Báo chí

100 giờ chia ly và đoàn tụ đẫm nước mắt

Ngày đăng: 12/08/2016 | Lượt xem: 3653

Sau tròn 100 số phát sóng trên truyền hình, hàng chục nghìn hồ sơ tìm kiếm gửi về, chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) đã giúp đoàn tụ cho 700 trường hợp ly tán.

Nắm tay cụ bà run rẩy bước vào trường quay S8 (TP HCM) để lần đầu gặp lại con trai là anh Nguyễn Thanh Phong (1971) sau gần 40 năm chia ly, đội viên tìm kiếm NCHCCCL Nguyễn Văn Linh trấn an: “Bà cứ bình tĩnh, khi gặp con thì bà cứ ôm chặt để bù lại hàng chục năm xa cách”.

Nguyễn Văn Linh chính là trường hợp được gặp lại gia đình đầu tiên trong số 1 của chương trình NCHCCCL, phát sóng vào đầu tháng 12/2007. Từ một nhân vật của chương trình, bị thuyết phục vì tinh thần thiện nguyện của ê kíp nên anh quyết định tham gia để trở thành một thành viên của NCHCCCL.

“Bản thân từng chông chênh và buồn tủi do hơn 20 năm bơ vơ, nay được giúp tìm lại mẹ và gia đình đầy đủ, nên tôi cảm thấy cần có trách nhiệm để giúp đỡ cho những trường hợp tương tự”, anh Linh tâm sự với phóng viên Zing.vn.

Ngày 6/8, Linh và nhóm thực hiện chương trình NCHCCCL cùng kỷ niệm số phát sóng thứ 100. Chủ đề chính vẫn là những cuộc chia ly, nhưng nhiều khán giả vẫn không khỏi xúc động, không cầm được nước mắt khi theo dõi các câu chuyện được kể trong chương trình.

Anh Nguyễn Thanh Phong gặp lại chị gái sau 36 năm ly tán trong chương trình NCHCCCL số 100 vào đêm 6/8. Ảnh: Giang Phạm

Anh Nguyễn Thanh Phong gặp lại chị gái sau 36 năm ly tán trong chương trình NCHCCCL số 100 vào đêm 6/8. Ảnh: Giang Phạm

100 chương trình đã lên sóng VTV, hồ sơ gửi về lên đến khoảng 40.000 đăng ký, hơn 700 trường hợp đã đoàn tụ với người thân thành công. “Đây đều là những trường hợp vô cùng may mắn vì người đi tìm và người được đi tìm đều gặp nhau”, nhà báo Thu Uyên, chủ nhiệm chương trình NCHCCCL, chia sẻ. Các câu chuyện luôn khác biệt, bởi cuộc đời mỗi người vốn dĩ là những số phận không ai giống ai. Hoàn cảnh dẫn đến ly tán cũng rất đa dạng, có những trường hợp vì lý do lịch sử, đặc biệt tại một đất nước trải qua hàng thập kỷ chiến tranh, loạn lạc như Việt Nam, cũng rất nhiều trường hợp là vì chủ quan (như ly hôn, bạo lực gia đình…).

Chiến dịch tìm kiếm

Khi ra mắt lần đầu tiên vào tháng 12/2007, NCHCCCL khẳng định không chỉ là một chương trình truyền hình đơn thuần. Đằng sau đó là một dự án được tổ chức qua kết hợp nhiều cách thức như truyền hình trực tiếp, đội tìm kiếm, hotline, cơ sở dữ liệu trên website và sự chung sức của cộng đồng.

Mỗi một cá nhân khi đến đăng ký hồ sơ tìm kiếm đều phải được xử lý thông tin bước đầu. Đây là lúc các chuyên viên chương trình đánh giá khả năng tìm ra của trường hợp, bối cảnh và thời điểm thất lạc có thể được xếp vào những tập hồ sơ nào đã có, hướng tìm kiếm nên bắt đầu từ đầu, cần thêm những manh mối nào… Các hồ sơ được sắp xếp dựa trên manh mối mà có thể lần theo.

“Nếu chúng tôi đã đi tìm một lần mà không ra thì mới xếp hồ sơ này vào các tủ khác nhau. Những tủ hồ sơ đã hình thành qua suốt 9 năm hoạt động nên nó tương đối hoàn chỉnh”, nhà báo Thu Uyên, chủ nhiệm chương trình NCHCCCL, cho biết.

Anh Nguyễn Văn Linh trong một chuyến công tác để tìm kiếm người thất lạc. Ảnh: NCHCCCL

Anh Nguyễn Văn Linh trong một chuyến công tác để tìm kiếm người thất lạc. Ảnh: NCHCCCL

Đến nay, tập hồ sơ tương đối cô đọng được đặt tên “Đường 7”. Đó là những trường hợp thất lạc từ ngày 14 đến 24/3/1975 trên Đường 7 (nay là Quốc lộ 25 nối Gia Lai và Phú Yên), hoặc các cuộc chạy loạn diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4/1975. Ngoài ra là những hồ sơ theo chủ đề như nạn đói 1945, Campuchia 1970, con lai FOEFI, trẻ Babylift…

Một trong những khó khăn ở những năm hoạt động đầu tiên là  lúng túng trong cách phán đoán và suy luận logic.

“Nếu một đứa trẻ bị thất lạc trong giai đoạn đầu thập niên 80 thì liệu có thể đi đâu? Nếu bé ở quốc lộ thì khả năng dễ nhất là leo lên tàu. Rồi đoàn tàu đi qua những tuyến nào? Nếu tàu đi vào phía Nam thì có thể dừng lại ở những chặng nào… Đây đều là những suy luận đã hình thành trong các năm tích lũy từ quá trình tìm kiếm, mà những ngày đầu chưa thể hình dung đầy đủ như vậy”, nhà báo Thu Uyên nói.

Vì sao NCHCCCL có thể giúp tìm ra, trong khi các gia đình cũng ròng rã hàng chục năm nhưng không thành công? Theo kinh nghiệm tiếp xúc của đội tìm kiếm, một trong những cách phổ biến của gia đình là lần theo manh mối của người thất lạc. Hễ nghe tin ở đâu rằng có người giống như người thân đang thất lạc là họ bám theo những thông tin mơ hồ như vậy; mà không có có điều kiện tiếp xúc thông tin nhiều như êkíp, hoặc không được hướng dẫn đưa ra những suy luận logic hơn.

Áp lực

Trong công việc tìm người, có những trường hợp được tìm ra nhanh chóng nhờ vào thông tin rõ ràng, hoặc do manh mối mà khán giả cung cấp. Nhưng không ít trường hợp mà đội tìm kiếm đã đi tìm nhiều năm nhưng mãi chưa ra.

Nhà báo Thu Uyên khẳng định, khi đã xử lý hồ sơ nào thì sẽ rất nhớ trường hợp đang vướng mắc ở đâu. Nếu buộc phải tạm gác lại nghĩa là chưa tìm ra thêm manh mối trong thời điểm đó.

Nhà báo Thu Uyên hỏi về hoàn cảnh thất lạc của một nhân vật trong chương trình NCHCCCL số 100. Ảnh: Giang Phạm

Nhà báo Thu Uyên hỏi về hoàn cảnh thất lạc của một nhân vật trong chương trình NCHCCCL số 100. Ảnh: Giang Phạm

“Điều khó nhất chính là thời gian. 9 năm đã trôi qua, nếu tìm ra ngay từ những năm đầu tiên thì các bà mẹ có thể chỉ 60 tuổi, nhưng đến năm nay thì đã xấp xỉ 70. Đây chính là áp lực rất lớn”, nữ chủ nhiệm NCHCCCL nói. Do vậy, một trong những ưu tiên tìm kiếm của chương trình là các trường hợp mẹ tìm con, hoặc con tìm mẹ mà tuổi của người mẹ đã cao. Tuy nhiên, việc gác lại hồ sơ, cùng với tiếp nhận thêm rất nhiều hồ sơ mới, tạo thành gánh nặng vô hình với nhóm, vì mức độ khó đã tăng lên rất nhiều lần.

Trong quá trình xử lý, nhiều trường hợp tưởng chừng đã tìm được đúng người, dựa trên các manh mối và suy luận, nhưng do chưa đủ căn cứ nên phải nhờ đến xét nghiệm AND. Vậy mà, kết quả ADN lại cho biết đây không phải người cần tìm.

“Khi đó, từ hào hứng, phấn khởi bao nhiêu thì lại hụt hẫng bấy nhiêu. Tuy nhiên, đây cũng là một bước cẩn thận để không bị sai sót. Chúng tôi tự nhủ bản thân đã cố gắng hết sức, nên nhanh chóng gác lại trường hợp này để tiếp tục bắt tay vào hồ sơ mới”, chị Huỳnh Thị Thái Quỳnh, trợ lý chủ nhiệm chương trình, cho biết.

Ê kíp tự giải tỏa áp lực cho bản thân rằng công việc họ đang theo đuổi vốn đã rất khó khăn. Trên thực tế, những hồ sơ mà NCHCCCL nhận xử lý đều là những trường hợp khó, thời gian thất lạc ít nhất 20 năm. Trong khi nhiều đại gia đình đã tự tìm kiếm rất nhiều năm mà chưa thành công, còn nhóm đã nỗ lực xử lý và tìm kiếm một bài bản nhất có thể.

Nghị lực và lương thiện

Theo nhà báo Thu Uyên, con số 700 chỉ biểu hiện khoảng độ gần một nửa trường hợp đã tìm ra và giúp đoàn tụ. Vì rất nhiều trường hợp đoàn tụ nhưng không tiện kể ra vì những lý do tế nhị, hoặc khi một bên đã không còn.

Tuy nhiên, đôi khi chỉ cần biết được người thân của họ vẫn còn sống và khỏe mạnh, người con đã trưởng thành, nên người và đã có gia đình êm ấm, cũng đáp ứng nguyện vọng, lấp được phần nào khoảng trống tinh thần bấy lâu của người đi tìm.

Chị Huỳnh Thị Thái Quỳnh trong một lần công tác để thu thập thông tin. Ảnh: NCHCCCL

Chị Huỳnh Thị Thái Quỳnh trong một lần công tác để thu thập thông tin. Ảnh: NCHCCCL

Đến nay, khi đã tác thành cho hơn 700 trường hợp đoàn tụ thành công, Thu Uyên kể cô ấn tượng nhất với những nhân vật giàu nghị lực và một bản chất lương thiện dù hoàn cảnh trớ trêu. Sau khi các gia đình được đoàn tụ tại trường quay, nhà báo Thu Uyên xúc động rời khỏi sân khấu chính, thỉnh thoảng đứng nép sau cánh gà. Cô cho rằng cần nhường lại những khoảnh khắc quý giá cho riêng gia đình sau hàng chục năm xa cách.

“Với một người thất lạc, trong tâm trí luôn cảm giác thiếu thốn tình cảm, thì họ chỉ có thể tự vươn lên bằng chính nghị lực bản thân. Họ nỗ lực trong cuộc sống và thậm chí lương thiện hơn rất nhiều người xung quanh. Chẳng hạn, khi một đứa trẻ lạc nhà, lang thang, em hoàn toàn có thể bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu. Tuy nhiên, nhiều nhân vật trong chương trình đã kiên quyết là bản thân không được sống tiêu cực, để không phải hổ thẹn với những người thân trong gia đình còn đang chờ được gặp lại”.

Anh Nguyễn Thanh Phong, nhân vật khép lại cái kết có hậu cho số 100 của chương trình NCHCCCL cũng là một người giàu nghị lực và sống lương thiện như vậy.

Tuổi thơ phải ở với gia đình khác do bố mẹ đi làm ăn xa. Phong bị đánh đập, bị người lớn thả xuống giếng đến sặc nước, ăn cám cầm hơi… rồi thất lạc với người chị duy nhất. Thậm chí, khi trưởng thành, anh tưởng không cưới được vợ vì bị chê là đứa không rõ gốc gác, cù bất cù bơ.

Nhiều lần chán nản, nhưng anh quyết tâm gượng dậy và tiếp tục sống tốt vì nhớ mãi lời dặn của chị khi còn nhỏ: “Sau này, dù thế nào em cũng không được hư nhé”. Và vào đêm 6/8, Phong đã được đoàn tụ với chị ruột và mẹ sau 36 năm ly tán.

Cảnh Toàn (zing.vn)

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *