Hoạt động

Cuộc hạnh ngộ kỳ lạ của cha con chị Trần Thị K.: Nếu còn tin vào số phận…

Ngày đăng: 24/01/2008 | Lượt xem: 894

 

Anh Cố Khắc Á (phải) chụp hình kỷ niệm với ông Thái Hán Triều trước trụ sở cảnh sát Kim Thành khi chuyện mới được sáng tỏ (ảnh do Sở Cảnh sát Kim Thành, Cục Cảnh sát huyện Kim Môn cung cấp cho báo Tuổi Trẻ)

TT – Trong câu chuyện tìm cha của chị Trần Thị K., mỗi sự kiện xảy ra, mỗi con người xuất hiện đều là một mắt xích không thể bớt đi, không thể khác được. Tuổi Trẻ đã liên lạc với ba "mắt xích" quan trọng nhất để nghe lời kể của chính người trong cuộc. Nhưng câu chuyện này vẫn còn nhiều bí ẩn.

>> Cuộc hạnh ngộ kỳ lạ: Cha – chủ, con – ôsin

1 Người cảnh sát

Anh Cố Khắc Á làm tại Sở Cảnh sát Kim Thành, huyện Kim Môn, Đài Loan, phụ trách quản lý người nước ngoài tạm trú tại xứ Đài. Trong một đợt kiểm tra thẻ cư trú thường lệ, viên cảnh sát 33 tuổi này đã gặp Trần Thị K.. Chị báo mình bị mất một túi đựng kỷ vật rất quí giá và nhờ cảnh sát tìm giúp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, Cố Khắc Á nói: "Vì trình độ tiếng Hoa của Trần Thị K. chưa giỏi, nên tôi nghe chị ấy kể tới bốn tiếng đồng hồ mới hiểu. Lúc đó tôi cảm thấy chuyện này rất quan trọng đối với chị K.. Gia đình tôi cũng có câu chuyện tương tự. Cha tôi phải chia tay với người thân đang ở Trung Quốc đại lục vì lý do chính trị. Mấy năm trước tôi và cha tôi mới về quê để gặp lại người thân. Vì vậy khi biết được chuyện của K., tôi rất đồng cảm với chị ấy".

Vì lý do này, Khắc Á quyết định giúp chị K. tìm cha mình. Anh đã gọi điện cho công ty môi giới và những chủ nhà từng thuê chị K. làm việc. Cuối cùng tại chủ nhà thuê đầu tiên của chị K., hai thứ đồ bị mất đã được tìm thấy. Khắc Á kể rằng ông Thái Hán Triều lúc ấy rất thắc mắc đây là đồ gì mà quan trọng vậy. Sau khi biết được đây là di vật của mẹ chị K., ông muốn mở ra để xác nhận không lấy nhầm đồ. Khi đã nhìn thấy hai món kỷ vật, ông Thái Hán Triều chưa tiết lộ ngay mình là người trong hình và là chủ của chiếc nhẫn đó. Ông chỉ muốn đích thân đưa hai thứ đồ này cho chị K.. Sau khi đến Kim Môn, ông Thái hỏi lại chuyện cũ của chị K. và xác nhận được sự thật.

Trong lúc nói chuyện với Tuổi Trẻ, anh Cố Khắc Á đã bày tỏ ý muốn truyền thông VN, cũng như truyền thông Đài Loan có thể giúp đỡ hai người sớm được đoàn tụ.

2 Người cha

Ông Thái Hán Triều với tấm ảnh kỷ vật và tấm ảnh ông chụp với chị Trần Thị K.. Sức khỏe của ông đã sa sút nhiều so với trước

Ông Thái Hán Triều sinh năm 1931 tại Đài Loan. Ngày trước, ông làm việc cho một công ty thương mại và thường được công ty gửi đi nước ngoài làm việc. Trong một lần sang Hong Kong, ông đã đem lòng yêu cô gái VN tên H.T.H., dù lúc bấy giờ ông đã có vợ ở Đài Loan. Cô H. khi ấy đang là nhân viên bán hàng tại một trung tâm mua sắm.

Mối tình sét đánh đưa hai người đến với nhau chỉ sau ba ngày quen biết. Nhưng mới ở bên nhau được hai tuần, ông Thái Hán Triều phải quay về Đài Loan. (Trước đó báo Đài Loan viết mẹ chị K. phải về VN để chăm sóc mẹ già bị ốm). Trước khi đi, ông đã tặng người yêu chiếc nhẫn có khắc tên mình và tấm hình.

"Sau đó ba tháng, tôi có quay lại Hong Kong tìm H. nhưng không gặp nữa. Tôi đến trung tâm thương mại để hỏi và được ông chủ của trung tâm cho biết cô ấy đã nghỉ việc vì lý do sức khỏe" – ông tâm sự. Không có địa chỉ, số điện thoại của người yêu, ông Thái Hán Triều đành ngậm ngùi chôn chặt mối tình trong lòng. Kể từ đó, ông không bao giờ nhắc lại chuyện này với ai. Chỉ đến khi chị K. tìm đến, ông mới biết mình còn có một cô con gái.

Chị K. có thể nói được tiếng Hoa nhưng không đọc được chữ. Đồng nghiệp làm tại báo Bốn Phương ở Đài Loan đã liên lạc với ông Thái Hán Triều, và được ông cho biết lúc làm việc tại nhà, K. rất ít chủ động bắt chuyện với ông, và cũng không bao giờ nhắc đến chuyện có cha ruột ở Đài Loan.

"Khi ấy tôi chỉ thấy K. là người rất khỏe mạnh, làm việc chịu khó, có trách nhiệm. Nhưng tôi không có linh cảm đặc biệt gì về cô ấy" – ông nói. Ông cũng cho biết thêm chị K. làm việc ở nhà ông từ ba năm trước, và cách đây một năm, hai cha con ông đã nhận mặt nhau. Kết quả xét nghiệm ADN đã khẳng định K. chính là con ruột của ông, và hiện nay K. đang giữ giấy báo xét nghiệm này.

Tuy nhiên đến ngày 22-1 vừa qua, báo chí mới biết được chuyện của hai cha con ông Thái Hán Triều. Lúc trước ông định về VN cùng con gái mình, nhưng ngay trước khi khởi hành ông đột ngột bị bệnh tim nặng phải nằm bệnh viện và vừa mới xuất viện ngày 22-1. Hiện nay ông Thái tự nấu cơm cho mình, khi rảnh rỗi ông một mình đi dạo ở công viên. Sức khỏe ông không được tốt, đang mang trong mình bệnh tim và cao huyết áp.

3 Người con

Cái cảm giác cha con gặp nhau khó tả lắm. Ông khóc, tôi cũng khóc. Nhiều người hỏi tôi sao bảy tháng trời ở chung dưới một mái nhà mà tôi không kể chuyện của mình với "ông chủ”. Thật ra suốt thời gian làm việc tôi luôn biết thân biết phận người ăn kẻ ở,  đâu dám nói chuyện riêng của mình. Tôi chỉ tranh thủ mấy ngày nghỉ phép mới nhờ người tìm giúp cha. Khi nhận mặt cha con rồi, ông không ngừng xin lỗi tôi, nói là ông đã không làm tròn trách nhiệm người cha với tôi. Tôi chỉ ôm ông mà nói tôi rất vui khi gặp lại ông, tôi không hề trách móc gì ông cả.

Khi sang Đài Loan, hi vọng tìm thấy cha như là mò kim đáy biển. Gặp được cha đối với tôi là điều quí nhất rồi, không có gì quí hơn nữa. Mấy hôm nay tôi cứ canh chừng khoảng tám chín giờ sáng lại gọi điện thoại sang Đài Loan xem cụ dậy chưa. Cụ bị cao huyết áp, lại bị bệnh tim, tôi chỉ sợ cụ ngủ rồi đi luôn không dậy được nữa.

Cụ có cả thảy sáu người con, ba trai ba gái, nhưng người thì đi nước ngoài, người sống ở xa, thành ra đông con mà cụ vẫn sống một mình. Cũng có người khuyên cụ về nhà để chăm sóc, nhưng cụ không thích làm phiền đến con cháu. Tôi thương cha tuổi cao sức yếu mà ra vào có một mình, lỡ có mệnh hệ nào… Tôi khóc trên điện thoại, nhưng cụ bảo tôi không được khóc. Tính cụ là vậy, cứng cỏi và nghiêm khắc lắm.

Mẹ nuôi là chị ruột của mẹ tôi kể lại rằng mẹ tôi rất kín đáo, trầm lặng, hầu như không bao giờ hé răng tâm sự chuyện của mình với người khác, kể cả với chị ruột. Thời con gái, bà lẳng lặng đi nước ngoài làm ăn buôn bán, mẹ nuôi tôi cũng không biết bà đi đâu, chỉ biết mơ hồ là ở Trung Quốc đại lục hay Hong Kong gì đó.

Đến năm 1968, bà trở về VN để sinh tôi. Gái chưa chồng mà bụng mang dạ chửa, mẹ tôi không dám ở lại nhà mà lên tận Thái Nguyên để tránh những lời thị phi đàm tiếu. Khi mẹ sinh tôi rồi, mẹ nuôi có lên Thái Nguyên thăm bà. Lúc ấy mẹ tôi dường như có tâm sự gì đó, bà khóc rất nhiều, lại không ăn uống được. Tưởng em gái bị bệnh phổi, mẹ nuôi tôi có đi bốc thuốc nam cho bà uống nhưng vẫn không thấy bệnh tình thuyên giảm. Nhìn em gái cứ yếu dần như ngọn đèn leo lét trước gió, mẹ nuôi tôi không khỏi xót xa… Sau khi sinh tôi được hai tháng, đoán chừng không qua khỏi, mẹ mới giao tôi cho chị ruột nhờ nuôi nấng, và gửi kèm hai món kỷ vật của cha tôi rồi dặn dò: "Chị hãy thay em chăm sóc cháu, thương yêu cháu như con ruột. Xin chị đừng cho cháu biết nó là con nuôi kẻo tủi thân cháu tội nghiệp. Khi nào cháu trưởng thành thì cháu sẽ hiểu. Lúc đó chị hãy nói sự thật cho cháu biết!".

Mẹ nuôi tôi đã giữ đúng lời hứa. Cha mẹ nuôi luôn thương yêu, đối xử với tôi như con ruột. Ơn này tôi nguyện suốt đời không quên. Mãi đến năm tôi 21 tuổi, vào đúng ngày cưới của tôi, mẹ nuôi mới tiết lộ sự thật cho tôi nghe. Cho đến tận bây giờ, cả gia đình chồng tôi lẫn những người trong làng vẫn không ai biết bí mật này.

Cuộc sống của tôi sau ngày xuất giá cơ cực trăm bề. Ngày nào tôi cũng làm việc đầu tắt mặt tối để lo cho hai đứa con và ông chồng. Bẵng đi một thời gian, công việc bù đầu khiến tôi chẳng còn đầu óc mà nghĩ ngợi, ý định tìm cha cũng nhạt dần. Cho đến một đêm nọ, lúc ấy đã sau 12 giờ đêm, tôi đang mơ mơ màng màng thì thấy một người phụ nữ đứng cạnh mình và nói: "Con ơi, con muốn đi tìm cha thì không khó lắm đâu!". Tôi định hỏi tìm ở đâu, làm sao mà tìm, nhưng khi giật mình dậy thì không thấy ai cả. Lúc đó tôi nổi cả gai ốc, sang hôm sau không dám ngủ nữa. Lời nói trong giấc mộng cứ văng vẳng trong đầu tôi suốt nửa tháng trời, nhưng lúc ấy tôi vẫn chưa biết sẽ phải làm thế nào, phải đi đâu để tìm cha.

Một hôm, chồng tôi uống rượu say rồi kiếm chuyện gây gổ với tôi. Tôi buồn quá mới quyết định hỏi thăm người ta chỗ học tiếng Trung, định bụng đi Đài Loan một chuyến, biết đâu tìm lại được cha mình. Khi tôi nói ý định với cha mẹ nuôi, họ cũng đồng ý, và nói rằng tôi đã lớn rồi, có thể tự quyết định chuyện của mình. Tôi học tiếng Trung ở một công ty môi giới được khoảng một tuần thì nghe người ta nói công ty đấy lừa đảo nên không học nữa.

Sau đó, tôi lại tìm đến một công ty khác, đang học được hơn tuần thì người con út của mẹ nuôi tôi đang làm việc ở Hà Nội về thăm nhà. Biết tin tôi muốn đi Đài Loan làm việc, chị rủ tôi đi Hà Nội vì có người bạn mở công ty giới thiệu việc làm rất đáng tin cậy. Chính ở công ty này mà tôi đã được "ông chủ” là cha tôi chọn về làm người giúp việc nhà. Cha tôi kể rằng trước đó ông đã xem qua một lượt hình các ứng viên trên máy tính. Xem đi xem lại ông quyết định chỉ chọn tôi. Ông còn cẩn thận đưa hồ sơ của tôi cho một người xem tướng số, và người đó cũng khuyên cha chọn tôi.

Có lúc ngồi một mình, tôi tự nhủ: "Hay là mẹ mình dẫn dắt mình đi tìm cha". Thật tình nếu không có giấc mơ kỳ lạ kia thì tôi sẽ không bao giờ có ý định đi Đài Loan. Thôi thì trái đất quay tròn, ông trời xếp đặt thế nào mình hưởng thế đấy vậy. Hiện nay tôi đang bận công việc riêng ở nhà nên chưa thể sang Đài Loan chăm sóc cha, dự định ra giêng sẽ đi. Gặp được cha, tôi rất mừng, nhưng thật tình tôi không thích phô trương chuyện của mình trên báo chí. Tôi biết mọi người rất quan tâm đến chuyện của tôi, nhưng xin cho tôi được quyền giữ lại những bí mật của riêng mình ().

                                                                THANH TRÚC – CHÚC XIN ghi

                                                                               (Theo Tuổi Trẻ)

}

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *