Báo chí

“Chúng tôi sẽ mang đến những cuộc đoàn tụ”…

Ngày đăng: 04/12/2007 | Lượt xem: 1147

“Xin chào chị, chị tìm ai ạ?”, “Còn em, em tìm ai?”… Đó không phải là câu hỏi của một người chủ nhà khi có khách đến tìm mà là câu hỏi của một cầu nối để mang tới những cuộc đoàn tụ. Câu hỏi đầy cảm xúc của nhà báo Thu Uyên trong “Như chưa hề có cuộc chia ly” rồi đây hi vọng sẽ được nhiều khán giả cùng chị tìm ra câu trả lời.

Những dòng tin tìm người thân cũng đã quá quen với tất cả chúng ta trên mặt báo, qua đài hay thậm chí là trên truyền hình nhưng khi đó chỉ là những dòng tin trôi qua rất nhanh, không mấy liên quan đến mình, không ít người sẵn sàng bỏ qua. Nhưng, Như chưa hề có cuộc chia ly ra đời để mong muốn làm những điều khác biệt. “Những nỗ lực cá nhân để đoàn tụ thì không phải lúc nào cũng đạt kết quả vì sức lực của chúng ta còn nhỏ nhoi tuy nhiên báo chí, truyền hình và cộng đồng cùng kết nối lại thì hi vọng để tìm thấy ân nhân, người thân, bạn bè sẽ tăng lên gấp bội”.

 

KHẮC KHOẢI NHỮNG KHÁT KHAO ĐOÀN TỤ

Đúng như nhà báo Thu Uyên đã nói trong chương trình này: “Trong lúc chúng ta đang bên cạnh bạn bè, người thân, có biết bao con người đang chịu cảnh li tán. Chia li thời chiến tranh, chia li thời hậu chiến, chia li vì sinh kế, vì di chuyển, chia li vì hiểu lầm và có khi đơn giản chỉ là do dòng đời đẩy chúng ta ra xa nhau và bặt tin mà thôi. Rất có thể, cuộc sống thường nhật hối hả làm cho chúng ta quên đi rằng trong tiềm thức chúng ta đang chờ mong một ai đó. Rất có thể, ngay lúc này đây, tôi – bạn đang được một ai đó ngóng trông”…

Như chưa hề có cuộc chia ly” số 1 bắt đầu bằng những nỗi trăn trở tìm lại người thân: người cháu muốn tìm ông nội thúc 75 tuổi tên Huỳnh Minh Trị bặt tin, người mẹ héo mòn vì tìm con gái theo chồng sang Đức từ năm 1991 nhưng mất liên lạc 15 năm nay… Tất cả họ đã miệt mài tìm kiếm người thân của mình nhưng bặt vô âm tín.

Từ những ước vọng của kí ức

Một mong ước đã lâu của ca sĩ trẻ Đình Bảo – nhóm AC&M: “được gặp lại cô giáo mẫu giáo – người đã dạy Bảo bài hát đầu tiên và người bạn gái mẫu giáo chung lớp năm 1985/1986, luôn xuất hiện trong kí ức của Bảo”. Có lẽ trong cuộc đời này, Đình Bảo không phải là người duy nhất có mong muốn được tìm lại những kỉ niệm đẹp, những người mình yêu quí mà thời gian đã xoá đi những cơ hội dễ dàng gặp lại. Hành trình đội tìm kiếm của chương trình đi dò hỏi đã khiến Đình Bảo hồi hộp và khán giả cũng cảm thấy vui vui. Giây phút gặp gỡ của cậu trò Đình Bảo với cô giáo Duyên ngắn ngủi và đầy xúc động nhưng chắc chắn, sẽ có những cuộc hội ngộ khác giữa cô Duyên và nhiều học trò nữa, giữa Đình Bảo với những người bạn nữa.

Mừng cho cuộc hội ngộ của Đình Bảo để rồi khán giả như lặng đi cùng những khát khao tìm kiếm khác.

Đến những nỗi chia ly khắc khoải cả đời

Chắc chắn, nếu ai từng xem chương trình đầu tiên này sẽ không khỏi ngậm ngùi khi Như chưa hề có cuộc chia ly đưa khán giả đến với trung tâm nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình, Thủ Đức. Những em bé đáng yêu và hồn nhiên bị bỏ lại, còn quá nhỏ để có chút kí ức nào về người thân của mình. Mỗi lần có người đến tìm, chúng chỉ có thể cùng nhau kéo vào phòng để xem giúp nhau đứa nào có cái thẹo trên trán, vết bớt sau lưng…

Rồi cả câu chuyện của anh Nguyễn Văn Hùng, người bảo vệ đã 33 năm sống tại trại Tam Bình với những kí ức về tuổi thơ, những mảnh ghép không còn rõ và cách quãng “Ba làm cảnh sát giao thông nên rất bận. Rồi ba đưa tôi và em Sơn vào trại Tam Bình, thường cuối tuần, ba đến đưa chúng tôi đi chơi. Khi về, lúc nào ba cũng mua cho tôi một cái bánh bao vì tôi thích bánh bao lắm… Kỉ niệm cuối cùng chỉ có là ba nói là ba sẽ đưa 2 anh em về Long gì đó, Long Thành hay Long Khánh cũng không nhớ…

33 năm, anh Hùng đã lặng lẽ gác cửa, làm công tác an ninh ở trại trẻ Tam Bình mong một ngày có người trở lại tìm mình và cũng đã nhờ nhiều người tìm mẹ, tìm chị gái thế nhưng… 33 năm đã qua. Anh đã nhờ đến Như chưa hề có cuộc chia ly và hi vọng rồi đây, khi mong muốn tìm kiếm của anh đến được với hàng triệu người, hi vọng đó sẽ không còn mong manh.

 

Còn có biết bao người đang được tìm kiếm, biết bao người đang muốn gặp lại người thân bị li tán…

Và cả những cuộc hội ngộ xuyên biên giới

Như chưa hề có cuộc chia ly còn mang đến cho người xem đến câu chuyện của Người “buôn tiền” trở thành Bộ trưởng” – câu chuyện về nhiệm vụ tài chính đặc biệt của những con người trung kiên và trong sáng tuyệt vời trong cách mạng – đơn vị N2683 – chịu trách nhiệm chuyển tiền chi viện cho chiến trường, cũng là câu chuyện của người chỉ huy đơn vị – ông Lữ Minh Châu, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và con trai của người liệt sỹ Lâm Đông Sơn – người liệt sĩ duy nhất của ban Tài chính đặc biệt này.

Vì nhiệm vụ đặc biệt và đầy nguy hiểm, liệt sĩ Lâm Đông Sơn (người Việt, gốc Hoa) đã gửi con trai của mình là Lâm Chí Trung về quê Phúc Kiến, Trung Quốc khi anh Trung còn rất nhỏ. Lớn lên ở Trung Quốc, anh Trung không hề biết tin cha, cũng không có nhiều kỉ niệm về cha. Bởi vậy, những câu chuyện về tinh thần trung kiên tuyệt vời của cha mình anh cũng không được nghe nhiều. Được nghe những câu chuyện về cha, được tìm lại những hình ảnh cha là nỗi mong mỏi đã khiến anh Trung trở lại Việt Nam nhiều lần để tìm lại bác Ba Châu (ông Lữ Minh Châu) nhưng anh không tìm được.

Mãi đến khi báo Thanh Niên đăng bài viết về ông Châu, anh đã gửi thư cho ông qua báo Thanh Niên, và tại Như chưa hề có cuộc chia ly, anh Trung đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại với bác Ba Châu mà anh hằng mong gặp cũng như có cuộc hội ngộ với ông sau chuyến bay gấp từ Trung Quốc trở lại Sài Gòn. Cuộc điện thoại không dài nhưng người xem thật sự xúc động bởi nỗi nghẹn ngào của cả 2 bên, bởi nỗi khắc khoải cả cuộc đời được hoá giải.

 

Linh đoàn tụ cùng gia đình

LÀM SAO ĐỂ CÓ NHỮNG CUỘC ĐOÀN TỤ?

Tại chương trình số 1, không chỉ có cuộc hội ngộ của ca sĩ Đình Bảo với cô giáo, không chỉ có cuộc trò chuyện bất ngờ sau bao nhiêu năm của người anh hùng trung kiên Lữ Minh Châu và anh Lâm Chí Trung mà còn có cuộc đại đoàn tụ của người thanh niên gương mẫu và giàu nghị lực Nguyễn Văn Linh.

Linh đã 22 năm lưu lạc trên đất Sài Gòn. Đi lạc gia đình từ năm 5 tuổi, dòng đời đã đưa Linh từ tận Năm Căn (nơi mà Linh chỉ còn nhớ mang máng chứ không hề biết địa danh vì lúc đó còn quá nhỏ) lên đến TP.HCM. Linh đã kiên cường vượt lên số phận và khát khao tìm lại gia đình. Linh đã nhiều lần đi tìm gia đình theo những dòng kí ức của mình, bạn bè Linh cũng giúp đăng báo nhiều lần nhưng không có kết quả. Ngay sau khi biết về chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, Linh đã trực tiếp đến trình bày ước nguyện của mình. Để rồi, giữa lúc mọi người còn đang ngỡ ngàng với dòng kí ức của Linh, với những hình ảnh mà đội tìm kiếm ghi lại, Linh đã ngập trong vòng tay của gần 20 thành viên trong gia đình mình được đội tìm kiếm bí mật đưa tới trường quay.

Như chưa hề có cuộc chia ly đã mất hơn một tháng để tìm ra người thân cho Linh, để tìm lại cảm xúc sum vầy cho Linh bằng việc kết nối những chi tiết vốn rất mịt mờ: hình ảnh về con heo nhỏ, quê Linh là một vùng nhiều nước, gần một đồn biên phòng. Đây mới chỉ là chương trình đầu tiên, thời gian tới đây, chương trình sẽ phát sóng đều đặn vào tối thứ 7 đầu tiên của tháng từ 20h-21h. Có thể trong những chương trình ghi hình trực tiếp tới đây sẽ có 1 cuộc đoàn tụ, 2 cuộc đoàn tụ hay nhiều cuộc đoàn tụ. Tất cả những điều đó không phụ thuộc vào chỉ riêng đội tìm kiếm, không phụ thuộc chỉ riêng những người làm chương trình, không phụ thuộc chỉ riêng nỗ lực của báo, đài mà phụ thuộc vào tất cả cộng đồng. Bởi, đây là một chương trình thể hiện cao nhất tính cộng đồng. Sự mách bảo của tất cả quí vị sẽ nhân lên nhiều hơn những cuộc đoàn tụ trên sóng truyền hình.

Ngay khi hoàn thành bài viết này, đêm 3/12, vào website www.haylentieng.vn, tôi đã thấy có 11 người được tìm thấy.

Ngay bây giờ, quí vị có thể gọi điện thoại trực tiếp đến số (08) 264 7777 (hoạt động trong giờ hành chính) hoặc điền thông tin vào www.haylentieng.vn để "lên tiếng" nếu là người được tìm hoặc biết về trường hợp đang được đăng tìm.

Không chỉ là một chương trình truyền hình giải trí đơn thuần, "Như chưa hề có cuộc chia ly…" xúc động bởi giá trị nhân đạo, hàn gắn những vết thương do hoàn cảnh lịch sử để lại cùng những trớ trêu của cuộc sống. Chương trình được xem là một phần của dự án xã hội liên truyền thông, với sự kết hợp của đài – báo – website – hotline – cộng đồng nhằm giúp những người có người thân thiết đã ly tán được gặp lại nhau. Mỗi chương trình dài 50 phút, giới thiệu 3-4 cuộc đoàn tụ đầy nước mắt hạnh phúc, những phóng sự ghi nhận cuộc tìm kiếm, đồng thời sẽ tiếp nhận thông tin về những cuộc tìm kiếm mới.

Mời quí vị xem lại toàn bộ chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly số 1:

 
 
 
CHÂM (Theo vtv.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *