa tên là Nguyễn Hùng theo mục sư Hùng vào sống tại nhà thờ Phùng Nghĩa. Tại đây, anh Hùng đã được đổi tên thành Nguyễn Hưng, vì trùng tên với vị mục sư.

Từ ngày gửi con đi, ông bà Đó thường xuyên đến nhà thờ thăm con cho đỡ nhớ. Có mấy lần nhớ con quá, bà Não và ông Đó lại đến năn nỉ ông Hùng xin con về, nhưng ông mục sư một mực từ chối. Mỗi lần như vậy, ông bà Đó đành lủi thủi quay về, sau khi dặn dò con phải cố gắng học và tự chăm sóc cho bản thân. Mỗi lần như thế ông bà cũng không quên dặn con đợi bố mẹ đến đón về.

 Bà Đỗ Thị Não mẹ của anh Nguyễn Hưng

Năm 1971, ba ông Đó mất tại Quảng Ngãi, ông Đó đưa gia đình về chịu tang bố. Một thời gian sau, ông Đó đưa vợ quay lại Kontum tìm con thì Nhà thờ không còn ở đó nữa. Hàng xóm xung quanh cũng không ai biết được những người sống trong nhà thờ đã chuyển đi đâu, chỉ nghe nói là đã chuyển vào miền Nam.

Vợ chồng ông Đó lại ngậm ngùi quay về Quảng Ngãi, mang theo nỗi nhớ con da diết. Vài năm sau, cũng vì nhớ thương người con trai giữa mà ông Đó lâm bệnh nặng rồi qua đời. 40 năm không phải là thời gian ngắn ngủi, nhưng nó vẫn chưa đủ dài để xóa đi những ký ức về một người con mà bà Não từng mang nặng đẻ đau.

Kỷ niệm âm ỉ

Cuộc tìm kiếm nào cũng vậy, không phải chỉ bắt tay vào tìm sẽ có kết quả như mong đợi. Nhưng mỗi thông tin được khám phá lại mở ra được những chi tiết bất ngờ trong quá trình tìm kiếm. Chúng tôi đã tìm đến nhà một anh công nhân của một nông trường cao su tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tên là Nguyễn Hưng qua những người bạn của anh. Một ngôi nhà đơn sơ được xây dựng trên mảnh đất mà nông trường cấp cho công nhân của mình. Lưu lạc hơn 40 năm, anh cũng đã có một gia đình nho nhỏ của mình. Từ một đứa trẻ đi theo gia đình mục sư Hùng vào Nam, một mình phấn đấu bằng chính đôi bàn tay của mình, nên anh luôn được gia đình vợ và hàng xóm láng giềng yêu quý. Có lẽ chính sự côi cút của mình mà anh Hưng luôn mong muốn có thật nhiều con để các con của anh không phải chịu sự côi cút như mình trong một thời gian dài.

Ngôi nhà nhỏ của anh Nguyễn Hưng

Thế mới biết, hơn 40 năm qua đi, anh vẫn luôn mang trong lòng nỗi nhớ về cội nguồn. Anh vẫn đang ấp ủ cho mình một chuyến quay về Kontum để tìm lại gia đình ruột thịt của mình. Trong ký ức của anh, dường như những kỷ niệm về ba mẹ chưa bao giờ nhạt đi theo thời gian. Là vóc dáng gầy gò của cha, là dáng đi rất riêng của mẹ mỗi lần đến thăm anh. Tiếng nấc của mẹ khi mục sư Hùng không cho anh về nhà. Và len lỏi trong đó một chút hờn tủi khi bị mục sư Hùng đánh đòn mà không có mẹ bên cạnh….Những kỷ niệm âm ỉ theo thời gian, để rồi mỗi khi ngồi xem Chương trình NCHCCCL anh lại rơi nước mắt với những mảnh đời lưu lạc nhưng đã may mắn tìm được người thân của mình. Họ may mắn hơn anh. Khi đó, anh chỉ mong sao người đứng trên đó là mình. Và anh sẽ được ôm ba mẹ cho thỏa nỗi nhớ lớn dần theo thời gian. Càng nghĩ nước mắt lại càng rơi…

Anh Nguyễn Hùng nay là Nguyễn Hưng

Mỗi lần như thế, đứa con trai lớn chỉ biết an ủi anh, hai cha con ráng dành dụm, khi nào đủ tiền thì đưa cha về tìm lại họ hàng. Nhưng cuộc sống ở đây còn khó khăn lắm, hai cha con đi làm thuê làm mướn cũng chỉ đủ đắp đổi cuộc sống qua ngày. Nên cái tâm nguyện tìm về cội nguồn của hai cha con đành gác lại để nhường chỗ cho những mưu sinh thường nhật.

Cho những giấc mơ

Ngày hôm nay đây, cái mưu sinh thường nhật phải tạm thời nhường chỗ cho giây phút đoàn tụ của anh Hưng và anh trai của mình, trong sự chúc mừng của mọi người. Những người đã luôn bên cạnh anh trong thời gian anh chơi vơi, bấp bênh thì ngày hôm nay họ lại cùng anh chia sẻ niềm vui đoàn tụ. Vợ và các con của anh Hưng cũng đã biết họ hàng bên nội của mình nhờ vào sự giúp đỡ của Chương trình NCHCCCL. Và có lẽ người vui mừng nữa chính là mẹ vợ của anh, người đã đứng ra hợp hôn gả con gái của mình cho một người có số phận côi cút, bà đã từng thương cho số phận một đứa trẻ lưu lạc. Với bà, anh Hưng cũng như một người con, nhưng bà không thể giúp cho anh Hưng thoát khỏi ám ảnh chông chênh về gia đình.

Và cách đó hơn 800km, người mẹ già đã nhìn thấy mặt đứa con trai lưu lạc của mình trên truyền hình. Bà không đủ sức khỏe để đi đến gặp con, thế nhưng bà vẫn sẽ đợi…. Ngày nào, đứa con trai đó chỉ mới là một cậu bé thì giờ đây cậu bé đó đã trở thành một người đàn ông trụ cột cho gia đình. Chỉ vài ngày nữa thôi, đứa con trai mà bà mong nhớ suốt thời gian qua sẽ về bên cạnh bà. Không chỉ vậy mà bà con có thêm một người con dâu và 5 người cháu nội. Niềm vui mới cho một đại gia đình!

Một số phận chông chênh, dù thế nào vẫn luôn tìm kiếm một chỗ dựa từ người thân. Câu chuyện lưu lạc của anh Hưng đã khép lại. Cuộc đời của anh Hưng lại bước sang một trang mới. Dù đi đâu, làm gì anh luôn có một nơi để hướng về.

Hình ảnh đoàn tụ của anh Nguyễn Hùng tại trường quay S8 ngày 4/9/2010- Ảnh: Bùi Vũ

Chúc mừng cho ngày đoàn tụ của anh Hưng, ngân hàng TMCP Đông Nam Á – SeABank đã hỗ trợ cho anh Hưng một sổ tiết kiệm trị giá 15 triệu đồng, như một sự giúp đỡ để anh Hưng có cuộc sống tốt đẹp hơn bên cạnh niềm vui được đoàn tụ sau 40 năm lưu lạc.

Thái Quỳnh

} else {

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *